Chị Lương Thị Hải Yến sinh ra trong một gia đình làm nông ở Phú Thọ. Từ khi còn rất nhỏ, căn bệnh suy dinh dưỡng dần khiến đôi mắt chị thiếu vitamin A, gây bong giác mạc. Chị dần không còn nhìn rõ mọi vật xung quanh.

Hiện tại, thị lực của chị chỉ khoảng 0,5/10 mỗi bên mắt. Chị không thể đi học do gia cảnh khó khăn, nhà thuộc vùng sâu, vùng xa. Mỗi ngày trôi qua, chị chăm chỉ phụ giúp gia đình công việc đồng áng.

Khách hàng “ruột” của chị Yến thường là người khiếm thị và chị xem họ như người thân
Khách hàng “ruột” của chị Yến thường là người khiếm thị và chị xem họ như người thân

 

Cứ ngỡ chị sẽ sống như vậy, làm bạn với cái cày, cái cuốc nhưng một cơ duyên đã mở ra cho chị trang đời mới. Năm 18 tuổi, một lần tình cờ đến phòng châm cứu hỗ trợ người tàn tật, chị được giới thiệu đến một tổ chức nhân đạo hỗ trợ học chữ cho người khiếm thị.

Cũng từ đây, chị một mình đi học chữ tại trường giáo dục đặc biệt tận miền Nam. Sau 1 tháng, chị quay về nhà và được chính quyền giúp đỡ lên Hà Nội tiếp tục học chữ. Chị cũng như bao thành viên khác, được học nghề đấm bóp, mát xa - công việc rất đỗi quen thuộc với cộng đồng người khiếm thị. Và chị cũng hài lòng chấp nhận nghề.

Đổi đời

Năm 2018, chị nhận được món quà thủ công bằng hạt từ một người bạn khiếm thị và khiếm thính gửi từ Sài Gòn, chị nảy ra ý định giới thiệu mặt hàng này vì “sản phẩm đẹp quá, mọi người không biết đến thì tiếc quá”. Thông qua mạng xã hội, ngày càng có nhiều người biết và mua món hàng này. Chị cùng bạn quyết định cộng tác đưa sản phẩm lên mạng bán.

Thời gian đó, để tăng thêm thu nhập, chị còn làm công việc văn phòng ở một công ty tư nhân. Thế nhưng, chị không có một công việc nào rõ ràng hay một vị trí cụ thể. Hình như công ty tạo ra việc chỉ để giúp chị có thêm thu nhập. Có những lúc, chị cảm thấy: “Công việc của tôi có cũng được mà không có cũng không sao”.

Chị nghỉ việc công ty, về nhà, tập trung vào bán hàng online. Nhờ chăm chỉ và chịu khó, các bài bán hàng của chị ngày càng nhận được nhiều sự chú ý của các chủ shop cùng nhiều lời mời hợp tác.

Chị nhớ lại: “Ban đầu, tôi chưa biết cách tìm hiểu thông tin, nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm. Tôi không biết phải kiểm tra thông tin ở đâu. Người ta mời thì bán thôi. Tôi hơi bị động và cũng chưa rõ phương hướng hoạt động nữa”.

Ngoài kỹ năng bán hàng, với chị Yến, việc xây dựng lòng tin của khách hàng dành cho một người khuyết tật còn khó khăn hơn. Ngay từ khi bắt đầu kinh doanh, chị đã gặp không ít lời ra lời vào, kiểu “người khiếm thị có nhìn thấy gì đâu mà bán hàng online” lẫn khó khăn khi phân biệt và kiểm định chất lượng hàng hóa. Nhưng cũng nhờ gia đình luôn ủng hộ, động viên, chị đã tiếp tục. “Khi biết tôi muốn bán hàng online, dù chưa biết lời lỗ thế nào, gia đình cũng dành dụm tiền để tôi nhập hàng” - chị tự hào kể.

Để phá bỏ định kiến của dư luận cũng như không phụ lòng tin của gia đình, chị đã tham gia nhiều khóa học kinh doanh trên mạng của Thành hội người mù Hà Nội, các đối tác, nhãn hàng. Mỗi khóa học ngắn từ 2-3 tháng, dài đến 4-5 tháng, chị đều nhiệt tình tham gia và đã dần có những tiêu chí đánh giá, xác định nguồn gốc sản phẩm rõ ràng qua sự hỗ trợ của các phần mềm đọc màn hình.

Khách hàng “ruột” của chị Yến thường là người khiếm thị và chị xem họ như người thân
Khách hàng “ruột” của chị Yến thường là người khiếm thị và chị xem họ như người thân

 

Làm chủ đời mình

Một trong những công việc quan trọng của chị Yến là live stream trong điều kiện ánh sáng, góc quay đẹp nhất. Nhưng với một người khiếm thị, điều đó vô cùng khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh ấy, nhiều nhãn hàng ngỏ ý gửi hình ảnh, video để công việc của chị dễ dàng hơn, nhưng chị Yến vẫn chọn tự mình quay video cận cảnh sản phẩm.

