Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha là ông Võ Quang Nghiêm, một nhà nho đức độ và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên, xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Cha bà là một thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương đứng đầu một tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Kiên, mẹ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu)
Gia đình Đại tướng có 7 người con nhưng người anh cả và chị cả mất sớm. Năm người con còn lại, ngoài ông còn có 2 chị gái tên Diễm và Liên, người em trai Võ Thuần Nho và em gái út Võ Thị Lài. Sau này, 2 chị gái của ông cũng mất trước chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong lúc cụ Nghiêm bận rộn với công việc trong quan dinh tuần phủ tỉnh Quảng Bình thì mẹ ông, bà Nguyễn Thị Kiên phải đảm nhiệm thêm một phần công việc đồng áng ngoài công việc nội trợ của người phụ nữ trong gia đình.
Say mê quá khứ hào hùng của cha ông, bà Kiên lại có một trí nhớ tuyệt vời nên tuy không biết chữ nhưng bà có thể kể vanh vách, đọc thuộc lòng những bài thơ và những truyện rất nổi tiếng bằng văn vần Kim Vân Kiều, Nhị Độ mai, Tống Trân Cúc Hoa và nhiều truyện khác. Cũng như chồng, bà luôn nhớ cuộc đấu tranh chống Pháp và thường hay kể lại cho con cháu nghe về chuyện cha bà đã chiến đấu như thế nào chống lại bọn cướp nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Bà cụ thân sinh ra tôi nhớ như in những chuyện kháng chiến chống xâm lăng. Mỗi buổi tối dưới ánh đèn dầu, bà thường kể cho tôi nghe các vụ án rất tàn bạo quân Pháp xử các nghĩa quân Cần Vương trong đó có ông ngoại, ông nội tôi. Tuổi thơ tôi đã được tắm mình trong những tình cảm yêu nước sâu sắc ”. Vì vậy, ngay từ tấm bé, tinh thần yêu nước sục sôi và những tình cảm ấy không bao giờ xa rời ông.
Đại tướng cùng với bố mẹ, con gái Hồng Anh (áo trắng) và các cháu năm 1946. (Ảnh tư liệu)
Đại tướng giống mẹ như đúc, từ vóc dáng, gương mặt, đặc biệt đôi mắt sáng thông minh, vừa hồn nhiên, nhân hậu, hiền lành nhưng cương nghị.
Là một phụ nữ đảm đang, được sự giáo dục của gia đình nề nếp, từ ngày về làm dâu gia đình cụ Võ Quang Nguyên và bà Bùi Thị Gái (ông bà nội của Đại tướng), thời gian đầu, bà Kiên ngoài việc chăm sóc con cái, vừa chạy chợ, vừa làm việc đồng áng, vất vả quanh năm nuôi con ăn học. Về sau hai con gái đầu lớn lên thay mẹ chèo đò đi buôn vặt. Khi hai chị lập gia đình, Võ Nguyên Giáp và em Võ Thuần Nho đi học xa, bà sống với người con út Võ Thị Lài, mọi công việc trong gia đình một mình bà xoay xở.
Gia đình ông bà thuộc diện nghèo trong làng, ngày ba ngày tám phải vay nợ nặng lãi các nhà giàu nên trong ký ức của cậu bé Võ Nguyên Giáp vẫn còn nhớ những lần theo mẹ chèo thuyền, chở thóc đi trả nợ. Cậu nhớ nhất, dưới trời nắng chang chang, mẹ đội thóc chạy lên chạy xuống, còn cậu bụng đói meo phải ngồi dưới thuyền từ sáng đến trưa để giữ thóc.
Một ấn tượng không bao giờ phai mờ trong ký ức của Đại tướng, khi nghe mẹ kể chạy giặc Tây. Đó là lúc bà còn nhỏ, mỗi lần lũ Tây về làng càn quét, bà và người dì phải ngồi hai đầu quang thúng để người lớn quẩy đi tránh giặc.
Đêm đêm, ông còn được bà kể cho nghe bài vè “Thất thủ Kinh đô” rất phổ biến trong dân gian thời bấy giờ. Chuyện kể rằng khi Kinh đô Huế thất thủ, tướng quân Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Quảng Bình, ngự trên thượng đạo, hạ chiếu Cần vương, kêu gọi các sĩ phu và dân chúng đứng lên chống giặc Pháp, trong đó có ông ngoại của Võ Nguyên Giáp. Bài vè đã gieo vào lòng ông từ thuở ấu thơ và theo ông đi suốt cuộc đời.
Sau ngày đất nước được độc lập, bận trăm công nghìn việc, Võ Nguyên Giáp chưa có dịp về thăm cha mẹ, làng xóm quê hương, thì giặc Pháp gây hấn. Cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu.
Bức thư của mẹ Đại tướng nhờ cháu Hồng Anh viết gửi cho Đại tướng. (Ảnh tư liệu)
Cũng như bao gia đình Việt Nam khác, bà Kiên cùng các con và cháu nội Võ Hồng Anh tản cư lên chiến khu Bang Rợn (miền rừng núi Lệ Thủy).
Trong những ngày cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, từ chiến khu Lệ Thủy, bà gửi một lá thư (bà đọc cho con gái Đại tướng là Võ Hồng Anh viết) cho Đại tướng. Bức thư có đoạn: "Mẹ mong con được mạnh khỏe luôn luôn thì mẹ mừng lắm. Còn mẹ và Anh cũng thường, nhưng mà thua lúc ở nhà nhiều lắm, nhưng chuyện nhà nhiều chuyện đắng cay, của tiền không kể, nhưng nhứt là không biết Thầy có còn hay không thì mẹ buồn lắm. Mẹ mong sao cho gặp được hai con cho đỡ buồn…”.
Bà là một bà mẹ Việt Nam suốt đời chịu thương chịu khó, hi sinh cho sự nghiệp chồng con. Theo nguyện vọng của Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà, năm 1952, bà ra Việt Bắc. Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, bà cùng gia đình về Hà Nội sống với con cháu cho đến khi qua đời vào năm 1961.
Hương Nhung (tổng hợp)