Niềm say mê học văn hóa, lý luận là một đức tính nổi bật của chị Mười Thập. Là cán bộ ở Ban Tổng kết công tác Phụ vận, tôi làm thư ký một thời gian cho chị Mười Thập nên may mắn được gần gũi chị. Có một lần chị bảo tôi: “Em đi tìm một thầy giáo giỏi sử dạy cho chị”. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng chị vẫn dành mỗi tuần 2 buổi cùng một số cán bộ nghe giáo sư Phan Huy Lê - người mà tôi nhờ đến giảng dạy.

Chị Thập là người tổ chức và lãnh đạo phong trào phụ nữ rất sắc sảo, có nhiều sáng kiến, tập hợp đoàn kết được các lực lượng phụ nữ trong nước, ngoài nước thành một mặt trận phụ nữ rộng rãi và vững chắc, làm trợ thủ đắc lực cho Đảng và Nhà nước trong công tác vận động phụ nữ đảm đang việc nước, việc nhà trong hai cuộc kháng chiến.

Mỗi khi tổ chức hội nghị tổng kết hoặc sắp sửa Đại hội phụ nữ, chị thường nhắc chúng tôi một cách gay gắt: “Đã xuống thực tế phong trào dài ngày rồi, nay phải động não nhiều vào, rút ra được cái gì? Không rút ra được bài học kinh nghiệm gì hoặc rút ra được điều không quan trọng thì coi như Đại hội không thành công”. Những ý kiến sâu sắc của chị bắt nguồn từ bề dày phong trào và cũng từ trí thông minh, dày công tự học và đọc sách của chị. Có lần chị bảo chúng tôi: “Các em biết tại sao chị chọn Thanh Hóa làm tỉnh chỉ đạo điểm về nghị quyết phụ vận và cán bộ nữ? Vì phụ nữ Thanh Hóa lao động nhiều mà chịu khổ cũng nhiều”. Mãi mãi tôi không quên hình ảnh chị dưới ánh sáng ngọn đèn dầu, trên sân gạch ở vùng quê, chăm chú lắng nghe những lời tâm sự, những nguyện vọng cháy bỏng của người phụ nữ nông dân.

Là người lãnh đạo xuất sắc phong trào phụ nữ những ngày Nam bộ kháng chiến, chị Nguyễn Thị Thập, với cái tên vô cùng trìu mến - chị Mười Thập - suốt gần hai chục năm là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, được bầu vào Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa IV, rồi làm Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa III đến khóa VI, chị luôn luôn gần gũi với mọi người, quan tâm tha thiết đến quyền lợi phụ nữ.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, chị Mười Thập đã phát triển phong trào phụ nữ một cách toàn diện. Trong hoàn cảnh chiến tranh, tờ báo Phụ nữ Việt Nam đã ra đời đều đặn, có cả tờ báo dành riêng cho phụ nữ nông dân. Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản nhiều sách với nội dung phong phú. Trường đào tạo cán bộ phụ nữ liên tục mở lớp. Công tác đối ngoại cũng được chị và Đảng đoàn phụ nữ rất quan tâm. Ban Liên lạc Quốc tế của Hội Phụ nữ ra bản tin đều đặn bằng ngoại ngữ. Nhiều cán bộ được Hội cử đi các diễn đàn Phụ nữ quốc tế, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của phụ nữ các nước đối với cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Hội cũng mời được nhiều đoàn phụ nữ nước ngoài, kể cả phụ nữ Mỹ, vượt bom đạn, đến thăm hữu nghị Việt Nam. Uy tín của Hội và uy tín của chị Mười Thập được nâng cao trong phong trào phụ nữ quốc tế.

