Là một cô gái lớn lên tại vùng nông thôn nghèo, chị Nguyễn Thị Thanh ngay từ lâu đã ý thức được phải cố gắng kinh doanh để thoát khỏi đời sống cơ cực.
Lấy chồng từ năm 18 tuổi, chị Thanh chật vật ở quê nhà chồng tại tỉnh Hải Dương, để kinh doanh tự do kiếm sống qua ngày. Năm 2010, đời sống hôn nhân không viên mãn, chị và chồng ly hôn khiến chị cùng hai con phải tay trắng rời đi.
"Lúc đó không biết nghĩ gì ngoài cố gắng, làm hết mọi thứ để kiếm tiền trang trải các khoản phí hàng ngày. Có thể nói rất chưng hửng và cực khổ vì chưa có hướng đi rõ ràng", chị Thanh nói.
Không lâu sau đó, với đam mê kinh doanh, thích làm đẹp cho người khác, chị đã nảy ra ý tưởng đi tìm hiểu các nguồn hàng làm đẹp. Tình cờ khi đang đi du lịch ở Nhật Bản, chị Thanh nhận thấy mỹ phẩm ở đây có chất lượng tốt, giá thành hợp lý nên quyết định nhập về bán thử.
Thoạt đầu, chị gặp không ít khó khăn về vốn, cũng như nguồn khách hàng chưa ổn định để duy trì công việc kinh doanh. Đặc biệt, vì đặt mua giá sỉ, hiếm có nơi nào cho chị nhập số lượng ít, vậy nên nữ doanh nhân phải chấp nhận nhập số lượng nhiều, chịu thua lỗ nếu hàng hết hạn trước khi ra thị trường.
Mất 2 năm len lỏi ở các khu chợ, cửa hàng lớn, nhỏ trên địa bàn, chị Thanh vẫn buồn rầu vì rất ít khách hàng biết tới. Thời điểm đó, mọi gánh vác đều đè nặng lên vai chị Thanh, mỗi tháng chị phải bỏ ra hơn 15 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt, học tập của các con. Chị phải bán cả miếng đất tích cóp để bù 1 tỷ đồng thua lỗ trong chuyện làm ăn. Mẹ của chị biết tin thì bật khóc, khuyên con gái rẽ hướng khác để có tương lai tốt hơn.
"Tuyệt vọng lắm, tôi đang định bỏ cuộc, gục ngã giữa chặng đường như vậy. Nhưng nhìn thấy con còn quá nhỏ, nếu chấp nhận thất bại, cuộc đời của chúng tôi sẽ còn rất khổ", nữ doanh nhân bộc bạch.
Nhờ vào sự nhiệt tình, thật thà, chị dần có mối quen mua hàng hơn. Đích thân qua tận Nhật để lấy hàng về bán, chị càng gầy dựng được uy tín của bản thân, các đơn hàng cứ thế tăng dần. Không dừng lại ở nước Nhật, chị Thanh tiếp tục đi đến Hàn, Úc và các nước ở Châu Âu để đa dạng nguồn hàng hơn.
Không để rào cản ngôn ngữ làm ảnh hưởng, chị tự lên mạng học tiếng Anh dù bản thân là người "mù công nghệ". Từ sách, báo, chị học thêm qua các video trên mạng xã hội. Chẳng mấy chốc, một cô gái vùng nông thôn, chưa từng qua trường lớp tiếng Anh lại có thể giao tiếp lưu loát, tự tin.
Được khách hàng tin tưởng, chị Thanh gom hết vốn, mở cửa hàng đầu tiên ở tỉnh Hải Dương. Công việc là ăn càng khấm khá, chị bán nhà ở quê, cùng con lên Hà Nội mua nhà, mở cửa hàng ngay trên đất thủ đô. Không lâu sau đó, chị Thanh mở thêm 4 cửa hàng TPHCM, nhưng do ảnh hưởng của dịch, giờ đây chị thu gọn chuỗi cửa hàng lại còn 1 cơ sở ở Hà Nội, 1 cơ sở ở TPHCM.
Nhờ công việc kinh doanh hàng xách tay, nữ doanh nhân giờ đây có thể kiếm bạc tỷ, đi hơn 20 đất nước trong suốt 10 năm khởi nghiệp. Một trong hai người con của chị giờ cũng đã có điều kiện đến Úc du học.
"Thật sự rất hạnh phúc và không tin là bản thân có thể làm được. Ngày đó cứ nghĩ sẽ thất bại, nhưng may mắn là gầy dựng được sự nghiệp bởi chính bản thân, chứng tỏ một người phụ nữ cũng có thể làm trụ cột gia đình", chị Thanh xúc động.
Không những vậy, chị còn được nhận không ít danh hiệu nhờ vào sự đóng góp cho cộng đồng.
Từ đó, chị Thanh lấy làm cơ sở để giúp đỡ những người trẻ mới vào nghề, dẫn dắt họ đến đích thành công như chị hiện tại. Chị còn phối hợp với công ty truyền thông, để tạo cơ hội cho người trẻ biết đến, tham gia các cuộc thi sắc đẹp trong cộng đồng doanh nhân.
Làm nghề đã lâu, chị Thanh vẫn còn trăn trở thực tế là thị trường hiện nay quá bão hòa, hàng nhái tràn lan, khiến hàng thật lại phải cạnh tranh giá cả với hàng giả.
"Nhiều người mua hàng giả vì rẻ nên không hiểu nguồn gốc xuất xứ. Đó là lý do tôi ưu tiên bán sỉ hơn bán lẻ, vì khách mua sỉ thường hiểu giá trị của món hàng thật, có kiểm định rõ ràng", nữ doanh nhân nói.
Theo dantri.com.vn