Huyền Trân công chúa là con gái vua Trần Nhân Tông với Bảo Thánh hoàng hậu họ Trần, là em gái vua Trần Anh Tông. Bà sinh năm Đinh Hợi 1287. Là công chúa trong hoàng tộc xinh đẹp, dịu dàng nhưng một sự kiện ngoại giao của nhà Trần đã dẫn dắt cuộc đời bà qua khổ ải để cuối cùng phải đến với thiền môn.

cng-cha-huyn-trn-nh-minh-ha.jpg
Công chúa Huyền Trân (Ảnh minh họa).

 

Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông, năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông (1293 - 1314). Để chúc mừng vua Trần Anh Tông lên ngôi, vua Chiêm Thành khi đó tên là Chế Mân sai sứ sang chúc mừng. Tháng 3 năm Tân Sửu (1301), Thượng hoàng Trần Nhân Tông bây giờ đang tu hành ở Yên Tử đã thực hiện một chuyến viễn du đến Chiêm Thành. Tại đây, ông được vua Chiêm Thành là Chế Mân đón tiếp nồng hậu. Để thắt chặt mối quan hệ bang giao đang trên đà tốt đẹp, tránh cho dân Đại Việt khỏi những trận cướp phá của Chiêm Thành, vua đã hứa gả con gái là công chúa Huyền Trân cho Chế Mân.

Năm 1305, vua Chế Mân sai sứ là Chế Bồng Đài và hơn 100 người đem vàng, bạc, hương liệu quý, vật lạ đến làm lễ cầu hôn. Triều thần đều không bằng lòng, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Trần Khắc Chung tán thành. Không muốn làm hỏng tình hòa hiếu giữa hai nước, mặc cho những lời chê bai chỉ trích, vua Trần Anh Tông đã nhận lời gả em gái Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm với điều kiện Chế Mân dâng phần đất của hai châu Ô và châu Lý làm vật sính lễ. Chế Mân bằng lòng.

Tháng 6/1306, đoàn thuyền Chiêm Thành trang hoàng lộng lẫy ra Thăng Long làm lễ rước dâu. Huyền Trân gạt nước mắt xuống thuyền xuôi nam để trở thành hoàng hậu Chiêm Thành khi mới 19 tuổi. Và cũng từ đó, 2 châu Ô - Lý trở thành đất Thuận Hóa của Đại Việt.

Sính lễ hai châu ngàn thuở hưởng

Giai nhân muôn dặm một đời đau. (Thơ Ngô Thì Nhậm)

Có thể nói đây là một cuộc hôn nhân mang đậm màu sắc chính trị đã mang đến cho Đại Việt đất đai của hai châu Ô và châu Lý (năm 1307 được vua Trần Anh Tông đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu). Các huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị ngày nay) và huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay) thuộc Thuận Châu xưa. Các huyện Phú Lộc, Phú Vang (Thừa Thiên Huế) và Hòa Vang (Đà Nẵng), Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam) thuộc Hóa Châu xưa.

Về Chiêm Thành, Huyền Trân được phong làm hoàng hậu Paramecvari. Xinh đẹp lại hiểu biết, Huyền Trân được vua Chế Mân vô cùng yêu quý. Chưa đầy một năm bà sinh được con trai, đặt tên là Đa Da, lập tức được sách phong làm Thế tử. Tháng 5/1307, vua Chế Mân qua đời. Theo tục lệ Chiêm Thành, vua chết hoàng hậu phải lên giàn lửa chết theo. Tháng 9 sứ giả Chiêm Thành sang Đại Việt báo tin, vua Trần Anh Tông lo sợ cho tính mạng của em gái, lập tức sai Trần Khắc Chung đem thuyền sang lấy cớ viếng tang tìm cách đón bà cùng con trai về nước.

Khi sang nước Chiêm, Trần Khắc Chung đã nói với người Chiêm rằng “nếu công chúa hỏa táng thì không ai chủ trương làm việc chay, chi bằng hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn, đón linh hồn về, rồi công chúa sẽ lên giàn thiêu”. khi ra đến biển, Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp công chúa đưa về Đại Việt.

