Trên đường làng Vạn Phúc
Đến Vạn Phúc, kiều bào tìm về làng Việt cổ nổi tiếng với nghề dệt lụa có từ ngàn năm nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề dệt lụa vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác, góp phần tạo nên một nét văn hóa rất riêng trên đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Chị em kiều bào tạo dáng bên vòm tre một cổng chào
Tại đây, kiều bào không chỉ có cơ hội mua sắm các sản phẩm lụa chính hiệu mà còn được chứng kiến quy trình làm ra tấm lụa của các nghệ nhân. Đi sâu vào làng, có rất nhiều cửa hàng giới thiệu sản phẩm với hàng trăm loại lụa đủ màu sắc và các loại sản phẩm như khăn choàng, quần áo, túi xách, cà vạt…
Xem mẫu khăn quàng
Lụa Vạn Phúc không chỉ đẹp về mẫu mã, tinh xảo về đường nét kỹ thuật mà còn phong phú đa dạng về thể loại với hàng trăm mặt hàng lụa, là, gấm, vóc, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, đũi, kỳ cầu... Ðể tạo ra những sản phẩm tơ lụa tuyệt hảo, những người thợ Vạn Phúc đã tiến hành những quy trình kỹ thuật phức tạp, nhiều công sức và trí tuệ. Nghề dệt lụa không chỉ có quy trình sản xuất phức tạp mà còn đòi hỏi ở người thợ sự sáng tạo và khéo léo. Nghệ thuật trang trí hoa văn trên lụa được xem như mẫu mực của phong cách tạo hình trên chất liệu mỏng của các nghệ nhân.
Được biết đến với thương hiệu làng nghề dệt lụa nổi tiếng, làng lụa Vạn Phúc, đang đặt mục tiêu trong những năm tới là tập trung phát triển kinh tế làng nghề theo hướng bền vững; phát huy giá trị văn hóa, xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch làng nghề hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Chọn lựa các sản phẩm nghệ thuật
Chia sẻ với người dân làng lụa, nhiều kiều bào mong mỏi các thế hệ trẻ cần gìn giữ văn hóa ươm tơ dệt lụa, tiếp nối truyền thống và tạo ra nhiều sản phẩm cao cấp hơn. Kiều bào sẽ là những “cánh chim” mang lụa giới thiệu ra thế giới để lụa Vạn Phúc có cơ hội “đọ sức” cùng sản phẩm các nước.
Chị Trần Thị Ánh Xuân (Việt kiều Nhật) duyên dáng với gánh tơ
Ngự Bình