Bà Nguyễn Thị Dần tỉ mẩn tách gạo sen để ướp trà.
Từ những gánh hàng hoa…
Bà Dần sinh ra và lớn lên ở Quảng An, tận hưởng gió hồ Tây mà trưởng thành, dựa vào những gánh hàng hoa để mưu sinh và đưa gia đình đi qua nhiều thăng trầm, đổi thay của lịch sử. Duy chỉ có nghề làm trà thì bà vẫn gắn bó từ bao nhiêu năm nay, từ khi còn là cô gái 20 tuổi, duyên dáng gánh hoa đi bán khắp phố phường Hà Nội cho đến thời điểm hiện tại khi đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm”, đôi mắt đã mờ, đôi chân đã mỏi.
Hơn 70 năm làm nghề, trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi, những người bạn cùng làm trà với bà giờ chẳng còn ai, nhưng mỗi mùa sen, bà đều tỉ mẩn làm trà cho những khách quen đã gắn bó với mình từ nhiều năm trước, như một tình yêu bền bỉ vượt qua thời gian, năm tháng. Có thể nói, bà Dần hiện là nghệ nhân cao tuổi nhất ở Tây Hồ còn gắn bó với nghề ướp hương hoa.
"Chỉ có sen trồng ở hồ Tây mới cho ra được loại trà ưng ý. Không biết có phải vì nguồn nước và chất bùn gì đặc biệt mà sen hồ Tây thơm hơn nhiều so với các loại sen trồng ở nơi khác. Ngày xưa, hồ Tây còn rộng, không bị thu hẹp và chia cắt như bây giờ, chỗ nào cũng bát ngát đầm sen, những người làm nghề ướp trà sen cũng dựa vào hồ Tây mà sống” - Bà Nguyễn Thị Dần
Thăm nhà bà dưới một con dốc nhỏ trên phố Tô Ngọc Vân, vừa bước vào cổng, tôi đã bị cuốn hút bởi hương sen thơm mát, dịu dàng và tinh tế. Mọi bụi bặm, ồn ào ngoài kia dường như biến mất, chỉ còn không gian thoang thoảng mùi sen. Trong không gian ấy, hình ảnh cụ già tóc bạc, mặc áo cánh giản dị, tỉ mẩn ngồi tách từng hạt gạo sen, xung quanh hồng rực những cánh sen trở nên vô cùng đẹp đẽ và thi vị.
Bà Dần bảo, bản thân bà cũng không biết nghề làm trà sen của những người dân sống ven hồ Tây có tự bao giờ, chỉ biết, từ khi còn trẻ, bà đã thấy mỗi mùa sen, các cụ trong làng đều tỉ mẩn lấy từng bông hoa sen, tách từng hạt gạo sen, trộn với một loại trà đặc biệt rồi đem ướp, sấy để cho ra một loại trà sen thơm nồng nàn, ngọt dịu nơi cổ họng.
Trong câu chuyện, dễ nhận thấy, bà yêu sen một cách kỳ lạ, thậm chí tình yêu ấy có đôi chút cực đoan. Bà Dần bảo: “Sen là một loài hoa kỳ diệu, chỉ cần nước vấy một chút bẩn, sen sẽ mất mùi hương hoặc lụi tàn. Các cụ ngày xưa kỹ tính, làm trà sen là cấm tiệt đàn bà, con gái đến tháng vì sợ mất mùi hương. Không những thế, phần nào của sen cũng dùng được. Cánh hoa, lá sen tách ra, tôi đều phơi khô, bán cho các nhà thuốc”.
Giữ phong vị phố xưa
Bà Dần bảo, người Quảng An làm trà cũng cầu kỳ, tinh tế như phong vị, cốt cách của người Hà Nội. Ví như, sen được hái từ sáng sớm, mọi công việc ướp trà phải hoàn thành trước buổi sáng vì thời điểm đó hương sen mới tỏa, mới đậm đà. Để làm được 1kg trà sen ngon thượng hạng, người ta hái những bông sen vừa chớm nở, chúm chím như nụ cười người con gái đương thì, sau đó tách nhị hoa (hay còn gọi là gạo sen) để ướp với loại trà đặc biệt nhất của Thái Nguyên.
Với người Quảng An, làm trà sen vì muốn lưu giữ nét văn hóa của người Hà Nội
Cứ mỗi kg chè cần đến 2 lạng gạo sen để ướp, mà muốn có được 2 lạng gạo sen thì phải cần khoảng… 1.000 bông sen. Rắc một lượt trà một lượt gạo sen, ướp rồi lại sấy than hoa hay sấy cách thủy, để hương sen ngấm sâu vào từng búp trà, các công đoạn ướp sấy cứ lặp đi lặp lại vài lần. Đây chính là lý do khiến trà sen hồ Tây được xếp vào loại trà đắt đỏ bậc nhất. Hiện, trà sen chính gốc làm là sen hồ Tây có giá trên dưới 10 triệu đồng/kg.
