Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga. (Nguồn: TTXVN)
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các Hội nghị liên quan, Đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững đã diễn ra theo hình thức trực tuyến trong không khí cởi mở, thân thiện, hiệu quả.
Bên lề sự kiện, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký quốc gia ASEAN 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), thành viên Nhóm phụ nữ ASEAN về hòa bình và hòa giải, đã trao đổi với báo chí một số ý kiến về vai trò của phụ nữ đối với hòa bình, hòa giải và an ninh bền vững.
- Đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững là hoạt động tiếp nối sáng kiến của Chủ tịch ASEAN 2020 tại Hội nghị Cấp cao 36 - Phiên họp đặc biệt của các nhà lãnh đạo về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số. Đại sứ đánh giá thế nào về sáng kiến này của Việt Nam?
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất mới nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN trên cả ba trụ cột, đặc biệt là nâng cao năng lực thích ứng và cam kết của ASEAN trước những thách thức mới, trong đó có đại dịch COVID-19. Một trong những sáng kiến khởi đầu và quan trọng được Việt Nam đưa ra là Phiên họp đặc biệt của các lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số tại Hội nghị Cấp cao 36 diễn ra ngày 26/6/2020. Tiếp nối sáng kiến này là Đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững.
Cùng với đó, nhiều hoạt động về vấn đề bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ đã, đang và sẽ được tổ chức nhằm đóng góp vào nỗ lực này của ASEAN và toàn cầu như hội thảo nâng cao năng lực của phụ nữ trong hòa giải, hòa bình; giao lưu gặp gỡ giữa các lãnh đạo nữ của ASEAN.
ASEAN coi trọng hoạt động này trong năm 2020 bởi đây là nhu cầu tất yếu khi khu vực phải ứng phó những thách thức mới, cần phải phát huy vai trò phụ nữ. Đặc biệt, chúng ta thấy rất rõ những hệ lụy sâu rộng chưa từng có của đại dịch COVID-19 trên nhiều mặt: kinh tế, xã hội, an ninh, phát triển. Điều này đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ phải phát huy vai trò của mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là vai trò phụ nữ, hiện chiếm đến 50% trong xã hội, trong Cộng đồng ASEAN.
Một nhiệm vụ rất ý nghĩa nữa là chúng ta phải nâng tầm ASEAN, góp tiếng nói của ASEAN vào những vấn đề chung của toàn cầu. Đó là việc ứng phó với những thách thức chung đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ.
Đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững không chỉ có ý nghĩa kỷ niệm 20 năm đánh dấu và đánh giá Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc thông qua tháng 10/2000 về phụ nữ, hòa bình, an ninh mà còn có ý nghĩa lớn hơn nữa, đó là định hướng cho các hoạt động sắp tới của ASEAN trong thời gian tới về phát huy vai trò của phụ nữ trong đóng góp cho hòa bình, hòa giải của khu vực, khi rất nhiều vấn đề mới đang đặt ra.
- ASEAN cần có những bước đi nào để vừa đảm bảo bình đẳng giới vừa thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong kỷ nguyên số, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong kỷ nguyên số là một vấn đề lớn của toàn cầu, không phải chỉ của châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN. Hiện nay, có một thực trạng rất lớn đang đặt ra đối với thế giới và khu vực, đó là nỗ lực này còn đang đứng trước rất nhiều thách thức lớn. Đây là một trong những điểm yếu nhất trong thực hiện bình đẳng giới trên thế giới.
Muốn nâng cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ, chúng ta phải xác định được những cản trở lớn. Theo đó, ngoài những cản trở thông thường vốn có như định kiến xã hội, vai trò lãnh đạo của phụ nữ còn đòi hỏi bản thân phụ nữ trước hết phải nâng cao năng lực để có thể đảm bảo được năng lực và vai trò lãnh đạo của mình trong kỷ nguyên số, đặc biệt là trong thời kỳ liên kết và hội nhập sâu hiện nay. Cùng với đó, muốn nâng cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ thì phải có chính sách và cơ chế của nhà nước; phải có liên kết rộng rãi trên toàn cầu trong bối cảnh hiện nay.