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có đọan chép như sau: Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với người Chiêm: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”.

Cuộc hành trình từ thành Chà Bàn về Thăng Long kéo dài 10 tháng, có ý kiến cho rằng hai người đã “tư thông” với nhau thì mới mất nhiều thời gian đến như vậy. Một sự việc quan trọng mà sử sách chỉ chép ngắn gọn đã gây ra bao sự hiểu nhầm đáng tiếc, cho rằng trong hơn 1 năm lênh đênh trên biển ấy Huyền Trân và Trần Khắc Chung đã có cơ hội tư thông với nhau. Câu chuyện ngoại tình của Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân theo thời gian đã được nhiều tờ báo và các sách vở đề cập chưa có hồi kết.

Mới 20 tuổi, hôn nhân đang dang dở, phải lìa xa đứa con trai vừa lọt lòng, tai tiếng vì chuyện tình với Trần Khắc Chung, và cuối cùng là việc Thượng hoàng Trần Nhân Tông qua đời năm 1308 đã làm Huyền Trân kiệt sức. Chỉ trong vòng 2 năm, những khổ đau dồn dập khiến bà hoang mang chán nản không còn thiết tha với cõi đời. Mùa xuân năm 1309, sau hơn một năm về lại Thăng Long, Huyền Trân công chúa bỏ hết lầu son gác tía theo cha quy y cửa Phật, làm bạn với câu kinh tiếng kệ tại núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) dưới sự chứng minh của Quốc sư Bảo Pháp và được ban pháp danh là Hương Tràng.

n-th-cng-cha-huyn-trn.JPG
Đền thờ Công Chúa Huyền Trân ở Thừa Thiên Huế.

 

Năm 1311 bà về lập am riêng dưới chân núi Hổ thuộc làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay là xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) để tu hành. Am này về sau được dựng thành chùa, tức chùa Nộn Sơn (Quảng Nghiêm tự ngày nay).

Năm 1340, bà bị bệnh rồi qua đời tại chùa Nộn Sơn, dân làng thương tiếc lập đền thờ bà bên cạnh chùa, bà được tôn gọi là Thần Mẫu.

Trong thời gian tu hành, bà đã giúp dân các vùng lân cận dựng làng lập ấp. Tương truyền bà đã lập ra 36 ngôi làng ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Vì vậy cho đến nay, bà vẫn là một trong ba vị Thành hoàng được thờ tại xã An Ninh (làng Dành – nay thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), bởi làng Dành chính là một trong những ngôi làng được bà góp sức dựng nên. Trải các triều đại bà được bao phong là Trung đẳng thần.

Đến thời Nguyễn, bà được sắc phong là Trai tĩnh Trung đẳng thần vì có nhiều linh ứng và có công trong việc giữ nước giúp dân, đền thờ bà được lập trên núi Ngũ Phong ở Huế.

le-hoi-huyen-tran.jpg
Lễ hội đền Huyền Trân công chúa được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 9 tháng 1 Âm lịch, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây, thành phố Huế.

 

Cuộc đời của Huyền Trân công chúa đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều thi sĩ văn nhân. Thơ văn vịnh viết về bà đời nào cũng có. Tại Huế đến nay còn lưu truyền khúc ca Nước non ngàn dặm nói về nỗi lòng của công chúa Huyền Trân khi giã từ Đại Việt về Chiêm, khúc ca được hát theo điệu Nam Bình buồn da diết:

Nước non ngàn dặm ra đi...

Mối tình chi!

Mượn màu son phấn

Đền nợ Ô, Ly.

Xót thay vì,

Đương độ xuân thì.

Số lao đao hay là nợ duyên gì?

Má hồng da tuyết,

Cũng như liều hoa tàn trăng khuyết,

Vàng lộn theo chì.

Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì.

Thấy chim lồng nhạn bay đi.

Tình lai láng,

Hướng dương hoa quì.

Dặn một lời Mân Quân:

Như chuyện mà như nguyện

Đặng vài phân,

Vì lợi cho dân,

Tình đem lại mà cân,

Đắng cay muôn phần.

Phụ nữ Việt Nam