Nữ anh hùng La Thị Tám

Chị La Thị Tám sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Lộc,huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Có lẽ vì sinh ra và lớn lên trong tiếng bom rơi đạn nổ cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nên con người ở đây đã luôn tỏ rõ ý chí và nghị lực sắt đá.

Năm 1967, chị Tám vào bộ đội (thuộc đơn vị chủ lực Đại đội 2 - Giao thông vận tải) đóng tại Đồng Lộc. Theo miêu tả của nhiều người, chị là một người con gái bé nhỏ nhưng lại đảm nhiệm một công việc nguy hiểm, ngày đêm đối diện với cái chết. Chị luôn đứng trên một quả đồi cao, phía trái của ngã ba Đồng Lộc vào những lúc máy bay Mỹ ném bom để đếm số lượng bom kẻ thù trút xuống.Chị phải nhìn thật tinh và hết sức tập trung xem có bao nhiêu quả đã rơi, bao nhiêu quả đã nổ, những quả chưa nổ thì rơi ở khu vực nào, để khi máy bay đi khỏi thì chạy đến cắm tiêu, chờ bộ đội công binh đến rà phá. Hiện lên giữa bom đạn mù trời là một người con gái dũng cảm, kiên trung, cái sống và cái chết thật mong manh mà miệng vẫn luôn nở nụ cười.

Đoàn xe nào đi qua khu vực này cũng được nghe kể về người con gái kiên trung ấy... Nhớ lại những ngày tháng gian khổ nhưng hào hùng ấy, chị Tám vẫn chỉ cười giản dị: “Nhiệm vụ là trên hết mà. Lúc đó, chúng tôi không có thời gian nghĩ về cái chết. Cả một thế hệ đều nghĩ rằng, nếu có mất mát, hy sinh, ấy là vì Tổ quốc!”.Chị Tám vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1969, khi mới 22 tuổi.Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo - người đã phải tốn khá nhiều phim cho “người mẫu” La Thị Tám, chậm rãi kể lại: “Phụ nữ bao giờ cũng đẹp. Nhưng có lẽ, trong chiến tranh, họ lại đẹp rạng ngời và trở thành niềm say mê trong cuộc đời cầm máy ảnh đi chiến trường của tôi.Có nhiều “người mẫu” đã lọt vào ống kính của tôi,nhưng La Thị Tám đã để lại trong tôi một ấn tượng không thể nào quên.Tôi dành ra một cuộn phim để chụp về cô gái ấy. Lúc đó là cuối năm 1967, Tám chưa phải là... Anh hùng. Cô ấy bé nhỏ như một... thiếu niên,vậy mà...”.

Những bức ảnh của nghệ sĩ Văn Bảo hồi đó được đăng nhiều lần trên các báo Nhân dân,Quân đội nhân dân, Tiền phong... Hình ảnh của chị La Thị Tám cũng xuất hiện trên báo Sự thật của Liên Xô (cũ) năm 1968 và nghệ sĩ Văn Bảo đã đoạt một giải Vàng tại cuộc thi ảnh do báo này tổ chức năm đó. Người con gái 20 tuổi mà bé nhỏ như một thiếu niên ấy, hằng ngày khoác tấm vải dù lên vai, tay cầm ống nhòm đứng vắt vẻo trên chiếc chòi dựng tạm bên sườn núi như chiếc chòi của một người canh rừng để làm nhiệm vụ trong 5 năm (1967 - 1972). Nghệ sĩ Văn Bảo hỏi chị Tám: “Có sợ không?”, thì chị cười nói: “Sợ gì. Nó ở bên kia bán cầu sang ném bom giết hại dân mình, thì mình phải đánh chứ!”.

Chiến tranh kết thúc, như nhiều cô gái từng phục vụ chiến trường trở về, chị Tám chuyển ngành, lập gia đình,sống một cuộc sống giản dị,đời thường. Có ai gợi lại chuyện về quá khứ, bao giờ chị cũng nói rằng: “Vinh quang, công lao đều thuộc về tập thể”. Năm 2003, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh tổ chức một chương trình ca nhạc mang tên Âm vang sông La,nhạc sĩ Doãn Nho mới có dịp về lại Hà Tĩnh và đến thăm gia đình riêng của chị La Thị Tám. “Người con gái sông La kiên cường” lúc ấy đã 56 tuổi. Chị vẫn giản dị như một cô thanh niên xung phong xưa.

Nhạc sĩ Doãn Nho

Hơn 30 năm đã qua đi, tác giả và nhân vật mới có dịp gặp nhau,cuộc hội ngộ là một kỷ niệm đẹp với cả hai người.Nhạc sĩ Doãn Nho nói với “nhân vật” của mình:“Chúng ta tự hào vì đã có mặt trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.Tự hào vì tuổi trẻ của chúng ta đẹp.Cả một thế hệ đẹp vô cùng.Thế mới thắng Mỹ được chứ!”.Sau buổi gặp gỡ ấy, nhạc sĩ Doãn Nho có tâm sự: “Ấn tượng đẹp về La Thị Tám: kiên cường, giản dị, chân thực, khiêm tốn... vẫn được giữ nguyên đúng như những tình cảm khi tôi viết Người con gái sông La cách đây hơn 30 năm...”.

Theo Baicadicungnamthang.net