Kim Cương cho biết từ lâu bà giữ nguyên tắc không kể chuyện đời tư. Tuy vậy, khi thực hiện hồi ký theo dạng sách nói, bà muốn trải lòng. Ngoài những mảng sảng - tối của hậu trường sân khấu, những mối tình từng trải được bà hồi tưởng trong chương cuối cùng của sách - Sống và yêu.
Khi kể về Bùi Giáng, Kim Cương và đạo diễn Đạt Phi - người hỗ trợ bà thu âm hồi ký - nhờ một người miền Trung lớn tuổi, giọng nói tương tự như Bùi Giáng - lồng tiếng cho cố thi sĩ. Kim Cương nhớ về tình cảm của Bùi Giáng dành cho bà một cách trân trọng. Bà gặp ông lần đầu năm 19 tuổi, khi theo đoàn cải lương của má - cố Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam. Sau vài lần gặp gỡ, Bùi Giáng say mê bà rồi cầu hôn, song bà đều né tránh.
Ông vẫn ôm mãi mối tình đơn phương. Giữa những cơn say, lúc mê lúc tỉnh, đầu óc không nhớ gì, số điện thoại và địa chỉ nhà Kim Cương vẫn lưu lại trong tâm trí ông. Kim Cương gọi tình cảm Bùi Giáng dành cho bà là "tình yêu kỳ dị". "Chưa một lần nào ông sàm sỡ bằng hành động hay lời nói. Xưng hô vẫn cứ tôi và cô một cách nghiêm túc và chững chạc. Một tình cảm xuất phát thật hồn nhiên, bản năng và vô điều kiện", bà nói.
Nhiều cuộc tình không thành khác cũng được Kim Cương ôn lại trong phiên bản hồi ký mới. Với Tình yêu đầu tiên, bà kể về mối tình đầu đời với một ký giả. Bà yêu ông sau những lần được ông tặng sách, nghe ông góp ý về các vai diễn. Chuyện tình được lan truyền trên báo chí đương thời, nhiều người hoan nghênh nhưng mẹ bà lại phản đối. Không vượt nổi rào cản gia đình, họ đành chia tay, ông đi lấy vợ. Ở Người tình duyên phận, bà kể về chuyện tình với một chánh án trẻ, cả hai vốn được gia đình sắp đặt. Dù yêu, ông phản đối bà tiếp tục với nghề diễn. Bà rút lui, chấp nhận con đường làm đào hát thay vì trở thành "mệnh phụ phu nhân".
Bà mời ba tên tuổi kỳ cựu của làng sân khấu miền Nam - Kim Xuân, Thành Lộc, Hữu Châu - thu hồi ký. Thành Lộc giúp bà ghi âm chương - Sân khấu và cuộc đời, bởi cả hai cùng chung tâm huyết với kịch nói. Hữu Châu và Kim Xuân phụ Kim Cương thu âm phần kể về sự nghiệp làm soạn giả của bà - mảng giúp bà thành danh với nhiều kịch bản kinh điển. Hữu Châu, Kim Xuân vốn là đàn em thân thiết của bà, xuất thân từ đoàn kịch Kim Cương nên thấu hiểu nỗi vất vả của bà suốt những năm làm đầu tàu lèo lái đoàn.
Thu âm hồi ký là tâm nguyện lớn của Kim Cương ở tuổi xế chiều. Cống hiến suốt 40 năm, điều bà tiếc là thời trước, hình thức thu âm, quay video chưa dễ dàng, thuận tiện như sau này. Do đó, bà không còn lưu giữ được nhiều tư liệu, băng hình. "Tôi muốn ghi âm hồi ký như một món quà gửi tặng khán giả đã theo chân tôi bấy lâu, cũng là cách tôi tạ ơn đời, tổ nghiệp", bà nói.
Nghệ sĩ Thành Lộc nói khi được Kim Cương mời vào dự án, anh và Kim Xuân, Hữu Châu nhận lời ngay. Với anh, nghệ sĩ Kim Cương cùng đoàn kịch nói của bà đã là cách chim đầu đàn trong làng sân khấu miền Nam nhiều thập niên qua. Anh cũng tâm đắc với ý tưởng thu âm hồi ký. "Không phải ai cũng đủ thời gian để đọc hết một cuốn sách dày. Việc nghe chính nghệ sĩ mình yêu thích kể lại cuộc đời của họ sẽ giúp khán giả hồi tưởng sống động hơn về những tên tuổi vang bóng một thời", anh nói.
Từ trái qua: nghệ sĩ Hữu Châu, Kim Xuân, Kim Cương, đạo diễn Đạt Phi, nghệ sĩ Thành Lộc tại buổi thu âm hôm 15/9. Ảnh: Mai Nhật.
Kim Cương được mệnh danh là "kỳ nữ" trong giới sân khấu Việt Nam. Bà được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam vinh danh là "Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam". Bà nổi tiếng qua những vở Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ...Ngoài thành tựu diễn xuất, Kim Cương còn nổi tiếng với công tác thiện nguyện. Nhiều năm, bà tổ chức sự kiện Nghệ sĩ tri âm để quyên góp giúp các diễn viên, nhạc công, soạn giả... nghèo khổ. Bà sáng lập quỹ học bổng Bảy Nam hỗ trợ các con em nghệ sĩ đang túng thiếu. Quỹ đặt theo tên mẹ bà - cố Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam, đại thụ của sân khấu cải lương, kịch nói. Năm 2016, bà ra mắt hồi ký Sống cho đời, sống cho mình do Phương Nam phát hành. Bà hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM.
Theo vnexpress