Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, những người tù chính trị từ Côn Đảo lần lượt được trở về đất liền. Ông Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư) được đón về Nam bộ hoạt động ở miền Tây, sau đó lên Sài Gòn - Chợ Lớn trực tiếp lãnh đạo kháng chiến với chức vụ Bí thư Thành ủy, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Lúc mới được tự do, ông cùng với Lê Văn Sỹ tham gia Ban tổ chức phân công tù chính trị về các địa phương để xây dựng chính quyền Cách mạng. Thời gian này, ông đã gặp người phụ nữ mà sau đó trở thành bạn đời của mình. Lần gặp gỡ đầu tiên ấy, đối với họ, trong tình cảm riêng tư mãi mãi là mùa xuân đầu tiên.
Người ấy là bà Ngô Thị Huệ, ít hơn ông Linh 4 tuổi. Từ năm 16 tuổi, bà ăn chay trường và phát tâm muốn vào chùa đi tu nhưng một ngày kia, người anh rể thứ 5 trong gia đình khuyên: “Em định đi tu, anh không ngăn cản. Nhưng em nghĩ coi, mình mong giải thoát ở nơi thanh tịnh trong lúc nhiều người dân đang đói khổ và cần có mình góp sức giải phóng đem lại cơm no áo ấm cho họ”. Đồng thời, ông đưa cho bà xem tài liệu bí mật. Dần dần bà giác ngộ Cách mạng.

Bà Huệ kể: “Bấy giờ gia đình tôi rất tin tưởng vào người trực tiếp chỉ đạo tôi là đồng chí Q.T.H và muốn tôi thành hôn với anh ấy để hai người gắn bó nhau trên con đường lý tưởng. Thật tình ở tuổi 19, tôi chưa nghĩ gì về tổ ấm riêng tư. Nhưng vì muốn cả nhà yên tâm nên tôi thuận làm lễ cưới với anh H. Chúng tôi hẹn hò nhau khi nào Cách mạng thành công thì mới chính thức đời sống vợ chồng. Vì vậy, đám cưới vào chiều hôm trước, đến sáng hôm sau, anh H. về Cần Thơ, ngày hôm sau nữa tôi về Vĩnh Long, hai nguời hai ngả. Tôi bị địch bắt lần thứ nhất, ngồi trong tù làm 4 câu thơ nhờ một cô bé giao liên (hiện nay còn sống) tìm cách trao cho anh H.:

Trót đã chung vui thờ lý tưởng,
Bao nài tử biệt với sinh ly.
Mưu cho nhơn loại đầy vui sống,
Hạnh phúc riêng chờ để một khi.
Anh H. cũng bị bắt sau Khởi nghĩa Nam Kỳ và bị thực dân Pháp kết án tử hình. Trước ngày ra trường bắn, anh đã làm 8 câu thơ gửi cho tôi, trong đó có câu:
Những tưởng sum vầy lo nhiệm vụ,
Nào hay sẻ nửa gánh tang bồng.

Nhắn bạn tình chung nên gắng sức,
Bền gan rửa sạch hận non sông…
Bài thơ được thêu bằng chỉ trắng trên chiếc khăn tay nhỏ màu trắng (chiếc khăn này hiện còn trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ với lời chú thích khác đôi chút). Tôi nhận được kỷ vật đó trong lúc đang ngồi tù lần thứ hai đợi ngày ra tòa. Người đem đến vẫn là cô bé giao liên mà tôi đã nhờ chuyển thơ cho anh H. Cầm chiếc khăn tay đó, tôi biết anh H. không còn trên cõi đời này”.
Năm 1946, bà Ngô Thị Huệ là một trong những nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. Sau khi ra Hà Nội dự họp, lúc trở về Sài Gòn thì người ra ga xe lửa đón bà là ông Nguyễn Văn Linh. Bà biết, ông tên thật là Nguyễn Văn Cúc. Từ năm 1929, ông đã tham gia Học sinh Đoàn do Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội lãnh đạo. Ngày 1/5/1930, khi rải truyền đơn chống đế quốc, ông bị giặc Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Sau khi ra tù năm 1936, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau này bà nhớ lại giây phút “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” như sau: “Tránh sự dòm ngó của bọn mật thám, tôi đi sau anh một khoảng cách khá xa. Về đến nhà chị Nam Bắc, cơ sở của Thành ủy, anh với tôi trao đổi chớp nhoáng vài việc và tôi đi ngay về khu căn cứ ở Đồng Tháp Mười. Qua những giây phút ban đầu, tôi đã thoáng nghĩ về anh: một người đồng chí chín chắn, trầm tĩnh, tự tin. Anh mặc chiếc quần sọc đen, áo sơ mi trắng, ngắn tay và hai vai đã sờn và có lẽ chiếc áo sờn vai đó đã đi vào lòng tôi. Còn anh, sau này mới biết, anh đã để ý tôi ngay từ buổi đầu gặp mặt và sau một thời gian anh đã viết thư ngỏ ý thương tôi”.
Do công tác, mãi đến năm 1947, họ mới có dịp gặp lại nhau. Năm đó, bà về Sài Gòn học Nghị quyết, nhận công tác Phụ vận và được bổ sung vào Thành ủy. Ngày nọ, trời nắng ấm, tại nhà của ông Ngô Liên, ông Nguyễn Văn Linh ngõ ý muốn gặp riêng bà. Đứng trên gác thượng, nhìn xuống đường phố với những cảnh tang thương của quần chúng lao khổ, bà buột miệng:
- Còn có những người như thế này, mình mới thoát ly gia đình đi làm Cách mạng.
Ông chậm rãi đáp:
- Đúng vậy! Lầm than, bất công phải được xóa bỏ. Chúng mình hy sinh, đấu tranh là nhằm giải phóng đất nước, đem lại công bằng, hạnh phúc cho dân.
ngo-thi-hue-nguyen-van-linh.jpg
50 năm là vợ chồng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và phu nhân Ngô Thị Huệ phải sống cảnh người Bắc, kẻ Nam trong một thời gian dài. Ảnh: Thư viện quốc gia
 
