Phóng viên chiến trường Dương Thị Xuân Quý ở binh trạm 20 Trường Sơn năm 1968
Nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19/4/1941 tại 195 phố Hàng Bông, Hà Nội. Quê quán thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Chị sinh ra trong một dòng tộc trí thức, nghệ sĩ yêu nước chống thực dân Pháp.
Ông nội chị, cụ Dương Trọng Phổ, từ rất sớm đã vận động cho Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp đày ra Côn Lôn. Phụ thân chị, ông Dương Tụ Quán là một nhà giáo sau chuyển sang làm báo, chủ trương tờ Văn Học tạp chí, rồi tạp chí Tri Tân. Bác ruột chị, ông cử Dương Bá Trạc vừa tham gia tích cực trong Đông Kinh Nghĩa Thục vừa viết báo viết văn. Sau khi đàn áp Đông Kinh Nghĩa Thục, thực dân Pháp mời ông làm tri huyện nhưng ông từ chối và tiếp tục hoạt động chống Pháp, bị chúng đày ra đảo Côn Lôn trước cụ Dương Trọng Phổ ít ngày. Một người bác ruột nữa của Dương Thị Xuân Quý là nhà nghiên cứu nổi tiếng Dương Quảng Hàm. Hai người anh con bác ruột của chị là các hoạ sĩ Dương Bích Liên, Dương Cẩm Chương.
Ngôi nhà nguyên là trụ sở tờ Văn học tạp chí những năm từ 1932 đến 1934, và báo quán tạp chí Tri Tân những năm 1941-1945, nơi những trí giả lớn như Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Huy Tưởng, Chu Thiên... thường lui tới.
Từ cái nôi văn hóa ấy, như một lẽ tự nhiên, Nguyễn Thị Xuân Quý có năng khiếu và say mê văn chương từ nhỏ. Ngay khi mới 7 tuổi, lúc đang sống với gia đình tại Thái Nguyên thuộc chiến khu Việt Bắc, cô bé Dương Thị Xuân Quý đã có thói quen ghi nhật ký. Sau ngày giải phóng thủ đô, Dương Thị Xuân Quý về Hà Nội học trường phổ thông cấp 2 Trưng Vương. Là con út trong nhà, sau khi Dương Thị Xuân Quý tốt nghiệp phổ thông và đưa ra kế hoạch đi học Trường kỹ thuật công nghiệp II ở Quảng Ninh, đã khiến cả nhà sửng sốt. Nhưng là người mạnh mẽ, quyết chí, chị đã tới Quảng Ninh, học nghề trắc địa mỏ. Nữ sinh khoa trắc địa mỏ lại nổi tiếng cả trường là người văn hay chữ tốt, và là cộng tác viên thường xuyên của báo Tiền phong và báo Lao động.
Thời gian này, phong trào sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh khá mạnh so với các địa phương trong cả nước, tạp chí văn nghệ của vùng mỏ là nơi Dương Thị Xuân Quý đăng những truyện ngắn đầu tay. Những truyện ngắn đầu tay đó, cùng những bài báo trên Tiền phong và Lao động bước đầu đã khẳng định khả năng của nữ tác giả Dương Thị Xuân Quý. Do vậy, báo Phụ nữ Việt Nam đã cử cán bộ tổ chức về Quảng Ninh xin chị về, trước tiên là cho đi học Lớp nghiệp vụ báo chí.
Tốt nghiệp khoá học, chị về làm phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968. Là một phóng viên năng nổ với cá tính mạnh mẽ, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ở nhiều vùng nông thôn trên miền Bắc. Mang thai con đến tháng thứ sáu, chị vẫn về Quảng Nạp (Thái Bình), đi cấy đi gặt với bà con xã viên để vừa viết báo vừa viết văn.
Những đồng nghiệp ở báo Phụ nữ Việt Nam đều biết một Dương Thị Xuân Quý rất cứng cỏi, xông xáo, đã định đi đâu để tìm hiểu thực tế thì dù có mưa to, gió lớn cũng đi. Đi về, là viết, không có điện thì thắp đèn dầu, mặc muỗi đốt, viết xong mới đi ngủ.
Bảy năm làm phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, Dương Thị Xuân Quý đã viết nhiều bài báo, một số truyện ngắn và bút ký, có những tác phẩm viết ngay tại tuyến lửa khu IV.
Khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ngay tại các vùng trọng điểm tuyến lửa Nghệ An, Hà Tĩnh năm 1965. Cùng năm ấy, chị viết đơn tình nguyện xin được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tháng 4/1968, chị lên đường vượt Trường Sơn vào miền Nam, khi con gái mới 16 tháng tuổi, và chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã có mặt ở chiến trường từ một năm trước đó.
