Đưa cổng làng lên tà áo dài
Trong làng thời trang Việt Nam, Nghệ nhân Ưu tú Lan Hương nổi tiếng là người kĩ tính và cầu toàn. Với mỗi thiết kế, chị luôn thể hiện được phong cách riêng, tinh tế, đẳng cấp và đều ẩn ý sau đó câu chuyện về văn hóa Việt.
Còn nhớ, tại Festival Áo dài Hà Nội diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) năm 2016, công chúng Thủ đô và du khách tham quan đã rất ấn tượng khi chiêm ngưỡng bộ sưu tập áo dài chủ đề “Cổng làng” và “Tranh Đông Hồ” của nhà thiết kế Lan Hương.
Với thông điệp: “Hãy trân trọng những cổng làng trong phố/ Hãy giữ lấy hồn quê của Hà Nội hôm nay”, bộ sưu tập áo dài mang đậm dấu ấn một Hà Nội truyền thống trong nhịp sống hiện đại đã gói trọn tình yêu của nữ nghệ nhân Lan Hương với mảnh đất Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến. Với những ý tưởng sáng tạo độc đáo dựa trên những nét kiến trúc cổng làng, phố cổ Hà Nội còn hiện hữu, nhà thiết kế Lan Hương đã đưa lên tà áo dài những cổng làng trầm mặc như: cổng làng Thụy Khuê ở quận Tây Hồ, cổng làng Hàng Trống ở quận Hoàn Kiếm, cổng làng hoa Ngọc Hà ở quận Ba Đình, cổng làng cốm Vòng ở Cầu Giấy, cổng làng lụa Vạn Phúc ở Hà Đông hay những cổng làng ven đô…
“Thuyết minh” về những nét độc đáo của mỗi cổng làng cổ kính ở các làng trong phố của Hà Nội, nhà thiết kế Lan Hương lý giải, trên mảnh đất Hà Nội hiện vẫn còn giữ được hơn 100 cổng làng cổ. Có những cổng làng trong phố, có những cổng làng ven đô. Mỗi làng ở Hà Nội thường có một nghề riêng. Cổng làng mang những nét văn hóa gắn liền với nghề nghiệp của làng. Sau mỗi cổng làng là văn hóa, nếp nhà, lệ làng... Chính vì vậy, cổng làng là một biểu tượng của cộng đồng về quyền uy của làng. Nét đẹp văn hóa ấy thể hiện sự nền nếp của xã hội xưa… Hà Nội sẽ mang nét đẹp bí ẩn nếu còn giữ được những kiến trúc đình chùa, hay những cái cổng làng trong phố.
“Để chuyển tải được những nét đẹp văn hóa đó lên tà áo dài, mình đã bỏ ra rất nhiều thời gian để đi chụp ảnh, sưu tầm, nghiên cứu gốc tích văn hóa của những cổng làng. Sau đó đến làng lụa Vạn Phúc gặp các nghệ nhân để đặt dệt vải (vải đũi) và nhuộm màu theo ý tưởng của mình. Tiếp đến, công đoạn vẽ và thêu hoa văn cổng làng trên tà áo, mình phải nhờ đến những bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân làng thêu Quất Động. Chiếc áo dài được phối hợp cùng với bộ trang sức của làng nghề mỹ nghệ kim hoàn Định Công. Để hoàn thiện được bộ sưu tập áo dài “Cổng làng”, mình và nhóm nghệ sĩ phải thực hiện ròng rã suốt 6 tháng trời. Thực hiện công phu như vậy nên giá thành sản phẩm áo dài của mình cũng khá cao. Mình thiết kế áo dài để phục vụ một nhóm đối tượng riêng, chủ yếu là các ca sĩ, thí sinh tham gia các cuộc thi sắc đẹp và chính khách quốc tế” - nhà thiết kế Lan Hương chia sẻ.
Mỗi tà áo dài là một câu chuyện văn hóa
Không chỉ đưa nét văn hóa cổng làng lên tà áo dài, bằng sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú của người nghệ nhân vốn yêu văn hóa truyền thống như máu thịt, mỗi tà áo dài của nhà thiết kế Lan Hương là sự kết tinh các giá trị truyền thống cốt lõi, từ nét tài hoa của nghệ nhân, thợ thủ công các làng nghề, phố nghề đất Kinh kỳ xưa.
Kể về những kỷ niệm trong nghề, Lan Hương nhớ nhất là dấu mốc năm 2005, chị được tham gia Hội nghị ASEM 5. Với một người mới bước vào nghề, việc được tham gia, đưa những thiết kế của mình vào một chương trình quốc tế như vậy là niềm hạnh phúc của chị. Năm 2007, những chiếc áo dài của Lan Hương được tham gia Hội nghị APEC, nhiều phu nhân tổng thống các nước khi nhìn thấy chị đã trầm trồ khen áo dài Việt Nam và đặt hàng của chị.
Năm 2010, dịp Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, cặp đôi áo dài thêu đủ 1.000 rồng, phượng do chị thiết kế không chỉ được trưng bày phục vụ khách tham quan đến từ năm châu, bốn bể, mà còn được công nhận kỷ lục Việt Nam. Cặp áo dài kỷ lục đánh dấu bước tiến dài của nhà thiết kế Lan Hương, chị cũng là người đầu tiên đưa được áo dài Việt vào các bảo tàng danh tiếng như Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, Hoa Kỳ…
Mới đây, Nghệ nhân Ưu tú Lan Hương đã mở một “Không gian Áo dài Việt” tại 18 Âu Cơ, Hà Nội. Với không gian này, chị mong muốn mang lại cho du khách một cách nhìn cảm quan nhưng tổng thể về tà áo truyền thống của người phụ nữ Việt. Dựa trên nguồn tư liệu và hình ảnh xưa, tôn trọng và bảo tồn tính truyền thống, nghệ nhân Lan Hương phác họa thiết kế bằng cảm xúc, bay bổng trong nghệ thuật và ưu tiên sử dụng lụa tơ tằm truyền thống trong nước.
Với những đóng góp, sáng tạo không ngừng nghỉ, cuối năm 2020, nhà thiết kế Lan Hương đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.
Theo Biên phòng