Bà Trịnh Thị Phúc sống vào thế kỷ 17, quê ở làng Bồng Thượng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Chồng bà là Nguyễn Quán Hoàn người làng Văn Hà, huyện Thụy Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Sau khi lấy chồng bà về sống tại đây.
Năm 1637, ông bà sinh Nguyễn Quán Nho. Khi Quán Nho chừng 10 tuổi thì cha qua đời. Mặc dù còn rất trẻ nhưng bà Trịnh Thị Phúc thề ở vậy nuôi con với quyết tâm phải cho con ăn học thành tài. Trong nhà, tài sản có hơn sào ruộng, một khoảnh ao và mảnh vườn nhỏ trước sân. Một mình bà tảo tần hết cấy hái lại thả bèo nuôi lợn, trồng rau trồng củ, tận dụng tất cả những gì mình có để lấy tiền nuôi con ăn học. Những lúc rỗi bà còn làm thêm nghề vặn thừng để bán, quần quật quanh năm vì vậy đôi bàn tay lúc nào cũng sứt sẹo rớm máu. Vất vả vậy nhưng bà không bao giờ phàn nàn, chỉ đau đáu chăm lo cho việc học của con. Cứ như vậy ròng rã hai chục năm trời.
|
Chân dung vị quan thanh liêm Nguyễn Quán Nho treo tại nhà thờ ông ở thôn Dương Hòa, xã Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. |
Đến khoa thi Hội năm 1667, không phụ công mẹ, Nguyễn Quán Nho đỗ Tiến sĩ. Theo lệ của triều đình nhà Lê, thí sinh đậu Tiến sĩ được làm lễ vinh quy bái tổ. Ngày vinh quy, tân Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho được hàng tổng trống giong cờ mở rước về.
Biết tin con thi đỗ bà mừng rơi nước mắt nhưng tương truyền khi tân Tiến sĩ về làng, bà vẫn đang vớt bèo dưới ao. Khi chức dịch trong làng đến nhà mời bà ra đình dự lễ, bà thủng thẳng nói: “Nó đỗ là việc của nó, tôi còn phải vớt bèo cho lợn ăn”. Quán Nho được rước về đến đình làng, nghe nói mẹ vẫn đang ở nhà, không chịu ra đình đón con, hiểu tính mẹ, ông cuống quýt bỏ cả võng lọng chạy về. Thấy bà vẫn đang cắm cúi vớt bèo, ông liền vội lội ào xuống vớt đầy rổ bưng lên rồi mới cùng mẹ ra đình làm lễ. Từ đấy dân gian truyền mãi câu “Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy” mỗi khi kể về Nguyễn Quán Nho.
|
Hình ảnh Nguyễn Quán Nho xắn quần vớt bèo trong lễ vinh quy bái tổ. |
Sau đó, Nguyễn Quán Nho được bổ về làm quan ở Ninh Bình. Ông tận tụy với công việc, bận rộn liên miên, Tết đến cũng không thể về thăm mẹ được. Để tạ lỗi với mẹ, ông mua một tấm áo lụa, sai người mang về biếu mẹ. Bà giở gói quà của con, thấy tấm áo lụa quý thì hiểu lòng con nhưng lại không lấy làm mừng.
Để răn dạy con, bà đốt tấm áo, gói nắm tro nhờ người đó đưa lại cho quan Nghè với lời nhắn: “Con mới ra làm quan chưa đầy năm mà đã có áo lụa gửi về, vậy nếu con làm quan 10 năm thì sẽ gửi về bao nhiêu. Lại còn bắt người lặn lộn đường xa chỉ vì việc riêng của mình. Mẹ vẫn đủ sức làm lấy mà ăn, không cần đến của phi nghĩa. Con đã đọc sách thánh hiền, con phải nhớ bổng lộc của quan là máu mỡ của dân đấy”. Nhận được lời nhắn và gói “quà” của mẹ, giữa tháng giêng rét ngọt mà Quán nho toát mồ hôi, ông tự hứa sẽ không bao giờ tơ hào một đồng một cắc của dân. Người đời sau gọi đây là bài học "đùm tro áo lụa".
Xót mẹ một thân một mình ở quê, Quán Nho nhiều lần mời bà ra sống cùng để tiện phụng dưỡng nhưng bà một mực từ chối, muốn ở nhà để lo việc hương khói cho tổ tiên, chăm lo phần mộ của chồng.
Khi Quán Nho được phong là Tể tướng, sống tại kinh đô Thăng Long xa xôi cách trở, không biết tin tức gì nhiều về con, bà lo lắng, quyết ra kinh đô một lần xem ông làm quan ra sao.
Tương truyền khi ra đến nơi, thấy con sống thanh đạm bà cũng yên lòng nhưng để biết kỹ hơn, bà bèn thử xin ông ít tiền của để dưỡng già. Để mẹ yên tâm, sáng hôm sau, Tể tướng sai thuộc hạ đến một dãy phố đang buôn bán phát đạt phao tin rằng nhà vua sắp cho mở đường đi qua đây. Lập tức ngay tối hôm đó, dinh Tể tướng tấp nập kẻ vào người ra, ai cũng đến xin ông cho làm đường qua chỗ khác, đừng đi qua dãy phố đó. Tể tướng vui vẻ nhận lễ vật, sai người hầu ghi chép cẩn thận lễ vật của từng người.
Sau khi phong bao, lễ vật chất đầy phòng khách, Tể tướng mời mẹ ra cùng ngồi rồi chỉ vào đống lễ vật nói: “Đây là tiền của con định biếu mẹ để mẹ dưỡng già, xin mẹ nhận cho”. Biết rõ nguồn gốc của số lễ vật đó, bà nổi giận mắng con rồi xăm xăm khoác tay nải đòi về. Bấy giờ ông mới thưa: Nhớ lời mẹ dặn năm xưa, tuy con làm quan to nhưng lương bổng chỉ đủ dùng, không có tiền kho thóc đụn, nếu muốn có, con chỉ có cách làm như vậy thôi”. Rồi ông sai người theo sổ sách đã ghi chép, mang lễ vật trả lại hết cho dân. Biết con thanh liêm trong sạch, bà yên lòng trở về quê, thanh thản, hạnh phúc sống đến lúc qua đời.
|
Khu lăng mộ tể tướng Nguyễn Quán Nho được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. |
Nguyễn Quán Nho làm Tể tướng 11 năm, nắm giữ việc lớn, nổi tiếng khoan dung nhân hậu, thanh liêm chính trực, được nhân dân vô cùng yêu mến. Danh tiếng Tể tướng Nguyễn Quán Nho lừng lẫy đương thời. Câu Tể tướng Văn Hà, thiên hạ câu ca còn được truyền tụng đến ngày nay. Để hình thành nên nhân cách ấy, phải kể đến vai trò vô cùng to lớn của bà Trịnh Thị Phúc - người mẹ kính yêu của ông.
Phụ nữ Việt Nam