Trong một thời gian ngắn ở chiến trường, giữa những đợt gùi cõng, phát rẫy, giữa những trận bom B52, trong sự hành hạ của những trận đói và sốt rét, Dương Thị Xuân Quý đã viết được truyện ngắn "Hoa rừng" và nhiều bút ký, như: "Tiếng hát trong hang đá", "Gương mặt thách thức" và "Niềm vui thầm lặng". Những tác phẩm đó được các đồng chí lãnh đạo Văn nghệ khu V đánh giá cao, Dương Thị Xuân Quý rất vui.
Nhà văn Nguyên Ngọc gặp Dương Thị Xuân Quý chỉ một lần ở chiến trường khu V, nhưng gần bốn mươi năm sau vẫn nhớ lần gặp gỡ đó, ông kể: "Chúng tôi họp, bom B52 nổ rền đâu đó ở sườn núi bên kia. Quý đến muộn một chút. Chị vừa bị sốt rét rừng...Đã nghe tên, quý mến mà chưa được gặp người. Một cô gái bước vào. Tôi biết ngay là Quý, không rõ vì sao. Chị gầy và xanh quá. Nói là còm cõi cũng không quá đáng. Duy có đôi mắt, tất cả là ở đó. Đôi mắt vừa đằm thắm, vừa rắn rỏi, vừa thông minh. Hay đúng hơn, nhìn vào đôi mắt ấy, anh bỗng hiểu rằng trước mặt mình là một con người có thể lặng lẽ suốt đời đi đến mục đích đã tự khẳng định của mình, bất chấp tất cả, không gì ngăn được...".
Ngay sau Hội nghị sáng tác văn nghệ khu V, tháng 12/1968, có một đợt đi thực tế xuống đồng bằng. Dương Thị Xuân Quý xin về chiến trường Quảng Đà. Những năm tháng này, Quảng Đà là chiến trường ác liệt nhất của khu V nói riêng và của cả miền Nam nói chung. Nhiều nhà báo và văn nghệ sĩ đi vào mặt trận Quảng Đà đã nằm lại mãi mãi dọc hai bên bờ sông Thu Bồn. Khi biết Dương Thị Xuân Quý có nguyện vọng đi Quảng Đà, lãnh đạo văn nghệ khu có do dự và đề nghị chị chọn nơi khác ít nguy hiểm hơn. Nhưng, từ hồi là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, Dương Thị Xuân Quý đã như vậy, cứ nghe ở đâu có sự tích anh hùng là quyết đến cho bằng được, dù đó có là vùng túi bom trong chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ. Lúc này, chị quyết đến Quảng Đà.
Chị ý thức rõ sẽ đối mặt với cái gì, như những dòng nhật ký viết ngày 15-12-1968: "Lạ thế, biết nguy hiểm nhưng vẫn sẵn sàng lao vào, dù có hy sinh. Đời người ai chả chết. Dĩ nhiên mình có nghĩ đến đau khổ của anh và Ly. Nhưng cái gì cũng qua thôi... Đó là ý nghĩ của mình khi được phân công đi công tác Quảng Đà từ nay đến cuối tháng 3- 1969... Lo, mình lo chứ. Nhưng mình quyết tâm và nghĩ thế này: dù có chết thì cũng như bao người phải chết thôi. Nghĩ vậy, không thấy sợ nữa...". Đến chiến trường Quảng Đà được gần 3 tháng, chị có viết cho nhà văn Chu Cẩm Phong bức thư, đề ngày 2/3/1969, có đọan: "...May mắn tôi được có mặt, Xuyên Hòa kiên cường lắm; tôi bắt gặp nhiều điều rất xúc động, gặp nhiều nguy hiểm, nhưng vui kỳ lạ...".
Nhưng rồi chỉ 6 hôm sau, vào đêm ngày 8/3/1969, Dương Thị Xuân Quý anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trong một trận càn quét ác liệt của giặc Nam Triều Tiên khi chị cùng đồng đội từ dưới hầm bí mật bò lên cố tìm cách thoát ra khỏi vòng càn.
Ngã xuống giữa tuổi 28 phơi phới thanh xuân, Dương Thị Xuân Quý để lại cho đời một số tác phẩm chính như “Về làng” (truyện ngắn đầu tay-1960), “Chỗ đứng” (tập truyện ngắn-1968), “Hoa rừng” (gồm các truyện ngắn, bút ký viết trên miền Bắc và trong thời gian ngắn ngủi ở miền Nam)... cùng tấm gương ngời sáng của một nhà văn - chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp độc lập cho dân tộc và tự do cho mỗi con người.
Sau 37 năm dài đằng đẵng nằm lại chiến trường Khu 5, hài cốt nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã được gia đình tìm thấy vào năm 2006. Chị được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
Theo Vanvn.net/Văn nghệ Quân đội/Phụ nữ Thủ đô/ Phunuvietnam.vn