Annie trên sân khấu. (Nguồn: Phong cách Đài Loan)
Theo Tạp chí Phong cách Đài Loan (Taiwan Panorama), mười năm trước, Annie đặt chân tới Đài Loan lần đầu tiên, trong một chuyến lưu diễn ở Chiayi. Tới nay, đã 29 tuổi, Annie vẫn tỏa sáng trên sân khấu, chỉ khác một điều là cô không còn biểu diễn với vai trò thành viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, mà là một hoa đán xinh đẹp, giữ vai trò cột trụ trong đoàn hát Ca tử hý Tân Mỹ Lệ được truyền lại từ ba đời.
Annie gia nhập Liên đoàn Xiếc Việt Nam từ năm lên mười, do phát âm tiếng Việt của từ "Ánh" giống từ "Annie," nên cô đã dùng luôn tên gọi này.
Năm 2005, tên gọi này theo chủ nhân của nó tới Đài Loan và đã được dùng cho tới nay. Bạn bè thân thuộc đã quen gọi cô là "Annie, Annie" và trước khi tới Đài Loan, tên gọi này cũng đã theo cô nhào lộn trên sân khấu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong nhiều năm.
Cuộc sống đoàn xiếc của người con xa nhà
Quê Annie ở Thanh Hóa. Ngày nọ, bố cô thấy chương trình quảng cáo tuyển người của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trên tivi, bèn bảo các con đăng ký tham gia. Chị cả của Annie vốn học giỏi song không có hứng thú với nghề xiếc, em trai còn bé không phù hợp điều kiện ứng tuyển, vì thế, chỉ có Annie, cô bé ham chơi, thích nhảy múa, tính tình hoạt bát mới có khả năng hoàn thành nguyện vọng của bố.
Qua ba vòng thi tuyển, cô bé Annie 10 tuổi thể hiện hết tài năng trong quá trình cạnh tranh kịch liệt, cô đã trúng tuyển và bắt đầu cuộc sống của một thành viên trong Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
"Uốn dẻo, kéo giãn cơ, giữ thăng bằng, đều phải học tất", Annie nói. Sự hiếu kỳ với cảnh phồn hoa chốn thành thị đã nhanh chóng được thay thế bởi nỗi vất vả trong quá trình tập luyện. Annie một mình tới thủ đô Hà Nội, chỉ có một người dì trong đoàn lo cho cuộc sống của cô, những ngày tháng khó khăn cũng không có bạn bè hay người thân để tâm sự. Năm đầu tiên mới vào đoàn xiếc, cô cứ khóc vì nhớ nhà.
Ngay lúc cô định bỏ cuộc thì có người rời đoàn, thiếu diễn viên nên đoàn xiếc đã yêu cầu Annie diễn thay. 11 tuổi, Annie đã đột phá thông lệ phải tập huấn 3 năm mới được biểu diễn chính thức của đoàn xiếc, trở thành diễn viên nhỏ tuổi nhất, theo các anh chị trong đoàn đi biểu diễn khắp nơi.
Đội mũ đạo cụ, vẽ mắt, Annie và chồng đang chuẩn bị cho vở diễn. (Nguồn: Phong cách Đài Loan)
Vượt trùng dương đến Đài Loan, bắt đầu hát Ca tử hý
Ánh đèn rực rỡ của sân khấu xiếc đã đưa Annie từ quê nhà lên Hà Nội, thấy được nét phồn hoa của đô thị, lại đưa đẩy cô bước vào một sân khấu cuộc đời mới khi từ Việt Nam sang Đài Loan.
Năm 2005, 19 tuổi, Annie theo đoàn xiếc đến diễn tại Thôn biểu diễn Yidu (Nghệ Đô) Chiayi trong suốt 1 năm. Diễn tạp kỹ, nhảy búng ngược, biểu diễn trên không..., những động tác biểu diễn kỹ thuật có độ khó cao, đều nhận được sự hoan hô của khán giả. Lúc đó Annie không hề biết rằng, ông Trương Kim Hồ, bố chồng tương lai đã ưng ý cô khi ngồi dưới hàng ghế khán giả, hy vọng tìm được người quen mai mối, giới thiệu cô cho con trai ông, anh Trương Phương Viễn.
Gia đình anh Trương Phương Viễn ba đời đều diễn Ca tử hý. Anh nghe nói bố muốn làm mai cho mình, khi đó anh vẫn rất trẻ và đang trong quân ngũ, từng tỏ thái độ bài xích với việc này. Đến khi gặp Annie, nhìn thấy sự đơn thuần và chịu khó của cô, anh quyết định theo đuổi cô một cách thật lòng. Cả hai đều cười ngất khi nhớ lại cảnh thời gian đầu mới quen, cứ phải dùng lẫn lộn tiếng Trung và tiếng Anh với vốn từ ít ỏi kèm theo ngôn ngữ cử chỉ mới hiểu được ý nhau.
Sau khi kết hôn sang Đài Loan, Annie bận bịu với việc thích nghi cuộc sống mới, chăm con gái mới sinh, trình độ tiếng Trung và tiếng Đài vẫn còn rất kém. Annie "cứ tưởng là chỉ cần làm mấy việc vặt trong đoàn, hay chỉ cần nhào lộn, diễn những vai nhỏ thôi" nhưng sau đó đoàn lại thiếu người, cô lại phải cố gắng tham gia vai diễn với vốn từ tiếng Trung ít ỏi của mình.