Tôi cho rằng bình đẳng giới một quốc gia không thể bền vững nếu không gắn kết với bình đẳng giới và khu vực và toàn cầu. Do đó, các nỗ lực, cơ chế hiện nay ở từng quốc gia, khu vực phải gắn chặt toàn cầu và phải liên kết lại với nhau.
Trên đây là các yếu tố cốt lõi, thêm vào đó, chúng ta phải nắm được rằng chúng ta đang bước vào, đang sống trong một xã hội số, kỷ nguyên số. Do đó, chúng ta phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực về công nghệ thì mới có đủ năng lực lãnh đạo và có các biện pháp, phù hợp.
- Năm 2107, Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN 31 lần đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề phụ nữ hòa bình, an ninh. Từ đó, ASEAN đã đạt được những tiến bộ cụ thể, nổi bật nào trong chủ đề phụ nữ, hòa bình và an ninh, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 tại Manila năm 2017 về phụ nữ, hòa bình và an ninh có tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn đối với khu vực của chúng ta.
Tuyên bố chung đưa ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ASEAN hình thành, phát triển và sau chặng đường 50 năm, lần đầu tiên ASEAN có Tuyên bố cấp cao nhất về vai trò phụ nữ trong hòa bình và an ninh, bình đẳng giới.
Lợi ích của phụ nữ đã được ASEAN quan tâm trong 30, 40 năm qua nhưng để khẳng định vai trò của người phụ nữ không chỉ trong kinh tế, trong xã hội, trong phát triển mà cả vấn đề hòa bình, an ninh thì đây lần đầu tiên. Do đó, Tuyên bố ở Manila rất quan trọng.
Đây cũng là một nỗ lực của ASEAN đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu, cụ thể là việc thực hiện Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc vào năm 2000 về phụ nữ, hòa bình, an ninh. Trong chặng đường 3 năm qua kể từ năm 2017, ASEAN triển khai nhanh, chuẩn bị kỹ lưỡng để giai đoạn tới sẽ có những hoạt động rất thiết thực về phát huy vai trò của phụ nữ để bảo đảm hòa bình, an ninh của khu vực.
Ngay sau tháng 11/2017 khi Hội nghị cấp cao ASEAN 31 thông qua Tuyên bố chung, đến tháng 12/2018, Nhóm các chuyên gia nữ của ASEAN về hòa bình và hòa giải đã được thành lập theo sáng kiến của Philippines, Chủ tịch ASEAN 2017, một trong những nước đi đầu của ASEAN về vấn đề bình đẳng giới hiện nay khu vực.
Từ đó đến nay, trong vòng gần 3 năm, Nhóm đã triển khai khá nhiều hoạt động rất thiết thực, xác định nhiệm vụ, vai trò, đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm với nhau để chuẩn bị cho mình năng lực đóng góp vào hoạt động của hòa bình và an ninh khu vực.
Những thành viên đại diện của Việt Nam cũng tham gia xây dựng, xác định các ưu tiên hoạt động chính sách mà Nhóm phụ nữ, chuyên gia ASEAN có thể tham gia đóng góp trong thời gian tới như: thúc đẩy luật lệ chung, thực hiện luật pháp quốc tế, hoạt động ngoại giao phòng ngừa...
Đặc biệt, chúng tôi xác định rằng với vai trò là phụ nữ thì các nhóm chuyên gia này cần đóng vai trò nòng cốt trong giáo dục nền văn hóa hòa bình, nhân văn nhân ái, hòa giải và bao dung độ lượng. Điều này là cực kỳ quan trọng trong hợp tác quốc tế, trong xây dựng Cộng đồng như Cộng đồng ASEAN.
Bên cạnh đó, thời gian qua, chúng tôi cũng xác định phải tăng cường kết nối với nỗ lực của các khu vực khác, của mạng lưới toàn cầu để nhóm phụ nữ, chuyên gia ASEAN có thể đóng góp tốt hơn cho khu vực trong vấn đề hòa bình, an ninh. Do đó, hiện nay chúng tôi đang cân nhắc đề xuất tham gia Liên minh toàn cầu của mạng lưới chuyên gia nữ về hòa giải quốc tế.