Một điểm nổi bật nữa ở sự lãnh đạo sáng suốt của chị Mười Thập là cùng Đảng đoàn phụ nữ sớm cử cán bộ có năng lực tham gia lãnh đạo ở các bộ, ngành có đông lao động nữ hoặc có khả năng chăm lo cho quyền lợi phụ nữ như Ủy ban bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong cuộc sống riêng, chị Nguyễn Thị Thập là một người vợ, người mẹ đã chịu nhiều mất mát, đau thương. Chồng chị là đảng viên - đồng chí Năm Giác, hy sinh trong Nam Kỳ khởi nghĩa. Con trai cả là Lương Văn Thuận, hy sinh trong chiến đấu chống Pháp. Con trai út - Lê Văn Quang, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Vào một buổi tối ở nhà nghỉ Đồ Sơn năm 1970, chị đã kể với tôi lần chị vượt sông Cửu Long từ Mỹ Tho sang Bến Tre trên một chiếc xuồng khi đang mang thai cháu Quang - đi sinh con tránh sự khủng bố, đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp. Chị Thập kể lúc chia tay anh Năm Giác và các cán bộ tỉnh ủy: “Ruồng bố mỗi ngày thêm ác liệt. Làng lính xua dân đi lùng sục từng nhà, từng con mương, bờ chuối. Các đầu cầu, ngã ba, ngã tư đường lớn chúng đều thiết lập trạm canh, tìm bắt những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Bây giờ sắp đến ngày sinh nở, phải lo đẻ ở đâu. Anh em tỉnh ủy họp lại bàn. Sau vài phút lúng túng, anh em bàn kế hoạch sẽ đưa tôi vượt sông Cửu Long sang Bến Tre để sinh cháu.

Xuồng đi suốt đêm qua sông Cửu Long. Đường sông chỉ vài mươi cây số nhưng từ nửa đêm gặp con nước ròng, anh Bảy Thường và chị Tám Thẩm người bơi lái, người bơi mũi, bơi không nghỉ tay. Sáng sớm hôm sau chúng tôi mới gặp được địa giới tỉnh Bến Tre, xem như đã thoát vòng vây của địch ở Mỹ Tho rồi.

Trước khi sinh, tôi không dám ra vào, chỉ nằm đắp mền đọc truyện, sợ có người quen gặp. Mắt nhìn vào trang sách nhưng tâm trí vẫn để ở Long Hưng - Mỹ Tho...”.

Con trai út vừa sinh được 8 ngày, chị nhận được tin chồng hy sinh.

Là lãnh đạo Nam Kỳ khởi nghĩa từ năm 32 tuổi, chị hoạt động liên tục cho đến những ngày cuối của cuộc đời. Nén chặt những nỗi đau, chị dành hết trí tuệ và tâm huyết vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Chị có công lớn trong việc ra đời 2 cuốn sách về “Tổng kết Phong trào Phụ nữ toàn quốc”. Sau ngày thống nhất đất nước, gần 70 tuổi, chị vẫn đi khắp các tỉnh miền Nam để chỉ đạo Tổ sử Phụ nữ Nam bộ, xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và những công trình lớn.

Sau chị Minh Khai, có thể nói Chị Mười Thập là vị lãnh tụ phụ nữ tiêu biểu xuất sắc. Cả cuộc đời chị mãi mãi là tấm gương sáng ngời của người anh hùng Cách mạng cho mọi thế hệ noi theo.

Bà Nguyễn Thị Thập (1908 -1996) tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, quê ở Châu Thành, Tiền Giang. Năm 1931, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và lấy bí danh là Mười Thập, hay Nguyễn Thị Thập.

Bà là một cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng, lãnh tụ xuất sắc của phong trào phụ nữ, từng đảm nhiệm các trọng trách: Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ từ năm 1935, lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, lãnh đạo giành chính quyền ở Mỹ Tho năm 1945, Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam từ 1956 - 1974, Phó Chủ tịch Quốc hội từ 1956 - 1982.

Bà đã đề xuất nhiều chính sách về quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ; trực tiếp lãnh đạo phong trào “Ba đảm đang” đạt những thành tích to lớn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bà đã được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hiện là người phụ nữ duy nhất được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước.


Nhà văn Nguyệt Tú/ Báo Phụ nữ Việt Nam