Không như nhiều nhà làm trà sen khác ở Tây Hồ, bà Dần vẫn giữ cho mình lối ướp trà thủ công từ mấy mươi năm trước. Đã nhiều năm nay, mỗi mùa bà chỉ làm được khoảng 5 - 6kg chè sen loại đặc biệt này vì sự cầu kỳ, tinh tế của nó và chỉ để dành cho khách quen.
“Mỗi nhà có một bí quyết, cách ướp trà khác nhau, riêng nhà tôi hoàn toàn ướp bằng thủ công, không thêm bất kỳ một loại hương liệu nào khác ngoài mùi hương tự nhiên của sen. Có lẽ vì vậy mà nhiều khách hàng đã bền bỉ dùng trà sen của nhà tôi qua bao nhiêu mùa hạ, từ khi tôi còn trẻ đến bây giờ. Cũng vì tấm lòng của những con người dành tình yêu đặc biệt cho trà sen hồ Tây mà tôi vẫn cố gắng làm nghề và đang truyền bí quyết cho con cháu”- bà Dần cho biết.
Cũng theo bà Dần, ngoài loại trà thượng hạng này, vài năm gần đây, người hồ Tây còn làm thêm “trà xổi”, là loại trà được ướp trực tiếp trong bông sen tươi. Cách làm loại trà này khá đơn giản, cho một nắm trà nhỏ vào bông sen mới nở, sau đó buộc lại, tiếp tục cắm bông hoa sen trong nước 2 ngày, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh 1 ngày rồi mới gói lá sen cho lên ngăn đá tủ lạnh để sử dụng dần.
Ưu điểm của loại trà này là có mức giá hợp lý, bạn chỉ cần bỏ ra từ 30.000 – 50.000 đồng là có được một bông sen ướp trà bên trong, khi pha trà bạn vẫn cảm nhận được hương sen hồ Tây ngát thơm mỗi lần đưa chén trà lên miệng.
Bà Dần tiết lộ bí quyết pha một ấm trà sen hồ Tây ngon là phải dùng ấm sứ hoặc ấm tử sa, sau khi bóc lớp cánh sen, lấy trà cho vào ấm, đun nước sôi già rồi để giảm nhiệt độ xuống còn 90 – 95 độ rồi từ từ chế nước vào ấm. “Uống trà sen không cần tráng trà vì sen là loài cây ưa sạch sẽ, chỉ mọc ở những nơi nước sạch, không ô nhiễm. Trà dùng để ướp cũng là loại đặc biệt, đảm bảo an toàn”- bà Dần tiết lộ.
Tuy nhiên, diện tích sen ở hồ Tây không còn nhiều, tạo áp lực không nhỏ cho những người làm trà sen. Bà Dần cho biết, bà phải đặt hàng riêng ở đầm từ nhiều tháng trước, để có đủ lượng sen ướp trà, người Quảng An phải mang giống sen hồ Tây đi trồng ở những vùng lân cận. “Chất lượng sen vẫn đảm bảo nhưng để đạt được hương vị thơm ngát mà dịu dàng, tinh tế như sen hồ Tây thì không”- bà Dần khẳng định.
Bây giờ, khi đã bước sang tuổi 93, sức khỏe không còn như xưa, bà Dần lại chia sẻ bí quyết cho con cháu. Dù vậy, vào mùa sen nở, bà vẫn ướp trà, cần mẫn, tinh tế và cầu kỳ như một nghệ thuật. Bà bảo, bà làm thế không chỉ để chiều lòng những vị khách từ ngày xưa cũ mà còn là để tinh hoa của đất trời hồ Tây mãi được lưu giữ trong những búp sen hồng.
Tôi nhẹ nhàng đưa chén trà lên miệng, một mùi hương thanh khiết, nhẹ nhàng như xâm chiếm toàn bộ tâm trí, nhấp một chén trà, vị ngọt lan dần xuống cổ họng, thấm đến từng giác quan. Lặng lẽ ngắm hình ảnh cụ già tóc bạc, hiền từ như bà tiên ngồi giữa những bó sen hồng rực rỡ, đôi tay tỉ mẩn tách từng hạt gạo sen, tôi có cảm giác thời gian như ngưng đọng.
Và tôi đã hiểu, với người Quảng An, làm trà không hẳn vì cuộc mưu sinh mà họ muốn lưu giữ một nét văn hóa tinh tế của người Hà Nội.
Theo Danviet.vn/ Dan tri.vn