Có thể nói, sau Tuyên bố cấp cao năm 2017 đến nay, hoạt động nổi bật chính là Đối thoại của các Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh bền vững. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong triển khai Tuyên bố cấp cao, giúp định hướng các hoạt động cụ thể trong 2, 3, đến 5 năm tới.
Hơn thế nữa, sự kiện này còn định hướng cho ASEAN trong quá trình đóng góp vào nội dung đánh giá, kiến nghị các hoạt động và giải pháp thúc đẩy việc phát huy vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh của thế giới khi Liên hợp quốc trong năm nay đang rà soát lại Nghị quyết 1325 và đưa ra các giải pháp mới sau 20 năm thực hiện.
- Đại sứ đánh giá thế nào về sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình hòa bình, an ninh, hòa giải như đàm phán trung gian để phòng ngừa bạo lực trong những năm qua?
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Vai trò của phụ nữ trong tham gia đàm phán thương lượng để giải quyết hòa bình, hòa giải, ngăn chặn xung đột, nếu như chúng ta hiểu theo nghĩa hẹp, là những người tham gia trực tiếp thì không tăng, chưa thể hiện rõ nét trên toàn thế giới cũng như ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ở ASEAN cũng như ở Việt Nam.
Nhưng nếu chúng ta nhìn rộng ra theo hướng hòa bình, hòa giải và an ninh không giới hạn bởi những hoạt động trực tiếp đó mà còn là vai trò giáo dục của những người phụ nữ về ý thức hòa bình, ý thức hòa giải, ý thức bao dung trong xã hội; cùng với đó là vấn đề ứng xử với các thách thức an ninh phi truyền thống, đó là những định kiến xã hội, những thiên tai, dịch bệnh như COVID-19... thì chúng ta thấy vai trò của phụ nữ đang tăng lên và có xu hướng tăng hơn nữa.
Chúng tôi hy vọng việc rà soát, đánh giá lại định hướng mới của Nghị quyết 1325 trong năm nay của Liên hợp quốc và nỗ lực của ASEAN như Đối thoại này sẽ thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực và phát huy tốt hơn vai trò phụ nữ trong hoạt động hòa bình, hòa giải ở khu vực và trên thế giới.
- Vai trò của phụ nữ trong các hoạt động ASEAN được đánh giá bằng thước đo nào thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Nếu nói thước đo về vai trò của phụ nữ trong ASEAN là sự hài lòng của công chúng thì đó là một thước đo quan trọng nhưng không phải là tất cả. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số và một thế giới gắn kết, các thước đo cũng cần phải mang tính đa chiều với mục tiêu, cách tiếp cận đa chiều.
Đạt được bình đẳng giới là mục tiêu, ước mơ rất xa vời của thế giới, được rất nhiều nam giới ủng hộ nhưng cần vượt qua nhiều định kiến và thách thức mới. Khoảng cách giới hiện nay còn tính đến những khoảng cách về công nghệ số, do đó cần nâng cao năng lực cho phụ nữ về vấn đề này.
Theo nghiên cứu mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trên thế giới hiện nay phải mất hơn 100 năm mới đạt được bình đẳng giới, riêng ở châu Á-Thái Bình Dương mất 167 năm. Đây là khu vực đi chậm nhất, kém cả châu Phi và Trung Đông, Bắc Mỹ. Do đó, chúng ta thấy rõ bình đẳng giới sẽ còn là mục tiêu, là động lực cho phụ nữ và các xã hội vươn lên một xã hội văn minh.
Như vậy, sự hài lòng về bình đẳng giới trong ASEAN cần mang tính chất thực tiễn và song hành cùng lợi ích chung của cộng đồng, khu vực. Sự hài lòng của công chúng về bình đẳng giới phải phù hợp với sự phát triển của xã hội đúng thời điểm đó và theo từng giai đoạn.
ASEAN không thể so sánh với EU (về bình đẳng giới). Với trình độ hiện nay, đạt được bình đẳng giới đến đâu thì phải so sánh cùng mặt bằng chung. Thước đo phải đặt trong một tổng thể đa chiều hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quan tâm đến nguyện vọng, sự mong mỏi, hài lòng của công chúng, nhất là trong thời đại ngày nay. Xu hướng chính sách là phải vì dân, lấy người dân làm trung tâm, điều này cực kỳ quan trọng.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Theo vietnamplus