Nghĩ tới việc tiếng Đài của cô không được lưu loát, đạo diễn đoàn hát sắp xếp cho cô diễn những vai hề, phụ trách diễn những đoạn nối, giúp không khí sân khấu nhộn nhịp lên, có diễn sai lời cũng chẳng sao.
Chỉ có năm câu của lời diễn cũng đủ khiến Annie vất vả. Để chuẩn bị cho lần diễn xuất đầu tiên, Annie đã phải nhờ chồng dạy tiếng Đài cho mình, rồi dùng cách đánh vần tiếng Việt để làm ký hiệu cách phát âm từng câu từng chữ, "anh ấy đọc một câu, mình lặp lại một câu, cứ như con vẹt đang học nói vậy". Nhưng cũng vì chỉ cố học thuộc lời diễn, "mình vẫn cứ hồi hộp tới nỗi đầu óc trống rỗng, quên tất", Annie nói.
Nhưng, việc học lời diễn của Annie cũng ngày càng tiến bộ. Năm năm trước, diễn viên lâu năm đã nghỉ hưu của đoàn hát nhìn thấy tài nghệ tiềm năng của Annie, đã mời cô vào vai Nữ Oa trong một vở diễn.
Annie do dự, nhưng khi nghĩ tới những kinh nghiệm biểu diễn từng tích lũy được sau mỗi lần khắc phục khó khăn, cô đã nhận lời. Dù Annie từng có kinh nghiệm diễn xuất, lại khéo léo, dẻo dai và có sức thu hút khi đứng trên sân khấu, nhưng Ca tử hý phải đọc lời diễn, ngâm điệu khúc, càng không thể xem nhẹ những yêu cầu về phong thái và cử chỉ khi diễn trên sân khấu.
Điều khó khăn hơn nữa là thời gian diễn xuất không cố định, Annie phải học hết cả bài diễn chỉ trong vòng một tuần. Những người bên cạnh cô, chồng cô, đạo diễn, và những diễn viên lâu năm trong đoàn đều trở thành thầy của cô, "không rõ thì cứ hỏi", cô nói. Dù lần diễn vai chính đầu tiên được mọi người đánh giá tốt, nhưng tới lần diễn thứ hai, Annie lại quên tất những lời diễn mà khó khăn lắm mới học thuộc được hết.
Ngày xưa, do không hiểu ý nghĩa của lời hát, nên Annie chỉ có thể học thuộc lòng, không có được phản ứng nhanh nhạy khi diễn xuất. Nhưng giờ đây, tiếng Đài của cô đã rất lưu loát, khó khăn ngày xưa đã không còn là vấn đề và cô còn có thể cùng mọi người viết kịch bản, sáng tác lời hát.
Khi mới sang Đài Loan, Annie từng tạo không ít chuyện cười do không biết tiếng Đài. Cô đọc nhầm tên cháu của người bạn từ Baolu (Bảo Lục) thành douru (đậu nành) và cũng bởi không phân biệt được thanh sắc của tiếng Đài, cô từng khiến mọi người cười ngất khi đọc từ shengzhi (thánh chỉ) thành qiangzi (cây thương).
Những lúc hát sai lời, nếu khán giả không nhiều thì cũng chẳng sao, nhưng nếu khán đài hết chỗ, thể nào cũng bị khán giả cười chê hê hả. Annie nói: "Nghe người ta cười thì sao mà chẳng buồn, có khi giận quá chẳng muốn diễn nữa".
Cũng may là Annie sống xa nhà, tự lập từ bé nên đã được trang bị năng lực thích nghi trong mọi hoàn cảnh, dù gặp khó khăn, nhưng với tính tình hoạt bát, năng nổ, cô nhanh chóng lấy lại được tinh thần.
Chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành diễn viên hát Ca tử hý, Annie nói thật rằng, cuộc sống ở đoàn hát chẳng hề thoải mái. Diễn Ca tử hý ngoài trời cũng phải theo mùa, vào mùa đắt sô thì có khi phải diễn không ngừng nghỉ suốt cả tháng, giờ diễn cố định là vào giữa trưa và buổi tối, diễn xong thì cả đoàn lại phải thu dọn đạo cụ chạy sô tới điểm diễn tiếp theo.
Nếu may mắn được điểm diễn ở gần Chiayi, mọi người còn có thời gian về nhà, nhưng thường thì cả đoàn hát phải bắt xe đêm, chạy sô giữa các tỉnh thành để biểu diễn. Tới khi dựng xong sân khấu, có thể nghỉ ngơi thì cũng đã nửa đêm. Theo đoàn hát vào Nam ra Bắc, Annie đã được khán giả ở nhiều nơi biết đến, sau mỗi suất diễn lại được gửi tặng hàng loạt bao lì xì, hoa quả, thậm chí còn chỉ định cô phải biểu diễn.
"Người ta muốn nghe chất giọng Việt Nam của mình đấy", Annie nói.
Năm nay, cuộc sống ở Đài Loan của Annie sắp bước vào năm thứ 10. Những bức ảnh dán trên tấm kính bàn trang điểm sau cánh gà vẫn là ảnh con gái lúc sơ sinh nhưng nay cô bé ấy cũng đã bắt đầu bước lên sân khấu.
Nhớ lại năm xưa, khi Annie trình bày với bố về việc sẽ lấy chồng sang Đài Loan, vì thương con mà bố cô đã rất buồn. Nhưng thấy cuộc sống của Annie trong những năm gần đây, bố cô cũng đã yên tâm bởi "bố đã thấy cuộc sống hiện giờ của mình khá tốt", Annie nói.
Theo TTXVN