Kim Hòa không phải là cái tên hot với những buổi ra mắt sách đình đám, nhưng tác phẩm nào của Hòa cũng được đánh giá cao và đoạt nhiều giải thưởng văn chương. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng, tất cả bản thảo đều được Kim Hòa viết hoàn toàn bằng tay. Đôi bàn tay khuyết tật của Hòa không thể gõ được bàn phím…
Ngày nhận tin mình được Forbes Việt Nam vinh danh, là lúc Kim Hòa đang trong giờ dạy học. “Thật tình, lúc đó tôi còn chưa có khái niệm gì về danh sách Forbes, và cũng chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành người truyền cảm hứng. Tôi ít cập nhật tin tức, ngoài vài người bạn văn vốn quen biết chục năm nay, thế giới của tôi chỉ xoay quanh học trò và lớp học chưa đầy 20 mét vuông. Nghe tin, tôi khá bất ngờ rồi chuyển sang vui mừng. Không chỉ vì được vào “tầm ngắm” của Forbes, mà tôi biết nhiều bạn bè, người quen trong và ngoài giới văn chương vẫn luôn dõi theo mình, dù hơn một năm qua tôi ít sáng tác”- Kim Hòa chia sẻ.
|
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa và các tác phẩm đã xuất bản - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Một năm qua, Hòa tập trung dạy học và tham gia viết sách giáo khoa Tiếng Việt 2, bộ Chân trời sáng tạo - sách đang lấy ý kiến áp dụng vào chương trình mới trong năm nay. Một ngày của Kim Hòa thường bắt đầu với những thanh âm trong trẻo của bọn trẻ. “Chín tiếng đồng hồ một ngày, xoay tít mù quanh học trò. Chứng kiến một đứa trẻ, từ giai đoạn còn là cô, cậu bé ngộ nghĩnh với 1.001 câu hỏi “vì sao”, cho tới lúc chúng bắt đầu biết thể hiện cá tính, tôi có được niềm vui của người mẹ nhìn thấy con mình trưởng thành…” - Kim Hòa tâm sự.
Cô gắn bó với lớp học, với bọn trẻ miền quê như một người chị, người mẹ, người bạn của chúng. Hòa nói vui, suốt 15 năm dạy học, cô được “theo dấu trưởng thành” của hàng trăm đứa con. Và những câu chuyện từ lớp học, từ miền quê yên bình ấy cũng trở thành chất liệu, cảm hứng trong những sáng tác của Hòa.
Rời khỏi khung cửa lớp, cô giáo Hòa trở về với những trang viết của mình, làm bạn với những nhân vật, từ truyện thiếu nhi đến truyện lịch sử, từ những cuộc phiêu lưu qua các thể loại văn học đến những khát vọng được “viết nhiều hơn cho vùng đất mình, cho bọn nhỏ quê mình”. “Hơn mười năm gắn bó cùng chữ nghĩa, giờ đây tôi muốn được nhìn ngắm vẻ đẹp của văn chương từ một khoảng cách khác. Tôi tự thấy mình không đủ tài văn để xây dựng một thương hiệu riêng. Tôi chỉ viết cho chính tôi, cho những gì thân thuộc, gần gũi nhất”- Kim Hòa bộc bạch.
Một điều ai biết cũng không khỏi bất ngờ, Hòa viết hoàn toàn bằng tay trên vở học trò. Đôi tay Hòa bị khuyết tật, không thể gõ máy tính. Rất nhiều tác phẩm ra đời, nhưng Hòa nói, bây giờ đôi tay ấy đã thấm mệt, cô đang nghĩ đến việc nghiên cứu cách chuyển giọng nói thành văn bản. Và có thể cô sẽ sáng tác theo cách này…
“Tôi biết ơn may mắn và cả khó khăn của mình. Không có chúng, có lẽ tôi cũng không trở thành một nhà văn. Tôi luôn tin, trong bất hạnh vẫn tiềm tàng hạt mầm hạnh phúc. Không ai chọn được cho mình số phận, nên cứ sống tốt, sống vui với những điều mình có, cũng là cách truyền cảm hứng tốt nhất, ít ra cho chính mình” - Kim Hòa tâm sự.
Rất nhiều người trẻ - trong đó có những người cầm bút trẻ, chọn những đô thị lớn để lập nghiệp, khẳng định bản thân, thuận tiện cho việc ra mắt, giới thiệu tác phẩm mới… Nhưng kể từ những ngày đầu Tủ sách 8X (Tủ sách của Nhà xuất bản Văn Nghệ trước đây gầy dựng, tạo cơ hội cho người viết trẻ khẳng định tên tuổi) ra mắt năm 2011, đến giờ Kim Hòa vẫn cần mẫn với “cánh đồng chữ” của mình ở quê nhà Ninh Thuận.
“Tôi từng là người có “giấc mơ đô thị”. Với đứa nhỏ nhà nghèo, tỉnh lẻ, ánh sáng từ đô thị quá hấp dẫn, và tôi cũng đã từng có thời gian thử thách mình nơi ấy. Khi lựa chọn trở về quê và bắt đầu viết văn, trái tim tôi như thể vẫn treo ở vùng đất khác. Mảnh đất quê quá quen thuộc, quá nhỏ bé nên tôi chưa bao giờ muốn lắng nghe. Nhưng càng đi sâu hơn cùng văn chương, tôi càng nhận ra mình đã sai. Tiếng gọi từ lòng đất quê mới chính là tiếng gọi tôi có nghe cả đời vẫn chưa thấu hết được” - Kim Hòa bộc bạch.
Cô đã từng nghĩ mảnh đất Ninh Thuận quê mình quá nhỏ bé, nhưng nhờ gắn bó với văn chương, Hòa mới nhận ra rằng trên mảnh đất này, còn bao vỉa tầng văn hóa, lịch sử, bao số phận con người cô chưa từng chạm tới được. Và, mảnh đất nắng gió ấy đủ bao dung, để đứa con được trở về, mang đất và người quê hương vào trang viết.
Nguyễn Thị Kim Hòa đã có những tập truyện ngắn: Nho đắng, Cơn lũ vẫn chưa qua, Đỉnh khói, Cửa sổ phía Đông, Con chim phụng cuối cùng (truyện lịch sử), Sa mạc và những vệt nhớ (tạp văn)… các tác phẩm dành cho thiếu nhi: Hoàng tử Rơm, Tay chị tay em, Leng keng Noel, Cút cà cút kít… Hiện Hòa đang hoàn thiện bản thảo truyện thiếu nhi cho Nhà xuất bản Kim Đồng, câu chuyện về một vương quốc chỉ toàn trẻ con.
“Kế hoạch xa hơn, tôi muốn một lần nữa thử sức với đề tài lịch sử. Lần này, không gian truyện sẽ ở chính mảnh đất tôi đang sống. Như một lời cảm ơn đến nơi sinh ra, bảo bọc tôi. Nơi cỏ cây dạy tôi chân lý giản đơn của cuộc đời, rằng: Giữa cằn khô, khắc nghiệt, hoa xương rồng vẫn nở” - Kim Hòa chia sẻ.
Theo phunuonline.com.vn