Bà bảo vệ thành công luận án Sự phát triển đại học ngoài công lập ở TP HCM (1992-2012), chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM hồi giữa tháng 5.
Suốt buổi bảo vệ luận án (GS Võ Văn Sen và PGS Trần Thuận - khoa Lịch sử, hướng dẫn), bà Cúc giữ được phong thái tự tin, trình bày mạch lạc. Hiện, bà là nghiên cứu sinh lớn tuổi nhất khoa Lịch sử.
Sinh ra tại Sài Gòn, tốt nghiệp Triết học ở Đại học Văn khoa trước năm 1975, bà Cúc rẽ sang hướng khác không liên quan tới ngành học - về Biên Hòa, mở một nông trại, sản xuất tinh dầu. Làm "nông dân" hơn 10 năm, nhớ giảng đường đại học, bà quay lại học thạc sĩ Lịch sử tại Viện Khoa học Xã hội, sau đó về Đại học Hùng Vương TP HCM làm giảng viên và phụ trách công tác tư vấn, tuyển sinh.
Gần 20 năm làm việc ở trường, bà Cúc am hiểu về tiến trình hình thành, phát triển hệ thống đại học ngoài công lập cũng như ưu, nhược điểm của hệ thống này.
Theo bà, từ sau đổi mới 1986, cùng với sự phát triển chung của xã hội, giáo dục Việt Nam có những thay đổi, khu vực tư nhân đã dần hình thành và có vị trí quan trọng. TP HCM là địa phương mở đầu, góp phần định hình loại hình đại học ngoài công lập cho cả nước. Do đó, việc đánh giá vị trí, đặc điểm và những đóng góp của các trường tư thục tại thành phố sẽ giúp giải quyết những vấn đề căn bản, định hình loại hình đại học này trên cả nước.
Sau khi nghỉ hưu cuối năm 2012, bà muốn nghiên cứu toàn diện về hệ thống này, song gặp khó khăn. Bà xin gặp nhiều người am hiểu để phỏng vấn làm nghiên cứu, nhưng họ dè dặt trả lời bởi không hiểu mục đích. "Tôi quyết định đi học nghiên cứu sinh. Với danh nghĩa này, tôi gặp được rất nhiều người, kể cả nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo", bà kể.
Trong 3 năm đầu của khóa học, bà thực hiện các chuyên đề Hoạt động của các trường đại học tư trước năm 1975; Bất vụ lợi trong giáo dục đại học tư, sự phát triển của đại học ngoài công lập tại TP HCM và một chuyên đề tổng quan.
Nghiên cứu cho thấy, trước năm 1975 ở miền Nam đã có mạng lưới trường tư thục các cấp, trong đó có 16 đại học. Chương trình của các trường có tính tổng hợp, chính quyền tài trợ cơ sở vật chất, nhân sự và tài chính. Riêng TP HCM, năm 1988 đánh dấu mốc quan trọng cho hệ thống đại học ngoài công lập, khi Viện đào tạo mở rộng được thành lập, sau này là Đại học Mở bán công.
Tiếp đó, hàng loạt đại học ngoài công lập ra đời theo loại hình dân lập: Ngoại ngữ - Tin học, Văn Lang, Kỹ thuật Công nghệ, Hùng Vương, Hồng Bàng, Văn Hiến... Trong giai đoạn đầu, các trường đại học dân lập xây dựng theo mô hình tổ chức của một trường đại học công.
Từ năm 2005, nhiều văn bản pháp luật ra đời có tác dụng định hướng phát triển cho giáo dục đại học ngoài công lập, quan trọng nhất là quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư. Hàng loạt trường dân lập bắt đầu chuyển sang mô hình đại học tư thục.
Bà gặp hầu hết lãnh đạo, nhà sáng lập đại học tư thục ở TP HCM. Do hiểu biết và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, những lần hẹn phỏng vấn họ với bà lại trở thành những buổi đàm đạo giữa những người cùng mối quan tâm. Ngoài ra, bà dự hội thảo khoa học về giáo dục đại học để tìm tư liệu.
Cũng trong thời gian làm nghiên cứu sinh, bà nhiều lần ra Hà Nội tìm thông tin ở phòng lưu trữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Lưu trữ quốc gia. Với bà, trở ngại lớn nhất của việc nghiên cứu khi đã lớn tuổi là sức khỏe hạn chế, còn lại mọi thứ đều là thuận lợi. "Tôi không nghĩ những người có tuổi sẽ giỏi hơn người trẻ, nhưng nhờ tôi lớn tuổi nên mọi người rất nhiệt tình giúp đỡ", bà kể.
Bà Cúc bắt đầu viết luận án từ năm 2016 sau khi hoàn thành các chuyên đề bắt buộc. Lúc này, bà gặp khó khăn trong việc tìm kiếm số liệu. Chẳng hạn, cho đến năm 2005, cơ sở vật chất của nhiều đại học tư thục chưa được đầu tư thích đáng, phải thuê mướn; quy mô đào tạo 2005-2012 ngày càng tăng, ngành nghề đào tạo đa dạng hơn, số lượng sinh viên tương đối cao...
Các vấn đề khác như tuyển sinh, việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, vốn đầu tư rất lớn, các nhà quản trị phải tăng học phí cũng cần những con số cụ thể. Mỗi lần được giáo sư hướng dẫn "trả" bản thảo luận án, yêu cầu bổ sung, bà lại bắt đầu cuộc lặn lội tìm kiếm.
Hoàn thành công trình nghiên cứu, bà Cúc cho rằng, sự phát triển đại học ngoài công lập sau 20 năm (1992-2012) cơ bản ở giai đoạn đầu của sự hình thành và phát triển, đóng góp của khối trường này còn hạn chế. "Tuy nhiên, việc phát triển dựa vào khu vực tư là cần thiết để giáo dục đại học Việt Nam lớn mạnh. Đại học tư là sự bổ sung cần thiết cho đại học công, giúp trường công tốt hơn", bà nhìn nhận.
Tân tiến sĩ cho rằng, luận án về sự phát triển đại học ngoài công lập đã hoàn thành nhưng nhiều vấn đề khó khăn trong việc quản lý, mô hình quản trị của các trường này cần được mổ xẻ, giải quyết. Hiện, bà vẫn giữ thói quen lên thư viện đều đặn mỗi ngày, đọc sách, tìm tài liệu. Bà dự định nghiên cứu tiếp các đề tài về giáo dục, báo chí, tôn giáo và văn hóa Sài Gòn xưa.
"Việc học và nghiên cứu liên tục giúp tôi thoải mái, minh mẫn ở tuổi già. Với tôi, bằng tiến sĩ không quan trọng bằng việc hoàn thành một công trình nghiên cứu khoa học mà mình tâm đắc và ấp ủ từ lâu", bà chia sẻ.
Theo vnexpress