Người phụ nữ Mường vượt khó, làm giàu từ 5 triệu đồng vốn vay
Cập nhật lúc 20:42, Thứ năm, 13/12/2018 (GMT+7)
Từng thuộc hộ nghèo sống trong căn nhà nứa lá ở bản Eng, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa), chị Trần Thị Thân đã mạnh dạn vay vốn, từng bước thực hiện mô hình trang trại đồi rừng. Chị trồng luồng lấy măng và trồng keo kết hợp chăn nuôi, phát triển tối đa hiệu quả kinh tế.
Chị Trần Thị Thân được trao giải thưởng “Doanh nhân vi mô tiêu biểu có ý tưởng sáng tạo Citi - Việt Nam 2018” với mô hình trang trại đồi rừng
Từ nỗ lực đó, chị vui mừng nhận được giải thưởng “Doanh nhân vi mô tiêu biểu có ý tưởng sáng tạo Citi - Việt Nam 2018” vào ngày 12/12 vừa qua. Câu chuyện thành công của chị là cả chặng đường vượt khó trên vùng đồi núi nghèo.
Sau khi chị kết hôn, bố mẹ cho vợ chồng chị Thân ở riêng vào năm 2000 với căn nhà lán được chôn bằng 4 cột luồng, quanh nhà được đan bằng nứa lá. Tài sản không có gì ngoài 0,5 sào ruộng được bố mẹ chồng chia cho.
Lang Chánh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ mưa bão. Hằng năm cứ vào mùa mưa bảo liên tục xảy ra lũ ống và lũ quét ảnh hưởng đến cuộc sống. Do đó, cuộc sống của gia đình chị vô cùng khó khăn.
Chị Thân bắt đầu tham gia vay vốn của chương trình tài chính vi mô của Tầm nhìn Thế giới từ năm 2013 với số tiền 5 triệu đồng để chăn nuôi lợn. Sau khi bán lứa lợn đầu tiên, với số tiền lãi thu được, chị tiếp tục tái đầu tư lứa lớn thứ 2. Sau 1 năm vay vốn, từ số tiền lãi thu được từ chăn nuôi lợn cộng với số tiền đi làm thuê, vợ chồng chị quyết định mua 1 con trâu kéo. Con trâu này đã mang lại thu nhập đều đặn hàng tháng cho gia đình chị bằng việc đi cày và kéo thuê cho các hộ trong thôn.
Sau khi trả hết vòng vay thứ nhất, vợ chồng chị tiếp tục vay lần 2 với 10 triệu đồng để mua phân bón cho cây mía. Khi thu hoạch 1 ha mía được 40 triệu đồng, chị đã dùng số tiền đó mua được 1 đồi luồng 2 ha. Việc mở rộng các hoạt đồng kinh doanh ngày càng thuận lợi. Tổng tài sản hiện có của gia đình chị là 1 ha mía, 2 ha luồng, 4 ha keo, 300 con gà, 20 con lợn và 10 con bò tương đương gần cả tỷ đồng. Đây không chỉ là nguồn lợi cho gia đình mà vợ chồng chị đã tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động.
Sinh ra và lớn lên ở miền núi, gia đình lại nghèo và ít được va chạm, chính vì vậy việc giao tiếp của chị ban đầu còn nhiều e ngại. Trong trao đổi thông tin cũng như đàm phán thương thảo hợp đồng mua bán cây con giống, chị còn nhiều bỡ ngỡ. Sau đó, chị quyết tâm gặp các cán bộ kỹ thuật để được tư vấn, hướng dẫn và dần quen mọi công việc. Từ một người trình độ học vấn thấp, chưa có kinh nghiệm về trồng keo và trồng rừng nhưng bằng sự ham học hỏi cũng như quyết tâm thoát nghèo, chị đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật. Chị Thân còn chú ý mua giống đảm bảo chất lượng, học hỏi kỹ thuật trồng cũng như cách trị bệnh cho cây.
Chị Thân còn nuôi bò kết hợp trồng luồng, keo
Nhờ trồng trọt đúng quy trình kỹ thuật, rừng luồng và rừng keo của chị luôn cho năng suất cao, chất lượng tốt. Đường kính bình quân của cây luồng trong các năm tăng từ 7,5 cm lên 8,25 cm, chiều dài hàng hóa tăng từ 7,7 m lên 8,05 m, hệ số sinh măng tăng từ 75% lên 96%. Nhờ đó mà các thương lái rất thích mua sản phẩm của gia đình chị. Các rừng luồng và rừng keo được chăm sóc đúng kỹ thuật nên cho ra sản phẩm luồng và keo đồng đều. Ngoài ra, để hỗ trợ các thương lái trong khâu vận chuyển luồng từ trong rừng ra xe, vợ chồng chị đã nghiên cứu thiết kế ra một ròng rọc nối từ rừng ra đường lớn để giúp thương lái dễ dàng trong khâu vận chuyển.
Chị từng bước đa dạng hóa sản phẩm, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ngoài trồng mía, trồng luồng và trồng keo, gia đình chị còn tận dụng diện tích rừng của mình thâm canh nuôi thêm bò, gà và lợn để tăng thu nhập tối đa trên diện tích đất canh tác hiện có. Chị đang chăn nuôi gà và bò theo phương pháp chăn nuôi sạch, không ăn cám, không sử dụng thuốc kháng sinh; cung cấp sản phẩm bò gà cho các nhà hàng trên thị trấn và các xã lân cận của huyện Lang Chánh như Quan Hóa, Quan Sơn, Như Thanh…