Bị dập tủy sống khiến liệt tứ chi, anh Hóa như được tái sinh dưới bàn tay chăm sóc của bà Thử.
Khoa Tủy sống, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp quận 8, TP HCM buổi chiều, không khí trở nên mát hơn. Tập vật lý trị liệu xong, các bệnh nhân di chuyển ra sân hóng mát. Họ ngồi bên nhau thân mật như một gia đình. Người pha trò, người kể chuyện, người hát vu vơ, mấy đứa nhỏ nô đùa xung quanh như giúp xua tan bệnh tật.
Bà Nguyễn Thị Thử - tên thường gọi là bà Năm - cũng đẩy xe lăn của anh Nguyễn Viết Hóa (36 tuổi, quê Hớn Quản, Bình Phước) ra sinh hoạt cùng. Nhìn người phụ nữ 68 tuổi, ở huyện Châu Thành, Trà Vinh, nhẹ nhàng đấm lưng, nắn tay chân cho anh, ai cũng nghĩ họ là mẹ con. Nhưng hỏi ra thì không phải. Họ chỉ là hai người xa lạ, gặp nhau trong hoàn cảnh đặc biệt.
Vừa nắn đôi tay cứng đơ của chàng trai, bà mẹ 5 con vừa kể, hơn một năm trước, bà đi làm nghề chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện, lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Thời gian rảnh, bà vào chùa làm công quả. Lúc đó, anh Hóa, làm nghề lái xe, bị liệt tứ chi sau một lần ngã trèo cây. Nhà nghèo, mẹ mất, cha già yếu, vợ bỏ đi, anh trai bị tâm thần, không ai chăm sóc nên anh Hóa phải nằm một chỗ hai năm trời, người lở loét, hôi hám, một số nơi thịt dần hoại tử.
Nghĩ mình trước sau cũng chết, Hóa nảy sinh ý định tự tử. Anh nhờ bé hàng xóm mua thuốc diệt kiến về. May mắn thay, một người hàng xóm phát hiện kịp thời và đưa đến bệnh viện.
“Tôi đang nấu cơm ở chùa thì các bác sĩ gọi điện nhờ vào chăm sóc Hóa. Chẳng biết gì về cậu ấy, nên tôi nói để suy nghĩ đã”, bà Năm kể. “Cả đêm hôm đó, tôi không ngủ được. Những câu hỏi: ‘Sao cậu ấy chỉ có một mình chống chọi với bệnh tật. Cậu ấy làm gì xấu hay sao mà bị gia đình bỏ rơi?' cứ vây quanh”... Trời vừa sáng, cũng là lúc bà có mặt ở bệnh viện để thăm Hóa.
Hình ảnh người thanh niên gầy trơ xương, toàn bộ phía dưới lở loét do không ai giúp đi vệ sinh, tắm rửa, nằm trên giường bệnh làm bà nhớ đến người chồng quá cố. Ông bị tai biến, nằm một chỗ suốt hơn 23 năm. Một mình bà phải bươn chải nhiều việc để có tiền lo cho chồng, vừa nuôi 5 đứa con thơ dại. Vất vả khó khăn, nhưng bà thật hạnh phúc khi các con lớn lên có công việc ổn định, yêu thương nhau và có hiếu với mẹ.
“Bị bệnh, đau và cực khổ lắm, vậy mà Hóa phải một mình chống chọi. Tôi không có vật chất, nhưng có sức khỏe và đôi tay lành lặn”, bà Thử nói. Bà quyết định bỏ công việc có thu nhập, dọn đồ vào bệnh viện ở hẳn để chăm sóc anh không công từ tháng 6/2017 đến nay.
Hằng ngày, bà xin cơm từ thiện ăn, dành số tiền tiết kiệm và quyên góp được để có tiền chữa bệnh, mua thức ăn cho Hóa. “Tôi khỏe mạnh, ăn sao cũng được, chỉ cần no là được. Cậu ấy bị bệnh, ăn phải có chất mới tốt cho sức khỏe, bệnh nhanh hồi phục”, bà Thử nói. Biết mình làm phiền người khác, mỗi khi đau nhức, anh Hóa chỉ biết gắng chịu đựng để bà có một chút thời gian nghỉ ngơi.
Biết việc mẹ làm, ban đầu, các con bà Hóa ra sức phản đối. “Tết rồi, thấy tôi không về nhà, anh em tụi nó nói: ‘Mẹ không về, tụi con đưa xe đến chở’ và làm thật. Nhưng đến nơi, nhìn thằng Hóa, anh em nó xúc động lắm. Ra về, mỗi đứa cho 500 ngàn, còn thay phiên nhau nấu đồ ăn đưa lên”, bà Thử mặt rạng rỡ khi nói về chuyện đã được các con ủng hộ.
Được bà cụ xa lạ chăm sóc, sức khỏe anh Hóa tiến triển rất tốt, tăng cân hơn. Anh đã có thể ngồi xe lăn, tự cử động được tay chân, tự đi tiêu tiểu. Những vết lở loét, hôi hám giờ đây cũng không còn nữa. Các bác sĩ cho biết, thời gian tới, sức khỏe anh sẽ hồi phục nhanh nếu tích cực vận động, tập vật lý trị liệu và có chi phí để mổ nắn lại xương hông bị vẹo.
Bà Thử chăm anh Hóa từ những việc nhỏ nhất như cắt móng tay
Nhìn bà cụ đang lụi hụi nắn chân cho mình, anh Hóa xúc động nói: “Cô là người mẹ thứ hai, là bà tiên của đời tôi!". Anh tâm sự, từ khi được bà Thử chăm sóc, mấy việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa, ăn uống, đi lại, cả tiền chữa bệnh không phải lo. "Nhìn cô ấy lớn tuổi, hàng ngày tỉ mẩn chăm sóc từng chút một cho tôi, thương lắm. Lần trước, tôi bị tắc đường tiểu, ngoài chăm sóc, cô ấy còn đi xin tiền cho tôi chữa dứt bệnh. Mấy hôm nay, tiền chẳng còn, tôi nói, chỉ mua 10 nghìn tiền thức ăn, nhưng cô gạt ngang: ‘không ai bán từng đó' và mang về một bịch thức ăn to. Ngồi ăn, tôi muốn khóc lắm, nhưng cô cứ cười nói vui vẻ, pha trò đủ kiểu để tôi vui ", anh Hóa nói.
"Nhiều lần nó sợ phiền và tui mệt, buồn đi vệ sinh cứ gắng nín, chẳng dám nói. Đến khi tui phát hiện, phải vất vả mãi mới giải quyết xong. Tui đã dặn đi dặn lại, bệnh này đi vệ sinh rất cực mà nó cứ ngại", bà trìu mến kể. Người đàn ông trẻ chỉ biết gãi đầu ngại ngùng. "Con nợ cô rất nhiều!".
Chiều tà buông xuống, bà Năm lại nhẹ nhàng đẩy anh vào phòng bệnh tắm rửa, đút cơm cho ăn. Anh Hóa chỉ mong mình nhanh khỏi bệnh để có thể đền đáp công ơn của ân nhân và sẽ tiếp tục mưu sinh nghề lái xe như trước đây.
Theo VNExpress