Với chị, việc đem sản phẩm một cách chân thực nhất đến khách hàng quan trọng hơn tất thảy. “Tôi cầm nắm sản phẩm như thế nào, trải nghiệm thế nào thì sẽ bán cho khách hàng những sản phẩm đúng như vậy” - chị nói.

Với những góc máy quay gần, chị có thể nhìn và thực hiện. Nhưng khi quay sản phẩm từ góc máy xa hơn 1m, chị sẽ cần sự hỗ trợ từ bạn bè để đặt, căn chỉnh sao cho đẹp nhất.

Cửa hàng online nhỏ của chị Yến ngày càng nhận được sự tin yêu từ cộng đồng người khiếm thị nói riêng và cả khách hàng đại chúng. Có vốn, chị mở “trung tâm” đấm bóp, mát xa, vừa làm chủ, vừa làm thợ chính. Chị kể, có vị khách đến mát xa và được chị giới thiệu mua sản phẩm nước hoa châu Âu. Khi mới nghe giới thiệu, người khách còn e ngại, nhưng sau khi được thử hàng và trải nghiệm, khách đã chốt đơn mua hàng.

Sau này, khi đã có một lượng khách hàng nhất định, chị bắt đầu thành lập nhóm các bạn cộng tác viên là người khuyết tật. Với người khiếm thị, việc chủ động đi lại để mua sắm cũng như tìm được việc để trang trải cuộc sống không hề dễ dàng.

“Các bạn với tôi đều cùng cảnh ngộ nên đều mong muốn giúp đỡ lẫn nhau. Khi làm việc, điều tôi mong muốn nhất là các bạn thẳng thắn chia sẻ khi gặp khó khăn”. Cứ đều đều, hằng tháng, chị Yến lại quay video để giúp các bạn hiểu và cảm nhận sản phẩm “từ xa”.

Đối với người khiếm thị, công việc bán hàng online vừa là khó khăn nhưng cũng là cơ hội. Khó khăn là ngày càng có nhiều nền tảng bán hàng online, người khiếm thị lại không thể tiếp cận do gặp trở ngại về các thao tác cũng như hình ảnh. Không có định hướng ban đầu cùng thu nhập không ổn định, khó cạnh tranh với các chủ shop khiến nhiều người khiếm thị từ bỏ.

Chị Yến tâm sự: “Những tháng đầu, công việc kinh doanh online của tôi chỉ lời được vài triệu đồng là coi như may mắn. Nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc vì đã theo con đường này. Nhờ bán hàng mà tôi có thêm nhiều bạn mới, học hỏi được nhiều kiến thức và có thu nhập để chăm lo cho gia đình”.

Dù bận rộn, chị Yến vẫn luôn dành cho bản thân thời gian làm đẹp, thư giãn…
Dù bận rộn, chị Yến vẫn luôn dành cho bản thân thời gian làm đẹp, thư giãn…

 

Đến nay, có những khách hàng đã trở thành bạn chị; những niềm vui khi nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, giúp cộng đồng của chị có cuộc sống đầy đủ hơn. Nhiều khách hàng cũng trở thành cộng tác viên bán hàng của chị. Riêng với người khiếm thị, mua sắm rất khó khăn vì “chẳng thấy gì”, nên chị chọn hàng giúp họ bằng cách “mình sử dụng trước”. Sử dụng 1 lần thấy tốt, họ cần mua gì lại gọi chị, tin chị như một người thân.

Mỗi sáng, sau khi đi chợ, chuẩn bị cơm nước cho nhân viên trong tiệm, chị Yến lại kiểm hàng, chuẩn bị live stream bán hàng. Khách của chị đa số là các thành viên khuyết tật khắp cả nước.

Mục tiêu khi chị mở cửa hàng online là cung cấp hàng chất lượng, vừa túi tiền, vì chị hiểu đối với người khuyết tật, mua sắm những mặt hàng thiết yếu vừa khó khăn chọn lựa, vừa tốn thêm tiền đi lại.

Với sự nỗ lực học hỏi, chân tình, trung thực, tiệm mát xa của chị ở Long Biên (Hà Nội) và hoạt động bán hàng trên mạng của chị ngày càng “thuận buồm, xuôi gió”. Hiện nay, chị có thể chăm lo cho bản thân, gia đình nhỏ của mình. Chị hài lòng với ông xã, cũng khiếm thị, là cộng sự đắc lực. Ngoài ra, chị còn gửi biếu tiền hằng tháng cho cha mẹ. Và, điều chị tự hào nhất là trở thành một người khuyết tật độc lập.

Theo phụ nữ TPHCM