Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary tại Hội thảo “Kinh nghiệm hoạt động hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội ngày 30/1.

 

Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary

Chốn đi về cho chị em xa xứ

Hội Phụ nữ Việt Nam ở Hungary mà tiền thân là Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ Việt Nam tại Hungary được thành lập năm 2006. Qua 3 lần đại hội, hiện nay Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary có 72 hội viên và Ban chấp hành gồm 5 thành viên.

Hội hoạt động trên cơ sở là tổ chức độc lập, tự lo về nguồn tài chính cho các hoạt động. Ban chấp hành (BCH) Hội làm việc với tinh thần hoàn toàn tự nguyện, nhiệt tình đóng góp thời gian công sức, vật chất và tinh thần để tạo nên một chốn đi về cho chị em. Hội có những sinh hoạt dành cho hội viên nhưng cũng tổ chức rất nhiều hoạt động phục vụ tất cả phụ nữ Việt Nam sinh sống tại Hungary.
Nhân các dịp lễ lớn của phụ nữ như ngày Quốc tế phụ nữ (8/3) và ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) hàng năm, Hội phụ nữ đều tổ chức các hoạt động tôn vinh để chị em tự hào về vai trò và thiên chức của người phụ nữ trong thời đại mới, hòa nhập với môi trường sống sở tại. Đáng chú ý là việc việc tổ chức các hoạt động nhằm gìn giữ bản sắc và truyền thống của phụ nữ Việt Nam như cuộc trao đổi về cách nấu các món ăn dân tộc, tìm hiểu về lịch sử áo dài, cuộc thi “Trang phục truyền thống dân tộc”, cuộc thi “Tiếng hát phụ nữ Việt Nam” , “Cuộc thi “Đôi vợ chồng hiểu nhau”, cuộc thi “Khéo tay hay làm”.

Như những hội đoàn khác, một trong những tính chất quan trọng nhất trong hoạt động Hội không thể bỏ qua là việc thăm hỏi, động viên chị em lúc ốm đau, hoạn nạn. Vai trò của Hội càng được phát huy trong những hoàn cảnh đặc biệt như có trường hợp một phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Hungary sang sinh sống ở Hungary. Hạnh phúc gia đình tan vỡ, chị qua đời trong hoàn cảnh không có người thân nào bên cạnh. Hội phụ nữ đứng ra quyên góp, tổ chức tang lễ cho chị và và bảo lãnh đón người nhà sang để đưa hài cốt chị về quê hương.

Giữ vững được vai trò người phụ nữ trong gia đình và xã hội, những thành viên của Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary cũng đã tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng như dịp Tết Âm lịch hay những hoạt động giành cho các con em Việt Nam như Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu. Hội phụ nữ đã khởi xướng và đứng ra tổ chức Tết Trung thu 4 năm liên tục. Sau khi tạo được truyền thống thì luôn hỗ trợ cho các thế hệ sau trong việc tổ chức Trung thu.

Các thành viên Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary đã tham gia tích cực, có hiệu quả các đợt vận động quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước, ủng hộ cho Quỹ TYM ủng hộ phụ nữ nghèo của Hội LHPNVN, ủng hộ cho Quỹ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ Chương trình “Mái ấm tình thương” do Hội LHPNVN phát động.

Ngoài ra, những người phụ nữ Việt tại Hung cũng có nhiều hoạt động tại nước sở tại, hòa nhập với đời sống người bản địa đồng thời cũng nâng cao vị trí của cộng đồng Việt Nam tại đây. Hội tạo dựng những mối quan hệ tốt với các tổ chức phụ nữ Hungary và các tổ chức phụ nữ quốc tế ở Hungary. Hội cũng tiên phong trong việc tham gia các hoạt động từ thiện cho nước sở tại, hằng năm tham gia cùng Quỹ Từ thiện Ánh sang của Hungary ủng hộ cho các trẻ em tàn tật tại nước này dịp Lễ Giáng sinh.

 

Bà Nguyễn Thị Minh (áo dài tím, thứ hai từ phải sang) cùng đại biểu các hội đoàn, các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài
tại Hội thảo “Kinh nghiệm hoạt động hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài” ngày 30/1



Kinh nghiệm xây dựng hoạt động Hội

Với bản tính chăm chỉ, chịu khó nên nếu vận động tốt thì có thể khuyến khích được rất nhiều tiềm năng của chị em trong công tác xây dựng cộng đồng. Phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam vốn khéo léo, linh hoạt trong ứng xử nên thường làm công tác vận động, tuyên truyền rất tốt. Do đó, trong các đợt quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước, hoạt động của Hội Phụ nữ bao giờ cũng đạt hiệu quả cao.

Qua quá trình 10 năm hoạt động, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary rút ra được một số kinh nghiệm sau:

- Vai trò của Hội phải được thể hiện trong cuộc sống của chị em thì mới có thể thu hút được chị em tham gia. Hội phải chú ý đến các công việc hiếu hỷ của gia đình các hội viên, quan tâm đến các hội viên khi ốm đau, có việc gia đình…

-Hội phải tổ chức các hoạt động tôn vinh người phụ nữ Việt Nam. Hình thức các hoạt động phải thường xuyên đổi mới, đa dạng thì mới thu hút được chị em nên gắn với một chủ đề cụ thể như trao đổi về nấu ăn, về nuôi dạy con, về trang phục… Từ đó, các buổi sinh hoạt Hội sinh động và thu hút được nhiều người quan tâm hơn.

-Bên cạnh các hoạt động mang tính chất lễ hội, vui vẻ, Hội còn thể hiện được vai trò của mình trong những trường hợp hoạn nạn, cần sự giúp đỡ của chị em.

Hội chú trọng việc tuyên truyền để giới nam giới hiểu được hoạt động của mình, từ đó các chị em hội viên mới nhận được sự hậu thuẫn của chồng, của gia đình khi tham gia sinh hoạt. Ngoài ra, Hội luôn mời nam giới đến dự các hoạt động của Hội để họ hiểu hơn, thông cảm và tạo điều kiện tốt hơn để chị em có thể tham gia các hoạt động của Hội và cộng đồng.

 Đề xuất và kiến nghị

-Việc gắn kết phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài và phụ nữ trong nước rất quan trọng. Những năm gần đây, nhiều đoàn lãnh đạo của Hội LHPNVN đã sang thăm và làm việc với các tổ chức phụ nữ người Việt ở nước ngoài, giúp kết nối tốt hơn giữa hoạt động trong nước và ngoài nước. Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary cũng luôn tham gia hưởng ứng các cuộc vận động của Hội LHPNVN. Nhưng để kết nối chặt chẽ hơn, Hội LHPNVN cần hỗ trợ để các tổ chức phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài có thể kết nghĩa trực tiếp với Hội phụ nữ ở một tỉnh thành, cơ sở địa phương cụ thể trong nước. Như vậy, sự trao đổi hợp tác, hỗ trợ sẽ có chiều sâu hơn.

-Các cuộc hội thảo, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm rất bổ ích đối với những người làm công tác Hội ở ngoài nước. Do vậy, mong Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng như Hội LHPNVN tiếp tục tổ chức để các tổ chức phụ nữ người Việt ở nước ngoài có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm.

-Đề nghị các cơ quan nhà nước cũng như cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài hỗ trợ thông tin cũng như liên kết với các tổ chức phụ nữ tại nước sở tại và quốc tế để Hội phụ nữ có thể làm tốt hơn quá trình hội nhập của Hội với đời sống xã hội nước sở tại.

Thu Sương (ghi)