Lớp học tiếng Việt chào mừng và tặng hoa cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Qua tìm hiểu, tôi được biết thế hệ thứ hai của người Việt tại Hà Lan biết rất ít tiếng Việt, do vậy ngại nói và giao tiếp bằng tiếng Việt (đây cũng là một cản trở đối với các cháu khi về Việt Nam). Nguyên nhân là do Hà Lan không có lớp học tiếng Việt. Trước đây ở một số nơi, chính phủ Hà Lan có hỗ trợ kinh phí tổ chức lớp học tiếng Việt song đã ngừng, do vậy lớp học tiếng Việt cũng không còn nữa. Các phụ huynh đa phần bận rộn công việc và cũng không đủ khả năng và quyết tâm để dạy tiếng Việt cho các con. Vì vậy, nguy cơ không duy trì được tiếng Việt cho thế hệ thứ hai là rất thực tế.

Câu chuyện của hai cháu Ly và My và thực trạng tiếng Việt hạn chế của con em Việt kiều tại Hà Lan đã thúc đẩy tôi đi đến quyết định mở một lớp dạy tiếng Việt tại Đại sứ quán cho con em người Việt. Ý tưởng của tôi được Hội người tại Den Haag và một số phụ huynh ủng hộ. Vậy là lớp học tiếng Việt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan ra đời.

Hôm khai giang lớp học (16/10/2017), ngoài các cháu và phụ huynh còn có đại diện Hội người Việt tại Den Haag và đặc biệt là có cả nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Trần Quang Hoan (lúc đó đang có mặt tại Hà Lan) cũng đến dự và phát biểu động việc các cháu cũng như Đại sứ quán và cộng đồng.

Khai giảng lớp học tiếng Việt cho trẻ em

Cho đến nay, lớp học đã được hơn 1 năm, nhìn lại thấy sự nghiệp "gieo con chữ" tại Hà Lan vất vả chẳng khác nào ở vùng sâu vùng xa của Việt Nam: không có giáo trình tiếng Việt phù hợp, giáo viên là cán bộ Đại sứ quán và sinh viên thiếu kỹ năng sư phạm, các cháu lứa tuổi khác nhau nên trình độ và khả năng tiếp thu không giống nhau. Ngoài ra còn phải kể đến sự vất vả của các phụ huynh hàng tuần đưa con đi học... Nhưng rồi sự nhiệt tình của cả "thầy" và "trò"đã vượt lên tất cả những khó khăn đó, giúp lớp học tiếp tục duy trì. Lớp học cũng luôn nhận được sự quan tâm của Hội người Việt tại Den Haag, đặc biệt là bác Chung, người nhiều tuổi nhất trong Hội (87 tuổi) và cũng là người nhiệt huyết nhất. Bác thường xuyên ra lớp học để xem các cháu học thế nào và động viên. Còn bố mẹ các cháu là những học viên "dự thính" tích cực nhất. Có nhà chỉ có 1 con học nhưng thường xuyên cả bố mẹ đưa con đi học và ngồi chờ con học xong lại đưa về.

Sau hơn 1 năm học, kết quả còn rất khiêm tốn những cũng đã có những thành tích đáng mừng, đó là các cháu đã bắt đầu biết đọc, biết viết (dù còn ngọng và sai nhiều lỗi chính tả) và nói tiếng Việt nhiều hơn. Đặc biệt là các cháu thích hát tiếng Việt và đã thuộc nhiều bài tiếng Việt.

Một buổi học của cô trò tại Hà Lan

Trong chuyến thăm Hà Lan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 3/2018), các cháu lớp tiếng Việt đã rất vinh dự được tặng hoa, đọc lời chúc mừng bằng tiếng Việt và hát bài hát tiếng Việt cho Chủ tịch Quốc hội và đoàn nghe. Những việc này đối với các cháu thiếu nhi ở Việt Nam là rất bình thường và đơn giản nhưng đối với các cháu (những đứa trẻ Việt sinh tại Hà Lan) lại là một sự cố gắng và nỗ lực lớn. Các cháu và phụ huynh đã rất vui khi được Chủ tịch quốc hội khen là "hát hay" và nói tiếng Việt "rõ". Đó là một sự động viên rất lớn đối với các cháu. Tôi còn nhớ hình ảnh chị Hạnh, mẹ của cháu Hồng Khánh, đã nhất định đưa cháu đến gặp Chủ tịch Quốc hội giới thiệu cháu là học sinh lớp tiếng Việt và đề nghị được chụp ảnh cùng Chủ tịch để gửi về khoe với bà ngoại cháu đang ở Việt Nam.

Trong dịp hè 2018, các cháu lớp tiếng Việt đã được tham dự trại hè do ĐSQ tổ chức, được giao lưu với đoàn học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội. Các cháu đã tham gia nhiều trò chơi dân gian của Việt Nam như kéo co, chuyền bóng..., thú vị nhất là thả bóng bay mang thư điều ước do chính các cháu viết bằng tiếng Việt. Trại hè đã là một sân chơi và cơ hội để các cháu tiếp xúc và làm quen với văn hóa Việt Nam.

Trại hè năm 2018 do Đại sứ quán tổ chức

Công cuộc duy trì tiếng Việt mà Đại sứ quán đang làm còn nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên tôi vẫn luôn có niềm tin rằng với sự quyết tâm của các cháu cũng như của phụ huynh và sự hỗ trợ của cộng đồng, lớp học tiếng Việt tại Đại sứ quán sẽ tiếp tục có những bước tiến đến gần hơn với con chữ Việt. Tôi cũng hy vọng lớp học sẽ là một hình mẫu và là một sự nhắc nhở để cộng đồng người Việt tại Hà Lan có ý thức hơn trong việc duy trì và giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ con cháu mình.

Nếu nói điều gì là quan trọng nhất trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc thì tôi cho rằng đó là cần phải giữ gìn tiếng Việt - "tiếng mẹ đẻ" (mother language). Chắc vì vậy mà thế giới đã có Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ được tổ chức hàng năm vào 21/2 nhằm tôn vinh tiếng mẹ đẻ của các quốc gia và đã được Liên hợp quốc công nhận.

(Bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Thị Hòa)

Theo phunuvietnam