Khi nhắc về các nhà khoa học, chúng ta lập tức nghĩ ngay đến hình ảnh những cụ ông tóc bạc phơ, gương mặt gầy guộc và trên tay là chiếc ống nghiệm, tiêu biểu như hình ảnh của Albert Einstein, Charles Darwin hay Thomas Edison. Theo thống kê của tổ chức UNESCO vào năm 2020, chỉ có 30% các nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới là phụ nữ. Rõ ràng, trong một lĩnh vực mà nam giới chiếm tỷ trọng rất lớn, thì các nhà khoa học nữ thường rất khó để khẳng định bản thân. Một phần vì họ có quá nhiều thứ để đánh đổi.

Theo GS. Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Mỹ) - người vừa trở về Việt Nam với tư cách là Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, con đường để trở nên danh tiếng của bà với tư cách là một nhà nữ khoa học đã có không ít chông gai và nhiều nước mắt. Tuy nhiên bằng sự quyết tâm và nỗ lực của bản thân, GS. Quyên đã đánh bại mọi định kiến về giới tính hay về xuất thân, để làm điều mà khiến ngay cả giới khoa học cũng phải ngước nhìn.

Nhà khoa học nữ người Việt bẻ cong định kiến, lọt top 1% thế giới - 1

GS. Nguyễn Thục Quyên (giữa) tham gia buổi Giao lưu của giải thưởng VinFuture ngày 18/1 (Ảnh: Hữu Nghị).

Từng bị chế nhạo vì nói tiếng Anh kém

Bà Nguyễn Thục Quyên sinh 1970 tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Sau năm 1975, cha đi cải tạo, anh chị em Quyên theo mẹ, một giáo viên dạy toán cấp 2, đi làm kinh tế mới để kiếm kế sinh nhai. Thời ấy để nấu một bữa cơm bà phải đi nhặt lá để nhóm bếp.

Năm 1991, bà có điều kiện theo gia đình sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Do ở Việt Nam, bà Quyên chỉ học trường làng, nên phương tiện thiếu thốn. Khi mới đến Mỹ vốn tiếng Anh của bà hầu như bằng không. "Khó khăn nhất là học tiếng, lúc ấy gia đình tôi đi đâu cũng phải nhờ người thông dịch", bà nhớ lại.

Vốn xuất thân là người châu Á, lại là nữ giới khi sinh ra trong gia đình 5 anh chị em, bà đã gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, kết bạn và bị khinh thường. Tháng 9/1993, bà xin học ở Đại học Santa Monica, nhưng do tiếng Anh không tốt, nên đã không được nhận học.

Những sự hiểu lầm trong giao tiếp hay việc bị đối xử bất công, khiếm nhã càng là động lực thôi thúc bà ráng cố gắng học để thay đổi cuộc đời. Thấy bố mẹ làm việc vất vả trong nhà hàng và ở hãng may, bà không cho phép bản thân thất bại. "Càng cực tôi càng phải cố gắng", bà kiên quyết.

Nhà khoa học nữ người Việt bẻ cong định kiến, lọt top 1% thế giới - 2

Sau khi năn nỉ xin nhà trường cho học thử một học kỳ, GS. Quyên khi ấy đã lao vào học cả ngày lẫn đêm tại trường. Trong những lúc khác, cô nữ sinh người Việt "cắm chốt" tại trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí cho sinh viên nghèo.

Sau một năm, khi vốn tiếng Anh đã được cải thiện rõ rệt, bà có được thành tựu đầu tiên trên đất Mỹ là được nhận vào học chính thức. Vừa đi học, bà vừa làm thêm trong thư viện của trường từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối tất cả các ngày trong tuần. Đời sống khó khăn, bà phải vay thêm tiền của chính phủ (Education Loan) để trang trải chi phí cho việc học.

Năm 1995, bà chuyển lên Đại học California, Los Angeles. Thời gian 2 năm cuối đại học, bà làm thêm ở phòng thí nghiệm sinh vật của trường và được giao công việc chính là... rửa cốc chén trong phòng thí nghiệm.

Thế nhưng quyết định này đóng vai trò là ngã rẽ, đã mở ra một trang mới trong cuộc đời của bà. Từng là người yêu thích văn học, lịch sử nhờ việc tiếp xúc với các nghiên cứu qua công việc, vị nữ giáo sư khi ấy mới chỉ 25 tuổi đã nhận ra đó là điều mình sẽ theo đuổi.

"Bẻ cong định kiến" để lọt top 1% thế giới

Năm 1997, sau khi Nguyễn Thục Quyên tốt nghiệp đại học, bà quyết định tiếp tục. Năm 1998, bà có thêm bằng cao học (thạc sĩ) ngành hóa học vật lý. Tháng 6/2001, bà nhận bằng Tiến sĩ cùng giải thưởng xuất sắc của phân ngành Lý- Hóa, được mời cộng tác nghiên cứu cùng hai giáo sư tên tuổi là Louis Brus và Colin Nuckolls, đồng thời được hợp tác với các nhà khoa học của IBM về công nghệ nano.

Trong buổi trao đổi mở với Dân trí, GS. Quyên đã bày tỏ những khó khăn khi làm một nhà khoa học, đó là luôn phải "có 2 công việc: giáo sư/khoa học và nội trợ. "Điều khó khăn nhất khi làm hai công việc này là tôi luôn thiếu ngủ, thường xuyên vội vã và không có nhiều thời gian cho bạn bè, bố mẹ và anh chị em. Tôi luôn phải cố gắng dung hòa thời gian cho công việc ở trường và ở nhà", bà chia sẻ.

