Ngày tốt nghiệp, Phạm Thị Thu Trang (sinh năm 1989) chọn chiếc áo cử nhân rộng hơn một size, đủ dài để che đi cánh tay phải. Cầm tấm bằng đại học trên tay trái, chị nở nụ cười tươi, ánh mắt tự hào về những nỗ lực suốt 33 năm qua của bản thân.
6 tuổi, cô bé Thu Trang liên tục đặt câu câu hỏi với mẹ về bàn tay phải khác lạ của mình. Trang hỏi lí do vì sao bàn tay lại co quắp, hình dáng ngón tay lại ngắn khác lạ... Mẹ Trang chỉ biết nén nước mắt, động viên: “Vì con là một cô bé đặc biệt”.
Lớn dần, Trang mới biết mình bị liệt tay phải. Dù được bố mẹ đưa đi chạy chữa khắp nơi, nhưng tình trạng không hề chuyển biến tích cực.
Nhìn bạn bè đồng trang lứa tay chân lành lặn, Trang khóc thầm mỗi đêm. Nữ sinh quê Nghệ An từng nhiều lần bỏ về giữa tiết học vì bị các bạn trêu. Mỗi lần như vậy, mẹ lại đèo chị quay trở lại trường học trên chiếc xe đạp cọc cạch kèm theo lời động viên và một cái ôm thật chặt.
“Đi học, tôi thường bị các bạn trêu chọc. Đến giờ khi nhắc lại từ đó tôi vẫn cảm thấy tủi thân”, Trang nói.
Mọi hoạt động của Trang đều làm bằng tay trái. Dù khó khăn nhưng vì thương bố mẹ vất vả, lại là chị cả trong gia đình, Trang luôn cố gắng để đỡ đần công việc. Chị làm các công việc từ nấu cơm, rửa bát, dọn nhà, cắt rau về nấu cám cho lợn ăn và cắt cỏ cho bò. Chị nhắc nhở bản thân rằng nếu không làm được thì sau này sẽ không thể tự lo cho cuộc sống của chính mình.
Trang xin mẹ cho học lên cao sau khi tốt nghiệp cấp 3. Đỗ vào hệ cao đẳng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật - Công nghiệp 1 Hà Nội, chị theo học ngành Quản trị kinh doanh. Vừa đi học, chị vừa đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Các công việc từ rửa bát thuê, bán hàng, đóng gói chè,... chị đều đã trải qua.
Cứ ngỡ chỉ cần chăm chỉ học tập, tương lai sẽ rộng mở sau khi ra trường, nhưng chị vỡ mộng khi liên tiếp bị các công ty từ chối khéo. Sau nhiều tháng tìm việc, Trang được nhận vào làm tại tổ chức dành cho người khuyết tật. Công việc mang lại cho chị nhiều trải nghiệm và giá trị. “Trong quá trình làm việc, tôi được đi công tác nhiều nơi, gặp nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Tôi giúp đỡ, động viên khích lệ tinh thần của họ. Nhưng cũng chính họ là động lực để tôi cố gắng đến hiện tại”, Trang tâm sự.
Thu Trang (váy đỏ) làm MC sự kiện triển lãm ảnh. (Ảnh: NVCC)
Sau thời gian đi làm và tích góp được khoản tiền, Trang quyết định học đại học để hoàn thành ước mơ lớn nhất đời mình. Chị học hệ trung cấp ngành dược sau đó liên thông lên cao đẳng, đại học. Trong tuần chị đi làm, cuối tuần đến trường học. Chị xung phong làm lớp trưởng để hoà nhập với các bạn và khuấy động phong trào, tổ chức nhiều hoạt động để gắn kết các thành viên với nhau.
8 năm theo đuổi ngành dược, chị Trang cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay và được nhận vào làm tại công ty dược. Chị quyết định xin nghỉ sau 1 năm làm ở công ty để tập trung kinh doanh về thực phẩm bảo vệ sức khoẻ bằng chính kiến thức và kỹ năng đã được học. Chị dành tiền để trang trải cuộc sống của bản thân và giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ.
“Khiếm khuyết cái gì thì thiệt thòi cái đó. Người không khuyết tật cố gắng một thì tôi phải cố gắng đến 10, 20 lần để có thể hoà nhập được”, Trang nói.
Theo vtc.vn