Sau khi trao ấn kiếm (30/8/1945), vua Bảo Đại trở về làm công dân của nước Việt Nam độc lập với tư cách công dân Vĩnh Thụy và được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước khi Cựu hoàng rời Huế, Hoàng hậu Nam Phương không một chút nuối tiếc cuộc sống vương giả trong cung cấm, bà đưa 5 người con ra khỏi điện Kiến Trung trong Tử Cấm Thành về sống tại cung điện mùa hè An Định bên bờ sông An Cựu. Lúc ấy các bà mệnh phụ tiến bộ có nhiều dịp lui tới thăm bà và kể lại tình hình cách mạng đang diễn ra ở Huế cho bà nghe.

Sau đó không lâu, ông Trần Hữu Dực được Chính phủ cử vào Huế tổ chức bộ máy chính quyền Trung bộ và phát triển các đoàn thể quần chúng. Để lo liệu kinh phí cho vô số nhu cầu, nhất là cuộc kháng chiến bắt đầu ở Nam bộ, Nhà nước đã công khai tổ chức những “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ bạc”, “Tuần lễ đồng” và kêu gọi toàn dân thực hiện “Hũ gạo đồng tâm”.

Nhân dân Huế nhiệt liệt hưởng ứng. Đồ trang sức bằng vàng, bạc, đồ cổ tự khí đều đem ủng hộ cho Nhà nước. Báo Quyết chiến hồi ấy viết rằng: “Một phân vàng là một cây súng tối tân, một ly vàng là một viên đạn lớn”.

1.jpg
Hoàng hậu Nam Phương.

Hoàng hậu Nam Phương không những nổi tiếng xinh đẹp, mà còn nổi tiếng là người ăn mặc, trang sức giản dị. Bỗng một hôm thấy bà xuất cung An Định với quần áo dài, khăn vành màu vàng, kiềng vàng trên cổ, bông vàng đeo tai, hai cổ tay hai đôi xuyến vàng và mười ngón tay là mười chiếc nhẫn vàng. Thấy thế, các bà mệnh phụ hơi ngạc nhiên. Họ bẩm bà: “Thời Cách mạng, Ngài ăn diện làm chi nữa?”. Bà lặng thinh không đáp.

Hôm ấy là ngày 17/9/1945, bà Nam Phương đi dự khai mạc "Tuần lễ vàng" tổ chức tại bờ Nam sông Hương (gần Đài Phát thanh Huế trước đây). Bà vừa đến thì buổi lễ bắt đầu. Bà là người đầu tiên được dược sĩ Phạm Doãn Điềm - Trưởng ban Tài chánh tỉnh Thừa Thiên, mời góp vàng để nuôi quân và mua súng đạn. Bà đến bên một cái bàn trải khăn đỏ, từ từ cởi hết số vàng đang đeo đặt trước mặt viên thư ký. Viên thư ký thống kê số vàng và trao cho bà một tờ biên lai do chính dược sĩ Phạm Doãn Điềm ký. Lúc ấy, các bà mệnh phụ mới hiểu ra mọi chuyện.

Các vị đại diện chính quyền Trung bộ và nhân dân tham dự buổi lễ vỗ tay hoan hô bà nhiệt liệt. Bà được gắn một huy hiệu in cờ đỏ sao vàng. Ông Trần Hữu Dực, thay mặt chính quyền Trung bộ mời bà chủ toạ “Tuần lễ vàng” ở Huế. Bà vui vẻ nhận lời.

“Tuần lễ vàng” kéo dài đến ngày 24/9/1945. Các hào phú ở Huế noi gương bà Nam Phương đem vàng đi hiến rất đông. Theo Báo Quyết chiến, dân Huế góp được 925 lượng vàng. ("Tuần lễ vàng" ở Hà Nội, cũng theo Báo Quyết chiến, thu được 2.150 lượng). Trong số 925 lượng vàng thu ở Huế có vàng của hai người noi gương bà Nam Phương nộp nhiều nhất là ông Nguyễn Duy Quang - nguyên Ngự tiền Văn phòng của vua Bảo Đại (42 lượng) và ông Ưng Quang (40 lượng).

Theo phunuvietnam.vn