Caroline Vo (36 tuổi), lớn lên ở thành phố Boston (bang Massachusetts, Mỹ), từng nghĩ rằng đạt kết quả xuất sắc ở đại học và tìm một công việc tốt là con đường duy nhất của mình, theo CNBC.
“Cha mẹ tôi là người Việt Nam nhập cư. Từ lâu, tôi có một suy nghĩ đã ăn sâu vào đầu rằng tôi phải đi học chăm chỉ, đạt điểm cao, vào đại học, kiếm một công việc tốt, rồi khi đó sẽ tìm ra lối đi riêng cho mình”, cô nói.
|
Caroline Vo từng nắm giữ vị trí cấp cao ở nhiều công ty, tập đoàn trước khi nghỉ việc.
|
Vo học ngành quản trị kinh doanh, cụ thể là chuyên ngành tiếp thị và quản lý, tại Trường Kinh doanh Kogod của Đại học Mỹ (bang Washington). Sau khi tốt nghiệp, cô được nhận vào một công ty. Theo thời gian, những nỗ lực của Vo giúp cô dần thăng tiến lên vị trí có mức lương cao.
Tuy nhiên, dù trải qua nhiều vị trí công việc ở những công ty khác nhau, Vo vẫn cảm thấy bế tắc.
“Đó là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để tôi có thể hòa nhập. Tôi cảm giác mình không có tiếng nói riêng. Tôi duy trì trạng thái đó suốt 10 năm trước khi nghỉ việc”, cô chia sẻ.
Tháng 4/2018, Vo rời vị trí giám đốc cấp cao của một công ty truyền thông và chuyển đến thành phố Houston (bang Texas) với mong muốn thành lập công ty riêng. Nhưng trước hết, cô cần “tái khởi động” cuộc sống của mình bằng cách du lịch.
Tháng 5/2018, Vo đặt vé máy bay một chiều tới Việt Nam và dành 8 tháng tiếp theo ở khu vực Đông Nam Á. Cô đặt chân tới nhiều quốc gia khác nhau như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Singapore, Ấn Độ…
Trong thời gian ở Ấn Độ, Vo đã hoàn thành khóa đào tạo về yoga và được cấp chứng chỉ. Khi tới xứ Chùa Vàng, Vo tham gia một khóa thiền Vipassanā.
“Tôi học được cách thấu hiểu, trân trọng và yêu thương hơi thở của mình. Sau đó, tôi nghĩ mình sẽ áp dụng cách áp dụng nó vào thực hành yoga”.
|
Caroline Vo trong chuyến du lịch sông Mekong ở Việt Nam năm 2018.
|
Sau khi về Mỹ, Vo thành lập Omflow, một phòng tập yoga trực tuyến.
“Đây là khoản đầu tư cho chính tôi. Tôi đã dốc hết khoản tiết kiệm và tài khoản quỹ hưu trí cho tầm nhìn của mình, nhằm truyền cảm hứng nhiều chánh niệm hơn trên thế giới”, cô chia sẻ.
Thách thức lớn nhất của Vo là tìm kiếm và đào tạo giáo viên yoga. Omflow là nền tảng trực tuyến, nhưng cô muốn đảm bảo rằng các giáo viên có thể truyền tải chánh niệm qua màn hình.
“Hình thức online không đồng nghĩa sẽ thay thế kết nối giữa người với người. Thay vào đó, nó có thể tăng cường tương tác”.
Tháng 5/2019, Vo cho biết có hơn 4.000 lượt đăng ký tài khoản trên Omflow. Đến nay, nền tảng có hơn 400 người dùng thường xuyên. Học viên có thể chọn mua lẻ từng buổi tập hoặc đăng ký trọn gói cả tháng với giá 159 USD.
Ban đầu, Vo mong muốn phát triển Omflow càng lớn càng tốt, tương tự các nền tảng chăm sóc sức khỏe tại nhà khác. Tuy nhiên, cô không muốn tăng giá thành, gây cản trở đến trải nghiệm của người dùng.
“Rất nhiều người không thể chi 2.000-3.000 USD cho một thiết bị hỗ trợ tập luyện. Do đó, tôi muốn cung cấp cho họ một giải pháp khác, nơi họ vẫn có thể tham gia các buổi tập yoga chất lượng cao mà thuận tiện cho lịch trình riêng với mức giá phù hợp ngân sách”.
Theo Zing