Chia sẻ với người mình yêu về mục tiêu mà suốt đời mình phấn đấu, bà Ngô Thị Huệ đã cảm nhận được ở đó sự đồng cảm sâu sắc. Còn ông Nguyễn Văn Linh, chọn lấy bà Ngô Thị Huệ vì ông đã nhìn thấy ở bà có được đạo đức của một người vợ. Sau này ông có cho biết quan niệm của mình: “Trong hôn nhân, yếu tố quan trọng nhất là đạo đức. Vì thế khi lựa chọn người bạn đời phải tìm hiểu thật kỹ càng, bởi đạo đức không phải là một tiêu chuẩn dễ thấy, dễ phát hiện”. Từ sự đồng cảm này, hai người quyết định tiến đến hôn nhân. Đó là ngày 23/5/1948, dịp Thành ủy họp Hội nghị mở rộng.
Bà Ngô Thị Huệ kể lại: “Anh Lê Văn Sỹ là bạn tù thân thiết của anh từ Côn Đảo sẽ đại diện Xứ ủy về dự Hội nghị và làm chủ hôn. Tiệc cưới được tổ chức tại nhà anh Biện Sinh, một đồng chí rất thân quen ở Gò Xoài (nay thuộc huyện Bình Chánh-TP.HCM), là một bữa cơm thân mật có mặt đông đủ các đồng chí về dự Hội Nghị và bà con đồng bào sống quanh nơi đóng cơ quan là những người góp sức góp công tổ chức “bữa tiệc”. Quà tặng của anh Sỹ mang về là 100 trái gòn khô để may áo cưới cho đôi tân hôn, nhưng vì không có vải sẵn, đành phải may sau”.
“Sau lễ cưới, chúng tôi đưa nhau về Rạch Chanh, ở đây có sẵn mấy căn nhà nhỏ vừa được dựng lên làm chỗ nghỉ ngơi cho đại biểu về dự Hội nghị. Tôi nhớ như in, đêm đó, mười bốn trăng tròn vành vạnh. Ánh trăng tràn qua cửa sổ vẽ thành những vệt sáng dài trên vách. Bên hè, theo từng cơn gió thoảng, những tàu lá chuối đong đưa xào xạc như múa nhảy chan hòa niềm hạnh phúc của hai chúng tôi. Gà đã gáy sáng mà câu chuyện tâm tình như chưa dứt được. Khi anh nhắc đến nỗi cơ cực của thời thơ ấu, chúng tôi đã không cầm được nước mắt. Trả lời câu tôi hỏi:
- Nghe nói người cộng sản không biết khóc mà?
Anh nói:
- Có chứ! Người cộng sản nếu khác người thường là ở chỗ biết lúc nào phải lau nước mắt”.
Sau ngày cưới, họ chỉ chung sống bên nhau vỏn vẹn 3 ngày rồi chia tay làm nhiệm vụ. Từ đây, bà biết rằng phải… tập sống xa chồng và phải nuôi con một mình! Bằng tình yêu và sự thủy chung, bà đã vượt qua những năm tháng xa cách và làm tròn nghĩa vụ của nguời vợ. Mãi đến khi miền Nam được giải phóng thì họ mới chung sống đoàn tụ. Có thể nói, bà Ngô Thị Huệ đã thật sự đem lại hạnh phúc gia đình và tạo cho ông sự thanh thản, yên tâm để làm tròn nhiệm vụ. Tình yêu ấy, với hai nhân vật nổi tiếng này mãi mãi là mùa xuân đầu tiên.

Bà Ngô Thị Huệ (cô Bảy Huệ) giác ngộ cách mạng từ năm 11 tuổi, vào Đảng năm 18 tuổi. Khi 22 tuổi, bà đã là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, tham gia lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23 tháng 11 năm 1940. Bà đã nhiều lần bị bắt và bị kết án tù chung thân khổ sai. Năm 1946, bà là một trong mười nữ đại biểu Quốc hội Khóa đầu tiên của nước Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Văn Linh - Hành trình cùng lịch sử - Nhiều tác giả - NXB Trẻ - 1999;
- Báo Thanh Niên số ra ngày 4/5/1997;
- Báo Phụ nữ TPHCM số ra ngày 20/8/1997.

Phụ nữ Việt Nam