Tôi quê ở xã Bình Ân, huyện ở Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, cùng chung mảnh đất Tiền Giang quê hương của Bà Nguyễn Thị Thập.
Tuổi thơ tôi lớn lên được biết bà Nguyễn Thị Thập là người phụ nữ đã lãnh đạo phong trào Nam kỳ khởi nghĩa. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh của Bà Thập, lúc đó được gọi là “Chị Mười” gần đến ngày sinh nở vẫn thắt khăn, nịt bụng, chỉ huy đồng bào, trương cờ, biểu ngữ xông vào cướp đồn Tam Hiệp trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, tôi chính thức thoát ly gia đình lên Sài Gòn tham gia công tác vận động thanh niên, sinh viên, học sinh khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Năm 1964 tôi bị bắt tại Sài Gòn trong một lần đi rải truyền đơn. Suốt 11 năm trong tù ở khắp các nhà lao Gia Định, Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp và Côn Đảo.
Trong những năm tháng tù ngục đó, chúng tôi đã học tập, rèn luyện được rất nhiều. Lúc đó, chúng tôi đã lấy câu chuyện bà Thập học văn hóa để động viên nhau. Tôi thường kể cho chị em câu chuyện Bà Thập không biết chữ nên khi ký bà chỉ đánh dấu + (chữ thập), đó có thể là lý do bà tự đặt tên cho mình là Thập nhưng bà đã cố gắng nỗ lực học tập, công tác, trở thành một cán bộ cách mạng, một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên, là Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam, một nhà lãnh đạo xuất sắc, tiêu biểu của phụ nữ...
Cuối năm 1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tôi được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Theo sự phân công của Đảng, tôi ra Hà Nội nhận công tác mới, làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Công tác phụ nữ thời kỳ đổi mới có nhiều khó khăn và yêu cầu rất cao…Tôi được nghe các cô, các chị lãnh đạo Hội cũ nói nhiều về Bà Thập. Đó là một người làm việc nguyên tắc, chu đáo, thận trọng, chỉ đạo sâu sát tuy không được học hành nhiều nhưng là người có tư duy cách mạng và phương pháp lãnh đạo sâu sắc, có tầm nhìn chiến lược. Bà Nguyễn Thị Thập cũng là người đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam dài nhất trong 18 năm từ 1956-1974, đồng thời cũng đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội liên tục trong 21 năm từ khóa III đến khóa VI (1960-1981).
Trên cương vị là Chủ tịch Hội, Bà Nguyễn Thị Thập đã cùng với tập thể lãnh đạo đề ra những chủ trương chỉ đạo sáng tạo, phù hợp với tình hình của đất nước, tổ chức nhiều hoạt động, nhiều phong trào thi đua sôi nổi của phụ nữ tiêu biểu là phong trào “Năm tốt”, và phong trào “Ba đảm đang”; tham mưu với Đảng và Nhà nước ban hành Luật Hôn nhân và Gia đình, kiến nghị và đề xuất cụ thể, thiết thực với Đảng và Nhà nước ban hành ba Nghị quyết về công tác phụ vận. Đó là Nghị quyết số 152/NQ-TW ngày 10/01/1967 “Về một số vấn đề về tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận”; Nghị quyết số 153/NQ-TW ngày 10/01/1967 về “Công tác cán bộ nữ”; Nghị quyết 31-CP ngày 8/3/1967 “Về việc tăng cường lực lượng lao động phụ nữ trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước” nhằm quán triệt công tác cán bộ nữ, lao động nữ trong các cấp ủy Đảng và cơ quan Nhà nước.
Nhớ lại thời kỳ 12 năm công tác ở Trung ương Hội LHPN Việt Nam, tôi còn có một kỷ niệm nho nhỏ gắn bó với một vật dụng của bà Thập từng sử dụng. Năm 1987, khi mới ra Hà Nội về cơ quan TƯ Hội công tác, tôi được cơ quan bố trí nghỉ tại khu nhà bà Thập đã từng ở và được sử dụng chiếc giường cũ của Bà Thập. Chiếc giường nhỏ rộng khoảng 1,4m, đã cũ, đơn sơ nhưng tôi rất mừng vì luôn cảm thấy sự ấm cúng và tự nhủ phải luôn cố gắng làm theo những điều Bà Thập đã làm để đưa phong trào phụ nữ Việt Nam phát triển. Chiếc giường này tôi đã sử dụng suốt thời gian công tác ở cơ quan Trung ương Hội, khi làm Phó chủ tịch Quốc hội cũng như khi chuyển sang công tác ở Phủ Chủ tịch nước, tính ra cũng khoảng 24 năm. Khi được nghỉ hưu, tôi đã định mang chiếc giường về Nam nhưng sau lại nghĩ lại và quyết định gửi cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lưu giữ. Tôi coi đó là một kỷ vật thiêng liêng, thể hiện tình cảm của một người con miền Nam, một người cán bộ lớp sau luôn tâm niệm và cố gắng học tập tác phong làm việc và chỉ đạo phong trào sâu sát, cẩn trọng, tỷ mỷ của Bà Thập. Tôi còn vô cùng khâm phục Bà Thập ở tư duy sáng tạo và tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo phong trào phụ nữ trong công tác viết sử và giáo dục truyền thống của phụ nữ Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam.
Đau đáu với việc giáo dục truyền thống, giữ gìn thuần phong mỹ tục của người phụ nữ Việt Nam, Bà Thập không chỉ lo làm những việc lớn như tổng kết lịch sử, làm Nhà truyền thống phụ nữ mà còn thường xuyên quan tâm chú ý từng việc nhỏ, góp ý, uốn nắn cho cán bộ phụ nữ đến từng chi tiết, kể cả việc ăn mặc của phụ nữ. Bà thường nói: áo dài là nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phải chú ý giữ gìn nét đẹp truyền thống đó. Một lần, tôi đón đoàn phụ nữ Pháp do chị Silvie Jan Chủ tịch Hội Phụ nữ Pháp, đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế làm trưởng đoàn sang thăm Việt Nam. Sau buổi tiếp chính thức, bạn đề nghị làm việc với một số ban chuyên đề. Hôm sau, khi bạn đang làm việc tôi có đi ngang qua và bước vào chào, truyền hình đang quay buổi làm việc và cũng ghi hình tôi luôn. Tối đó, bà Thập xem tivi thấy tôi mặc áo cộc tay, liền gọi điện nhắc nhở ngay: “Mỹ Hoa nhớ mình là phụ nữ nên phải mặc áo dài; nhất là khi tiếp xúc gặp gỡ với bè bạn quốc tế vì đó là hình ảnh của phụ nữ Việt Nam”. Chuyện nhỏ thôi nhưng khiến tôi hết sức cảm động vì thấy bà luôn quan tâm theo dõi, nhắc nhở mình chu đáo như một người bà, người Mẹ đối với con, cháu trong gia đình.
Bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam