Có tài liệu chép tên bà là Lê Thị Khiết, là con gái ông Lê Công Thiết và bà Vũ Thị Tình, sống bằng nghề làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm ở làng Thổ Lỗi, Bắc Ninh (nay là xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Mùa xuân năm 1064, vua Lý Thánh Tông – bấy giờ đã 40 tuổi mà chưa có con, trên đường xa giá đi cầu tự, ngang qua trang Thổ Lỗi, trai gái trong trang đều đổ ra xem, duy có một người con gái đi hái dâu về cứ đứng tựa gốc lan không để ý gì đến đám rước. Vua thấy lạ, lại thấy nàng xinh đẹp nên truyền cho đưa về cung phong làm Ỷ Lan phu nhân (Ỷ Lan nghĩa là tựa gốc lan).

Năm 1066, Ỷ Lan phu nhân sinh hoàng tử Lý Càn Đức (sau trở thành vua Lý Nhân tông, được quốc sử ca ngợi, là bậc vua giỏi của triều Lý).

Sau khi Càn Đức được phong làm Thái tử, bà được lập là Ỷ Lan nguyên phi, rất được sủng ái.

Tháng 2/1069, Lý Thánh tông đích thân cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Ỷ Lan nguyên phi do thông minh quyết đoán nên được nhà vua ủy thác lo việc nội trị. Tuy chỉ trong vòng 5 tháng giữ quyền nội trị nhưng Ỷ Lan đã gây được tiếng vang về tài cai quản. 

Năm 1072, Thánh tông băng hà, hoàng tử Càn Đức lên ngôi, Ỷ Lan được tôn là Linh nhân Hoàng thái phi. Bấy giờ đức vua mới 7 tuổi, Linh nhân Hoàng thái phi được cùng Thượng Dương Thái hậu buông rèm nhiếp chính, giải quyết các công việc triều chính dưới sự giúp đỡ của Thái sư Lý Đạo Thành.

Năm 1073, Thượng Dương Thái hậu mất, Ỷ Lan được phong là Linh nhân Hoàng thái hậu, trở thành người có uy thế và ảnh hưởng lớn trong triều đình. Ngay sau đó bà liên tục tham gia đưa ra những quyết sách quan trọng của triều đình.

Nhìn chung trong thời gian Thái hậu nhiếp chính và con trai bà – vua Lý Nhân Tông trị vì, Đại Việt đã vững vàng bảo vệ được cương thổ, khẳng định được chủ quyền.

Mùa thu năm 1117, Ỷ Lan Thái hậu qua đời, triều đình cho làm lễ hỏa tang theo nghi thức nhà Phật rồi tang ở Thọ lăng thuộc phủ Thiên Đức (nay thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Bà được dâng thụy hiệu là Phù thánh Linh nhân Hoàng Thái hậu.

Do có nhiều công đức với dân nên Ỷ Lan Hoàng thái hậu rất được dân gian yêu mến. Trong dân dân gian vùng Kinh Bắc, bà hóa thành hình tượng cô Tấm xinh đẹp dịu hiền, làm nhiều điều thiện. Bà được thờ nhiều nơi ở Kinh Bắc xưa. Nay ngôi đền thờ bà nơi bản quán (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) vẫn được dân gian gọi là đền Bà Tấm.

Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử - NXB Phụ nữ