Tàn nhưng không phế

Khi chưa đầy 1 tuổi, cơn sốt ác tính đã làm đôi chân chị Ngô Thị Bích Huyền ngày càng teo đi, gầy yếu và khó cử động. Dù gia đình đã cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng chị vẫn không thể tự đứng và đi được. Kể từ đó, chiếc xe lăn đã trở thành người bạn đồng hành gắn bó với chị.

Lớn lên, chị Huyền ý thức được sự khiếm khuyết của mình so với những người khác. "Lúc đầu cũng mặc cảm, nhưng rồi nghĩ lại mình bị như vậy thì phải cố gắng để vượt lên, vô tư mà sống", chị Huyền tâm sự.

leftcenterrightdel
 Nỗ lực tự tạo nên hạnh phúc của Huyền: Cứ vô tư đi mà sống!
 

Nghị lực và hạnh phúc của cô gái khuyết tật - Ảnh 1.
 

Sớm phải nghỉ học, nhưng với ý chí "tàn nhưng không phế", chị Huyền đã xin cha mẹ cho đi học thêu, rồi học may trong gần 5 năm. "Lúc học may tôi 18 tuổi, phải đi bằng xe ôm. Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, tưởng đâu sẽ không học được, nhưng ba tôi đã chế ra dụng cụ giúp tôi có thể dùng tay thay chân, từ đó việc học thuận lợi hơn", chị Huyền nhớ lại thời gian khó khăn của mình.

Sau thời gian vừa học vừa làm, chị Huyền tích góp được một chút vốn và đầu tư mua máy may, máy vắt sổ về nhận may, sửa quần áo cho những người dân xung quanh. Chị cũng nhận sửa đồ miễn phí cho học sinh nghèo, người già neo đơn trong khu vực nhà mình thuê trọ, vừa hỗ trợ họ vừa rèn thêm tay nghề.

Sau khi đã cứng nghề, chị Huyền tìm đến các cửa hàng thời trang, bán quần áo tại các chợ nhận mẫu, vải về may gia công. Từ đó chị Huyền có thu nhập để tự trang trải cuộc sống.

Năm 2013, chị Huyền tình cờ quen anh Nguyễn Văn Cung (39 tuổi). Hai người thường xuyên trò chuyện, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống với nhau. Anh Cung ngày càng thêm thương mến cô gái trẻ dù đôi chân có khiếm khuyết nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời và đầy nghị lực sống. Sau khoảng một năm quen nhau, hai người nên duyên vợ chồng.

Nghị lực và hạnh phúc của cô gái khuyết tật - Ảnh 2.

Chị Huyền với những huy chương đạt được trong các hội thi văn hóa, thể thao

Hoàng Giáp

Chị Huyền tâm sự: "Chúng mình lúc đó tìm hiểu nhau rất nhiều. Khi anh ấy cầu hôn, nói muốn về chăm sóc cho mình thì mình vỡ òa hạnh phúc. Đến năm 2015 hai vợ chồng có em bé đầu, rồi năm 2019 có thêm bé nữa".

Đóng góp cho cộng đồng

Ngoài thời gian làm may tại nhà, chị Huyền thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao. Chị đã đoạt rất nhiều giải thưởng ở các hội thao, hội thi của người khuyết tật tỉnh Bình Phước.

"Là người khuyết tật thì mình phải cố gắng để vượt qua khiếm khuyết của bản thân, không tự ti, chán nản. Trong mọi việc, người bình thường cố gắng 1 thì mình phải cố gắng 10. Mình cũng tích cực tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ để có thêm nhiều bạn bè, thêm nhiều niềm vui. Mình muốn nhắn gửi những người có hoàn cảnh tương tự là không nên tự ti. Mình có hạnh phúc như bây giờ thì mọi người cũng có thể làm được", chị Huyền chia sẻ.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng chị Huyền cũng đã tham gia may hàng ngàn khẩu trang tặng người dân; cùng hỗ trợ các bếp nấu cơm phát cho lực lượng phòng chống dịch. Mới đây, chị Ngô Thị Bích Huyền vinh dự là một trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022".

Theo Thanh niên