Về bản Hua Ná, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên ngày 23/8, đại diện của Hội LHPNVN, Hội LHPN 5 tỉnh Bắc Kạn, Nam Định, Bắc Ninh, Sơn La, Lai Châu đã có cơ hội tham gia buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng của 26 chị em nhóm Hoa Ban Trắng với Mô hình Cổ phần Tài chính tự quản (VSLA) đầy ấn tượng do Tổ chức CARE Quốc tế xây dựng và phát triển thuộc dự án “Nâng quyền cho phụ nữ Dân tộc thiểu số (EMWE).

Nhóm Hoa Ban Trắng sinh hoạt với Mô hình Cổ phần Tài chính tự quản (VSLA)

VSLA là một nhóm tiết kiệm và cho vay tự chủ và độc lập với quy chế do chính các thành viên của nhóm xây dựng. Hoạt động chính của VSLA là tiết kiệm thông qua hình thức mua cổ phần, sau đó khoản tiết kiệm này sẽ được đầu tư dưới dạng các khoản vay mà các thành viên có thể vay lại. Dẫu nhiều chị em không biết chữ nhưng vẫn dễ dàng tham gia do mô hình vận hành đơn giản, không phải tính toán nhiều. VSLA còn duy trì một quỹ tương hỗ để hỗ trợ các thành viên trong trường hợp khó khăn và khẩn cấp.
Một thành viên nhóm Hoa Ban Trắng được nhận vốn vay

Chị Lò Thị Thưởng, một thành viên tham gia VSLA, chia sẻ: “Mỗi tháng 2 lần, chị mong được đi sinh hoạt định kỳ của nhóm Hoa Ban Trắng. Khi tham gia phong trào tiết kiệm, các chị em luôn quan tâm, giúp đỡ nhau những lúc ốm đau, hoạn nạn. Nhờ được tạo điều kiện cho vay vốn không lãi, chị Thưởng đã đầu tư vào mua con giống, thức ăn gia súc… để phát triển kinh tế và có điều kiện để nuôi dạy con. 

Khẳng định hiệu quả của mô hình VLSA, bà Vì Thị Phong - Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Nưa - cho hay ở xã Thanh Nưa hiện có 21 câu lạc bộ hoạt động tốt như Hoa Ban Trắng tại 17 bản. Sắp tới, xã sẽ mở rộng thêm 3 câu lạc bộ nữa nhằm đáp ứng nhu cầu của chị em.

Các đại biểu tham dự Hội thảo giới thiệu Mô hình VSLA và lập kế hoạch triển khai trong 2 ngày 23 và 24/8

Tại Hội thảo giới thiệu Mô hình VSLA và lập kế hoạch triển khai trong 2 ngày 23 và 24/8, bà Lê Thị Kim Dung - Giám đốc tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam cho biết mô hình VSLA nhằm tăng cường nội lực của chị em DTTS và đã phát triển rất thành công ở Điện Biên, dự kiến sẽ được nhân rộng trong tương lai thông qua mạng lưới của Hội LHPNVN.

Bà Lê Thị Kim Dung - Giám đốc tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam 

VSLA đã tạo ra liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, ở đó các thành viên đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Cơ chế vận hành minh bạch tạo cơ hội tiếp cận vốn công bằng cho tất cả các thành viên tham gia, bao gồm những thành viên nghèo nhất. VSLA tạo ra nguồn vốn vay thường xuyên, liên tục phù hợp với nhu cầu khác nhau của các thành viên, từ việc đầu tư khoản lớn cho sản xuất kinh doanh đến khoản tiền nhỏ để đóng học phí cho con. Cơ chế này sẽ khuyến khích cả việc tiết kiệm và vay để phát triển kinh tế của các thành viên. Ngoài ra, VSLA tạo sự gắn kết để các thành viên chia sẻ và thảo luận những vấn đề mà họ quan tâm. Các hộ nghèo có thể học hỏi từ những hộ khá giả về kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt, giúp chị em trở nên tự tin hơn, mạnh dạn hơn. Qua chương trình sinh hoạt này, các chị em thực hành quyền ra quyết định của mình thông qua việc luân phiên quản lý nhóm. Các buổi họp định kỳ của nhóm là kênh hữu hiệu để truyền tải các chủ trương, chính sách phát luật cũng như các chương trình của nhà nước tới cộng đồng.
Bà Hồ Thị Quý - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển Kinh tế TƯ Hội LHPNVN

Bà Hồ Thị Quý - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển Kinh tế TƯ Hội LHPNVN - đánh giá cao những đóng góp của tổ chức CARE International đối với phụ nữ dân tộc thiểu số. Qua mô hình VSLA, chị em được tăng cường vị thế, vai trò và tiếng nói trong các tiến trình lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Ngoài ra, cần tạo cơ chế để các chị em phát triển nội lực, áp dụng các mô hình ở địa phương mình một cách sáng tạo và hiệu quả hơn.

 

Thông qua dự án “Nâng quyền cho phụ nữ Dân tộc thiểu số (EMWE) triển khai ở tỉnh Điện Biên và Bắc Kạn, tổ chức Care Quốc tế nỗ lực nâng quyền của phụ nữ DTTS vùng sâu, vùng xa để họ chủ động tham gia vào quá trình ra quyết định và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

-Kể từ tháng 6/2013 đến nay, EMWE hỗ trợ hơn 1.720 phụ nữ DTTS vùng sâu vùng xa tìm hiểu về các quyền của mình và vốn vay phục vụ sản xuất gia tăng thu nhập thông qua việc thành lập mới 41 nhóm tiết kiệm tín dụng thôn bản và củng cố 30 tổ nhóm hiện tại của phụ nữ.

-EMWE tập huấn cho các thành viên và đối tác dự án về biến đổi khí hậu (BĐKH) và làm việc với 426 phụ nữ DTTS vùng sâu vùng xa để xác nhận và áp dụng các mô hình sinh kế mới chống chịu BĐKH.

-EMWE giới thiệu với chính quyền các cấp mô hình về đối thoại giữa cộng đồng dân tộc thiểu số và HĐND, khiến họ sẵn sang lắng nghe các mối quan tâm và quan ngại của phụ nữ DTTS.

-EMWE hoàn thành phân tích giới có sự tham gia để xác định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và nam giới, chuẩn mực mang tính định kiến giới và làm việc với các cộng đồng để lập Kế hoạch hành động nhằm xóa bỏ các định kiến này.

-EMWE thu hút hơn 400 thành viên và đối tác của dự án tham gia đối thoại về bạo lực trên cơ sở giới với các thúc đẩy viên của các tổ nhóm phụ nữ đã thể hiện cam kết ngày càng mạnh mẽ về việc giải quyết vấn đề…

 

Thu Sương