Lãnh đạo các nước trao đổi tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 26.
Tối 11/6 theo giờ địa phương, Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 26 đã chính thức khép lại sau ba ngày thảo luận sôi nổi về chủ đề "Phụ nữ: Xây dựng một nền kinh tế toàn diện trong kỷ nguyên kỹ thuật số".
Tại lễ bế mạc, các diễn giả đều nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế của doanh nghiệp và các quốc gia, đồng thời khẳng định với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, các nữ doanh nhân sẽ có nhiều cơ hội để thành công nhưng để có thể làm được điều đó, họ cần tự tin khẳng định bản thân và không ngừng nỗ lực để vươn lên.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại lễ bế mạc.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 26; khẳng định vai trò của phụ nữ trong xây dựng các xã hội ổn định, phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch nước mong muốn các quốc gia nỗ lực hơn nữa để phụ nữ và trẻ em gái được sống trong hòa bình, thịnh vượng; đồng thời kêu gọi phụ nữ toàn thế giới đoàn kết vì hòa bình, hợp tác hữu nghị và phát triển; kêu gọi các quốc gia hãy cùng đối thoại, hợp tác, giải quyết mọi khác biệt, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong ba ngày hội nghị, đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu đã tham gia tích cực vào các phiên thảo luận, chia sẻ thông tin và thực tiễn của Việt Nam liên quan đến các dự án hợp tác công-tư, áp dụng khoa học công nghệ trong xây dựng, phát triển doanh nghiệp, triển khai các chính sách và chương trình nhằm xóa bỏ những rào cản đối với phụ nữ tại các địa phương…
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại hội nghị về cơ hội và thách thức đối với lao động nữ, doanh nhân nữ trong thời đại công nghệ số, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết hội nghị đã bàn các giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm của các nước để hỗ trợ cho phụ nữ trong thời đại công nghệ số, qua đây thấy rằng có rất nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với doanh nghiệp nữ cũng như lao động. Bản thân đối với lao động nữ, thời đại công nghệ số đòi hỏi cần có sự nhanh nhạy, sáng tạo, năng động trong việc kinh doanh, và bản thân chủ doanh nghiệp nữ cũng như người lao động nữ cần tăng cường các kiến thức, kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu của kinh doanh trong thời đại mới, lúc đó mới có thể làm chủ được thị trường cũng như đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của những kỹ năng.
Bà Irene Natividad (trái), Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu, điều hành phiên thảo luận.
Ngoài các hoạt động song phương của Phó Chủ tịch nước với Lãnh đạo Ba Lan, các thành viên của đoàn cũng tiến hành một số hoạt động bên lề như gặp Bộ trưởng Kinh tế Ba Lan để trao đổi về quan hệ kinh tế, thương mại song phương; tổ chức tọa đàm hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp người Việt ở Ba Lan với sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp.
Được hỏi về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan trong giai đoạn tới, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, nhận định trong thời gian tới, phát triển thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan có rất nhiều cơ hội.
Hiện kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước chỉ mới đạt hơn 750 triệu USD vì thế, cơ hội hợp tác thương mại còn rất nhiều. Thứ hai, sắp tới, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực thì 86% dòng thuế sẽ trở về 0% ngay khi có hiệu lực và 99% dòng thuế sẽ có hiệu lực trong vòng 7 năm; còn lại 1% là có lộ trình.
Như vậy, hàng hóa của Việt Nam vào thị trường châu Âu nói chung và Ba Lan nói riêng còn rất nhiều cơ hội; đặc biệt hiện nay, một số mặt hàng của Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu vào Ba Lan rất tốt như nông sản, hàng may mặc, đồ gỗ, thủy sản. Ngoài vào thị trường Ba Lan, đây còn là cửa ngõ vào thị trường châu Âu rất tốt cho hàng hóa Việt Nam.
Một phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu.
Trong các hoạt động khác, chiều 11/6, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có buổi gặp gỡ đại diện Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan; tiếp Cố vấn quốc gia Cộng hòa Kazakhstan, bà Abdykalikova Gulshara.
Trước đó, tối 10/6, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đoàn Việt Nam đã tham dự Gala Dinner và Lễ trao giải Lãnh đạo nữ Toàn cầu. Năm nay, giải thưởng Lãnh đạo nữ Toàn cầu được trao cho bà Irina Bokova, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Đoàn Ba Lan cũng đã nhận giải thưởng này với tư cách nước chủ nhà được bình chọn.
Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova (phải), được trao giải thưởng Lãnh đạo nữ Toàn cầu.
Sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần thứ 26 tại Ba Lan, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và đoàn đại biểu Việt Nam sẽ rời Warsaw, lên đường tới Thụy Sĩ để tham dự khóa họp thứ 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thăm và làm việc tại Liên bang Thụy Sĩ.
Theo TTXVN; ảnh: Quang Hải, globewomen.org, un.org