Chị Lê Kim Thủy, người mẹ của 19 trẻ
Trong số này, có 14 trẻ ở làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) và 5 trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện. Những đứa trẻ ở làng Hòa Bình đều có khiếm khuyết, còn 5 trẻ bị bỏ rơi đều là “hậu quả” của những ca có thai ngoài ý muốn, người sinh ra chúng còn rất trẻ, có người mới 17 tuổi.
Được biết, ban đầu phần lớn những trẻ bị bỏ rơi này đều có một số thông tin về người mẹ đã sinh ra chúng. Tuy nhiên, khi bệnh viện liên hệ thì cả số điện thoại và địa chỉ đều không đúng. Chính vì không tìm được tung tích của các bà mẹ này, nên việc làm giấy tờ tùy thân cho số trẻ nói trên gặp rất nhiều khó khăn.
Không có giấy tờ tùy thân, chúng không được đảm bảo đầy đủ quyền công dân, không được mua bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh miễn phí, giảm phí... mặc dù trong số này có nhiều trẻ bị bệnh nặng, từng phải điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau, tốn rất nhiều chi phí.
Theo các y bác sĩ, cả 14 trẻ ở làng Hòa Bình vừa được cấp giấy khai sinh, số định danh cá nhân này đều mắc các bệnh lý bẩm sinh như hội chứng Down, bại não, não úng thủy, tật đầu nhỏ bẩm sinh, cứng đa khớp tứ chi, sứt môi, dị dạng bộ phận sinh dục, không có chân tay… Trong đó, nhỏ tuổi nhất là em L.M.S (5 tuổi) bị hội chứng Apert (bệnh xương cứng sớm cục bộ) và lớn tuổi nhất là N.V.D (24 tuổi) bị cứng đa khớp tứ chi, cứng khớp hàm.
Được biết, từ trước đến giờ, toàn bộ chi phí ăn uống, sinh hoạt, thuốc men đều do Bệnh viện Từ Dũ đứng ra lo.
Chính vì thế, việc số trẻ này được cấp giấy khai sinh kèm số định danh (12 chữ số) chính là điều kiện tiên quyết để các con được đảm bảo quyền công dân, được khám chữa bệnh miễn phí, được hòa nhập cộng đồng…
Chị Lê Kim Thủy, người phụ nữ ngoài 40 tuổi, là nhân viên phòng hành chính quản trị của bệnh viện Từ Dũ. Đã từng có hơn 3 năm gắn bó với công việc làm thủ tục khai sinh cho trẻ sinh ra tại bệnh viện này, và bản thân cũng là một người vợ, người mẹ, chỉ Thủy thấu hiểu một cách sâu sắc những nỗi niềm của các bà mẹ, cũng như những thiệt thòi mà đứa trẻ khi sinh ra không có cha mẹ, bản thân lại mắc các căn bệnh nan y.
Chính vì thế, suốt những ngày qua, chị dốc toàn bộ sức lực, tranh thủ từng phút từng giây để cố gắng hoàn tất việc cấp giấy khai sinh cho 19 trẻ, càng sớm càng tốt. Chị như con thoi chạy đi chạy lại không biết bao nhiêu lần giữa bệnh viện với UBND phường mà không biết mệt mỏi. Bởi mọi chuyện rất khó khăn, khi lý lịch của những đứa trẻ này hoàn toàn là những con số 0 tròn trĩnh.
Một buổi sing hoạt của trẻ em ở làng Hòa Bình - bệnh viện Từ Dũ
Cho đến khi cầm 19 tờ giấy khai sinh cùng số định danh trên tay, niềm vui của chị cùng nhiều bác sĩ, nhân viên bệnh viện Từ Dũ như vỡ òa… Chị Thủy cho biết, chồng chị cũng chính là tài xế chở những đứa trẻ hoàn tất thủ tục về các nơi nuôi dưỡng.
Hiện tại, làng Hòa Bình của Bệnh viện Từ Dũ đang nuôi 42 trẻ em khuyết tật, không có người thân thích. Trong số này, chỉ có một số ít trẻ đã được cấp số chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh.
Chị Kim Thủy chia sẻ, kinh nghiệm từ công việc cho thấy, hầu hết những người mẹ bỏ con đều là những cô gái trẻ “lỡ dại”, và việc mang thai đều thường rơi vào các dịp Noel, Tết tây, ngày lễ tình nhân… nên số lượng những đứa trẻ bị bỏ lại thường tăng cao vào những tháng cuối năm. Những người mẹ bỏ con hầu hết đều còn rất trẻ, có trường hợp mẹ đứa trẻ mới 17 tuổi – tức sinh vào năm 2000!
VH