Xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn là một trong những xã đảo cách xa đất liền với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Để con em xã đảo tiếp cận được con chữ ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương thì còn phải kể đến sự đóng góp của các thầy cô ngày đêm bám đảo dạy con chữ, trong đó có cô giáo Phạm Thị Nga.

van don

Cô giáo Phạm Thị Nga có 20 năm "gieo" con chữ tại xã đảo Bản Sen, Vân Đồn

Cô Nga là người con sinh ra và lớn lên tại xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn nên cô hiểu được những khó khăn thiếu thốn của các em học sinh ở đảo xa.

Cô Nga chia sẻ: “Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh em và lớn lên ở thôn Tân Lập - một trong những thôn nghèo nhất của đảo Quan Lạn, chính vì thế bố mẹ dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn cố gắng nuôi con cái ăn học. Không phụ lòng gia đình cùng với quyết tâm vượt đảo tìm con chữ cho nên sau khi học xong lớp 8 ở ngoài đảo đến lớp 9 tôi xa bố mẹ để vào đất liền theo học lên. Hoàn thành chương trình phổ thông, tôi tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Uông Bí (Quảng Ninh)”.

Tốt nghiệp ra trường cô Nga xin về đảo để dạy con chữ cho con em nơi đây.

“Năm 2002 sau khi học xong tôi về đảo công tác tại Trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Tân Lập, thời gian tiếp đó không còn trường nữa, gộp về Trường THCS Quan Lạn. Đến năm 2006 tôi nhận công tác xuống Trường PTCS Bản Sen nay là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Sen của xã Bản Sen. Ngày ngày tôi phải băng rừng theo đường mòn từ nhà hàng chục cây số để đến điểm trường, cứ thế bám đảo bám trường dạy con chữ”, Cô Nga chia sẻ thêm.

van don 2

Xã đảo Bản Sen là xã đảo biệt lập với đất liền, điều kiện kinh tế của các hộ gia đình chủ yếu phụ thuộc vào biển

Với tình yêu nghề, yêu con trẻ ở đảo cô Nga vẫn kiên định theo nghề giáo ở nơi đảo xa, cho dù điều kiện đi lại khó khăn, nhiều nguy hiểm.

Cô Nga tâm sự: “Một thời gian sau tôi xin ở lại khu tập thể nhà trường. Bao nhiêu năm dạy ở xã đảo vô cùng thiếu thốn mọi thứ, lúc đó xã đảo không có điện lưới, đêm tối thầy cô phải dùng đèn dầu để thắp sáng soạn giáo án. Mái trường cấp 4 xây dựng lâu cũng xập xệ, cơ sở vật chất thiếu thốn mọi thứ. Phương tiện đi lại khó khăn thêm vào đó đảo biệt lập với đất liền, thức ăn phải mua dự trữ nhiều tuần. Nhiều năm hạn hán kéo dài đảo không có nước ăn, các thầy cô phải đi xin nước nhà dân để về dùng”.

Thời gian gần đây xã đảo đã có điện lưới, cơ sở hạ tầng trường lớp cũng đã được xây dựng khang trang, tuy nhiên với đặc thù ở đảo xa điều kiện dạy và học của thầy, trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Sen vẫn còn nhiều thiếu thốn.

van don 1

Mái trường cô giáo Nga từng có 20 năm gắn bó, cả hai cấp chỉ có 139 học sinh theo học

“Phương tiện liên lạc với đất liền nhiều hôm cũng gặp trục trặc do thời tiết với địa hình. Bao nhiêu năm tôi dạy ngoài đảo là từng ấy năm hai người con cũng theo mẹ để ra đảo học con chữ tại chính ngôi trường mẹ dạy học. Vất vả nhất là đầu năm học, kiểm tra xem có em nào bỏ học hay nghỉ học giữa chừng lại tìm đến tận nhà để vận động các em tới lớp, những trường hợp các em sinh sống dưới biển cùng bố mẹ, các cô cũng phải tới động viên cả gia đình cho con em lên bờ theo học con chữ. Gần 20 năm bám đảo “gieo” con chữ cho biết bao thế hệ học sinh nơi đây, nhìn thấy các em trưởng thành vươn xa đảo đó cũng là niềm động viên duy nhất”, cô Nga tâm sự.

Đặc thù là xã đảo, dân cư sinh sống thưa thớt dọc tuyến đảo cho nên việc đi học của các em học sinh cũng gặp khó khăn, điểm trường xa cùng với đường sá đi lại vất vả. Hiện tại, cả 2 cấp là tiểu học và trung học cơ sở toàn xã chỉ có đúng 139 học sinh.

van don 3

Dân cư sinh sống trên xã đảo Bản Sen phân bố trải dọc tuyến đảo cho nên điều kiện đến trường của học sinh gặp không ít khó khăn

Cô giáo Nga cũng cho hay, xã đảo chỉ có hai cấp học, muốn học lên THPT các em phải sang xã đảo khác để học. Ở đảo không phải gia đình nào cũng khá giả để nuôi con cái ăn học nhưng sau khi các em hoàn thiện xong chương trình THCS, các cô giáo vẫn luôn động viên gia đình cho các em tiếp tục vươn ra đảo để theo học THPT từ đó các em sẽ có cơ hội vươn xa hơn.

Trao đổi về những đóp góp của cô giáo Nga đối với việc dạy và học ở điểm Trường THCS Bản Sen, lãnh đạo UBND xã Bản Sen cho biết, cô giáo là người bám đảo khá lâu năm. Trong những năm công tác tại trường, cô Nga nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, luôn luôn đề cao công việc, quan tâm đến hoàn cảnh từng em học sinh với đóng góp đó cô đã nhận được sự đánh giá cao của ngành giáo dục và chính quyền địa phương. 

Theo giadinhonline.vn