Theo bà, nữ giới làm khoa học lại càng khó khăn hơn. "Tôi đối diện với những câu hỏi như vậy rất nhiều. Là phụ nữ làm khoa học, bạn phải làm việc chăm chỉ và tốt hơn rất nhiều để có được sự công nhận giống như các đồng nghiệp nam", bà khẳng định.

"Tôi thường nói với mọi người rằng tôi yêu thích những gì tôi làm và tôi tập trung vào công việc, cố gắng làm hết khả năng. Tôi để công việc và kết quả nghiên cứu của mình tự nói về bản thân", GS. Quyên nói.

Nhà khoa học nữ người Việt bẻ cong định kiến, lọt top 1% thế giới - 3

Helmut Schwarz, chủ tịch của Quỹ Alexander von Humboldt, trao tặng giải thưởng Nghiên cứu Humboldt cho GS. hóa học Nguyễn Thục Quyên năm 2016 (Ảnh: UCSB).

Trong sự nghiệp khoa học, GS. Nguyễn Thục Quyên đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Giải thưởng Nhà Nghiên Cứu Trẻ của Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (2005), Giải thưởng Quỹ Khoa học Quốc gia CAREER (2006), Giải thưởng Harold Plous (2007). Năm 2008, GS. Quyên nhận Giải thưởng Học giả - Giáo viên Camille Dreyfus, sau đó lần lượt là các giải Nghiên cứu viên Alfred Sloan năm (2009), Nghiên cứu viên Đổi mới và Năng lực Cạnh tranh Hoa Kỳ của Quỹ Khoa học Quốc gia 2010, Giải thưởng Nghiên cứu Cao cấp Alexander von Humboldt năm 2015, Nghiên cứu viên của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia năm 2016. Đặc biệt, GS. Quyên được bình chọn là Trí tuệ Khoa học có Ảnh hưởng nhất Thế giới năm 2015, 2016, 2017 và 2018.

Năm 2015, GS. Quyên được Thomson Reuters xếp tên trong danh sách những nhà khoa học gây ảnh hưởng nhất trên thế giới. Đến nay, bà đã có 4 năm liền vinh danh trong danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới (highly cited researchers - HCR).

Các nghiên cứu của bà xoay quanh tính chất điện tử của polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị.

Lý giải về chọn hướng nghiên cứu vật liệu mới cho ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, GS Quyên nói đó là bởi "suốt 16 năm thời thơ ấu lớn lên trong cảnh không có điện ở quê nhà". Bà cho hay mối quan tâm đặc biệt đến năng lượng mặt trời luôn ở trong tiềm thức hướng về quê hương.

Sứ mệnh mới với Giải thưởng VinFuture

Trong lần này trở về Việt Nam, GS. Quyên mang theo vô vàn cảm xúc, nhưng nổi bật hơn cả đó là niềm vinh dự và hãnh diện khi đất nước có giải thưởng khoa học lớn để khiến cộng đồng khoa học quốc tế có cách nhìn khác về con người Việt Nam.

"Với tư cách là một nhà khoa học tôi thấy rằng chúng ta đã có những phát kiến rất tuyệt vời trong lĩnh vực KHCN", GS. Quyên cho biết. "Là người đến từ Việt Nam, đến từ ngôi làng 16 năm trời không có điện, tôi thấy rằng những công nghệ ngoài kia có thể tác động trực tiếp đến những người nghèo, những người nông dân, công nhân". Theo bà, đó chính là giá trị khiến Giải thưởng VinFuture thật sự nổi bật và khác biệt, nhờ giá trị cốt lõi khi mang những phát kiến khoa học tiếp cận với người nghèo, với xã hội.

Nhà khoa học nữ người Việt bẻ cong định kiến, lọt top 1% thế giới - 4

GS. Nguyễn Thục Quyên - Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture cho rằng các bạn trẻ hãy cứ theo đuổi niềm đam mê, hãy vươn ra ngoài tìm những cơ hội của mình (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Bên cạnh đó, giải riêng dành cho các nhà khoa học nữ cũng là một nét nhân văn khác mà VinFuture mang đến, đã được rất nhiều sự ủng hộ từ giới khoa học quốc tế. Riêng đối với GS. Quyên, bà coi đây là sứ mệnh của bản thân - với tư cách là Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng, trong việc kết nối và làm nhiều hơn nữa để có thêm nhiều hồ sơ ứng cử từ những các nhà khoa học nữ và đến từ quốc gia đang phát triển.

"Lời khuyên của tôi dành cho các nhà khoa học trẻ, đó là hãy cứ theo đuổi niềm đam mê, hãy vươn ra ngoài tìm những cơ hội của mình. Hãy thử một lần, hai lần… chỉ vì bạn có thể. Tôi từng không nghĩ rằng mình sẽ làm khoa học, nhưng tôi đã thử và thấy thích", GS. Quyên cho biết. "Bên cạnh đó, hãy chủ động mở rộng hợp tác. Bạn biết không, chúng tôi đã từng nhận được rất nhiều hợp tác và mở lời từ các quốc gia nghèo đói, kém phát triển. Thế nhưng nếu họ không đến với chúng tôi, chúng tôi cũng không biết được rằng họ cần sự hợp tác".

Theo quan điểm của GS. Quyên, cái đẹp của khoa học bắt nguồn từ chính việc vượt ra khỏi vùng an toàn, để tự do và dũng cảm theo đuổi, bước vào vùng mới. "Nếu ta không gõ cửa, sẽ không có cảnh cửa nào mở ra cả. Không ai ngăn chúng ta ước mơ và vươn tới ước mơ ngoài chính chúng ta", bà chiêm nghiệm.

Theo dantri.com.vn