leftcenterrightdel
Bức ảnh chị Ngô Minh Thủy mặc áo Kimono chụp cách đây hơn 20 năm vẫn được chị lưu giữ cẩn thận (Ảnh: NVCC). 

Lương duyên cùng Nhật

Chúng tôi gặp chị Ngô Minh Thủy vào một ngày cuối tháng 3/2023 tại trụ sở CLEF trên phố Doãn Kế Thiện, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Tủ sách trong phòng chị chứa đầy giáo trình dạy tiếng Nhật, sách văn học Nhật Bản... Chiếc kệ trang trí cũng rất nhiều đồ lưu niệm chị mang về từ Nhật.

Cầm cuốn sách "20 truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc" xuất bản song ngữ Việt - Nhật, chị Thủy hồ hởi khoe đây là tài liệu mà Viện phối hợp với Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản dịch và xuất bản. Các truyện được chọn là "Sự tích Hồ Gươm", "Cây tre trăm đốt", "Sự tích bánh chưng và bánh dày", "Mỵ Châu - Trọng Thủy"...

Chị kể: Nhà trường cử chị sang Nhật Bản học năm 1997 khi 32 tuổi. Chị học tiếng Nhật theo khóa học tập trung 6 tháng tại Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Sau đó vừa làm nghiên cứu vừa tiếp tục học tiếng Nhật rồi thạc sĩ.

Tết dương lịch năm 1998, trời rét đậm, một bác người Nhật sống cạnh ký túc xá là thành viên nhóm hỗ trợ lưu học sinh nước ngoài đã mời chị Thủy đến nhà ăn Tết. Bác nấu món mỳ trường thọ Osechi Ryori – món ăn truyền thống của Nhật, cho chị mặc thử Kimono và tập đàn Koto.

Trong số các cô giáo dạy chị có người hơn vài tuổi, thậm chí cô giáo phụ trách lớp chỉ bằng tuổi nhưng chị Thủy luôn cảm nhận được sự ân cần, quan tâm của các cô.

"Có lần cô giáo dạy ngữ pháp cầm đến một bịch váy áo và nói với chúng tôi: “Chỗ váy áo này có chiếc cô đã từng mặc, có chiếc chưa. Nếu không chê thì các em hãy chọn lấy bộ phù hợp”. Tôi chọn được chiếc váy màu hồng nhạt rất đẹp và 24 năm qua tôi vẫn giữ để làm kỷ niệm”, chị Thủy kể.

Sự nghiệp đậm đà chất… Nhật

Tháng 4/2001, về nước, chị Thủy được phân công về Bộ môn tiếng Nhật (lúc đó trực thuộc Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc). Từ đó đến nay chị tham gia xây dựng các chương trình đào tạo tiếng Nhật ở Việt Nam cho nhiều cấp ngành, nhiều chương trình.

leftcenterrightdel
Chị Ngô Minh Thủy (váy xanh) trong một lần cùng Đại sứ quán Nhật, Quỹ Japan Foundation đến tặng sách, đồ dùng học tập và dự giờ tiếng Nhật của học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Chu Văn An - Hà Nội vào năm 2019 (Ảnh: NVCC). 

Cùng với các đồng nghiệp, chị thực hiện chương trình dạy tiếng Nhật trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong nhiều năm.

Chị cũng là chủ biên kiêm đồng tác giả hơn 30 cuốn sách trong bộ sách giáo khoa tiếng Nhật dành cho học sinh tiểu học, THCS, THPT và là trưởng nhóm xây dựng nhiều chương trình tiếng Nhật cho hệ đào tạo đại học và sau đại học.

Đáng kể hơn là đề án đưa tiếng Nhật vào hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam mà chị tham gia ban điều hành, biên soạn chương trình và sách giáo khoa tiếng Nhật.

Chị kể: Từ lúc chỉ có một lớp học sinh (lớp 6) của Trường THCS Chu Văn An - Hà Nội năm 2004 thì đến năm 2018, số học sinh học tiếng Nhật tại Việt Nam là 26.239 học sinh THPT và THCS, 2.054 học sinh tiểu học.

PGS.TS Ngô Minh Thủy cũng tạo cơ hội học tập cho nhiều bạn trẻ khi kết nối hàng trăm suất học bổng du học tại Nhật Bản cho học sinh, sinh viên Việt Nam, cùng cơ hội tham dự các chương trình giao lưu văn hóa tại Nhật Bản cho giới trẻ Việt Nam.

PGS.TS Ngô Minh Thủy được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 3 lần được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và là một trong bốn người Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản vinh danh năm 2019.

Theo thoidai