Rẽ lối, theo đuổi giấc mơ kinh doanh phim trường 

Xem phim Nhà bà Nữ và Chị chị em em 2 ít ai nhận ra các bối cảnh phim hầu như chỉ diễn ra tại phim trường. 90% bối cảnh phim Nhà bà Nữ (hành lang chung cư, quán bà Nữ, hẻm) và 70% bối cảnh phim Chị chị em em 2 (đường phố Sài Gòn, hiệu may, dinh thự…) đều được dựng ở CineV Studio. Phim trường này cũng là nơi đoàn phim Đất rừng phương Nam dựng đại cảnh lớn thứ hai của phim: cảnh xử tử Võ Tòng ở chợ Vĩnh Châu.

Kiều Nhi - người phụ nữ “đứng sau” các bối cảnh của nhiều phim điện ảnh lớn
Kiều Nhi - người phụ nữ “đứng sau” các bối cảnh của nhiều phim điện ảnh lớn

 

Đoạn đường phố Huế trước năm 1975 hiện lên đầy ấn tượng trong phim Em và Trịnh cũng dựng tại phim trường CineV Studio. Sắp tới đây, đoàn làm phim Công tử Bạc Liêu cũng chọn CineV Studio làm điểm đến để phục dựng nhiều bối cảnh xưa. Ngoài các bộ phim điện ảnh lớn kể trên, phim trường CineV Studio còn đón rất nhiều đoàn phim truyền hình như Bệnh viện thần ái, Bếp trưởng tới, Cô nàng lấp lánh... với tỉ lệ 60 - 98% bối cảnh quay tại đây.

CineV Studio (TP Thủ Đức) là phim trường khép kín gần như đầu tiên ở TPHCM, không chỉ cung cấp mặt bằng để dựng bối cảnh theo ý muốn mà còn có bối cảnh dựng sẵn, đạo cụ, thiết bị, phục trang và hậu kỳ. Chủ nhân của CineV Studio là Kiều Nhi - người phụ nữ hiếm hoi theo đuổi giấc mơ phim trường và có hơn 5 năm “lên bờ xuống ruộng” với công việc này.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Đạo diễn, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, Kiều Nhi có công việc ổn định tại những đơn vị làm phim lớn như HK Film, Trí Việt, Galaxy. Hơn 10 năm ở vai trò sản xuất phim, cô nhận ra, muốn có môi trường làm phim chuyên nghiệp, phải có phim trường chuyên nghiệp. Kiều Nhi cho biết: “Ở Việt Nam, đoàn phim chỉ quay được 16 cảnh/ngày là tối đa, trong khi ở Hàn Quốc, nhờ có phim trường sẽ quay được 30 cảnh/ngày thậm chí 100 cảnh/ngày. Phim trường giúp đoàn phim chủ động nội dung ghi hình, tiết kiệm thời gian di chuyển, không bị ảnh hưởng yếu tố ngoại cảnh như tạp âm”. Nghĩ là làm, năm 2017 Kiều Nhi rời bỏ công việc với mức lương đáng mơ ước để theo đuổi giấc mơ kinh doanh phim trường. 

Cô bắt đầu với việc thuê căn nhà 3 lầu ở đường Phan Xích Long có tổng điện tích sử dụng 350m2 làm phim trường nội cảnh. Ở đây đã quay 133 tập sitcom cho phim Mỹ nhân vào bếp và 255 tập sitcom Bí mật quý ông. Sau 1 năm chạy ổn, Kiều Nhi mở rộng phim trường kết hợp nội - ngoại cảnh với diện tích 2.000m2, dựng sẵn cả chục set quay. Với kinh nghiệm của một người từng làm sản xuất và từng học thêm về tài chính, cuộc khởi đầu của Kiều Nhi trong giấc mơ làm phim trường diễn ra khá suôn sẻ, giúp cô tự tin mở rộng việc kinh doanh phim trường bằng cách thuê 3.000m2 đất tại vị trí phim trường CineV Studio hiện nay. Nhưng đời không đẹp như phim. Giấc mơ phim trường “hành” cô điêu đứng, lấy đi cả tiền bạc lẫn sức khỏe.

Mong ước một phim trường đúng nghĩa 

CineV Studio ra đời 2 năm sau phim trường đầu tiên ở Phan Xích Long. Với lợi thế diện tích lên đến 6ha, CineV Studio có thể đón 6 đoàn phim cùng lúc. Ở đây có cả 2 phim trường lớn khoảng 2.000m2 để quay các cảnh trong studio và gần 100 set quay khác nhau từ nội - ngoại cảnh như nhà phố, nhà xưa, nhà cấp bốn, nhà chung cư, phòng khách, bếp ăn, công viên, đường phố, góc phố, bệnh viện, trường học, nhà tù, đồn công an… Sau 2 tháng vận hành với doanh thu khả quan, dịch bệnh ập đến khiến bà chủ phim trường mất ăn mất ngủ. “Một thời gian dài tôi không nhắm mắt ngủ được vì thao thức nghĩ đến tiền trả nợ vay ngân hàng đầu tư cho phim trường, tiền lương cho anh em trong công ty. Hậu quả là mắt bị liệt cơ, không nhắm lại được, phải chạy chữa hơn 1 năm” - Kiều Nhi thổ lộ. Không chỉ vậy, cô còn phải bán nhà để có thể trụ lại với đam mê làm phim trường. 

Đại cảnh lớn thứ hai trong phim Đất rừng phương Nam dựng ở phim trường CineV Studio
Đại cảnh lớn thứ hai trong phim Đất rừng phương Nam dựng ở phim trường CineV Studio

Dù vậy, người phụ nữ 8X này chưa bao giờ muốn từ bỏ giấc mơ. “Phim trường đúng nghĩa phải vừa là nơi quay phim vừa khai thác du lịch. Ở Việt Nam chưa làm được vế thứ hai. Nhiều set quay đại cảnh, dựng tốn kém, phải dọn ngay sau khi quay hình để trả mặt bằng, rất tiếc. Nhiều đơn vị giáo dục đặt vấn đề khai thác tour giáo dục ngoại khóa, nhưng chúng tôi không thể đầu tư hạ tầng logistics tiện ích cho giáo dục, vì thời gian thuê đất có hạn” - Kiều Nhi tâm sự. 

Phim trường quy mô, chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn còn là giấc mơ xa vời bởi nhiều cái khó: đất cho thuê phim trường đa phần là đất tạm chờ khai thác dự án nên thời gian thuê không dài, dẫn đến khó đầu tư khai thác lâu và giá thuê lại quá cao. Dù vậy, những người kinh doanh phim trường như Kiều Nhi vẫn đang kiên trì với lựa chọn của mình, bằng tất cả sự đam mê.

Theo phụ nữ TPHCM