Vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ
Khi ấy Quỳnh mới ngoài 40, đang độ tuổi căng tràn của một người đàn bà. Thơ Quỳnh là thơ của đàn bà, là một thế giới khám phá đủ đầy mọi ngóc ngách sâu kín nhất của những người đàn bà.
Thuở còn tuổi xanh, đọc thơ Quỳnh quả thực chưa thấm thía. Cái non dại của tuổi người, tuổi đời chỉ khiến tôi thấy thơ Quỳnh đẹp đẹp, thanh thanh, giản đơn. Nhưng khi bước vào tuổi 30, khi bước vào cõi đời với đầy những bi ai, thơ Quỳnh là nơi dựa dẫm, an ủi của tôi.
Đọc cả bài thơ của Quỳnh thì lặng người đi vì buồn, rồi tự nhiên đọc đến một câu nào đó, lại bật khóc, bởi thấy câu thơ ấy như viết cho mình. Ở bài thơ Hoa cúc, có câu thơ như vậy “Bao ngày tháng đi về trên mái tóc”. Mái tóc xanh biếc của người đàn bà khi còn thiếu nữ, rồi bao tháng năm trôi đi, mái tóc đã không còn xanh nữa, mái tóc trông xơ xác, mỏi mệt, hằn in gió lạnh sương đêm của thời gian.
Mái tóc dài vốn là điều “đàn bà” nhất của những người phụ nữ. Ở mái tóc ấy ghim đầy những nỗi niềm riêng mà có lẽ chỉ những người phụ nữ mới có thể cảm động chia sẻ cùng nhau.
Quỳnh yêu mái tóc, nên Quỳnh viết nhiều câu thơ về mái tóc rất hay. Ở bài Bàn tay em cũng có một câu thơ thổn thức: “Quá khứ dài là mái tóc em đen”
Một câu thơ thôi là gợi nên cả một vùng mênh mang xa thẳm của quá khứ, của tâm tư, với muôn vàn những phức cảm, ẩn ức của mỗi người đàn bà. Mái tóc ấy, có bao nhiêu người đàn ông từng để ý, trăn trở?
Mái tóc trong thơ Quỳnh, cũng như bàn tay, là “gia tài bé nhỏ” của Quỳnh, là 2 điều của bản thân cô quyến luyến nhất, nhưng bàn tay ấy, mái tóc ấy cô cùng khao khát được đem trao tặng cho người đàn ông cô yêu.
“Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau rền rau rệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ”
Những vết chai trên bàn tay chính là những dấu vết của tuổi thơ, của đời sống, là dấu vết của biết bao nhiêu vất vả, nhưng nâng niu trong đời.
Đôi bàn tay ấy, cô đem trao cho người yêu, cũng là nguyện mong trao cả cuộc đời:
Bàn tay em, gia tài bé nhỏ
Em trao anh cùng với cuộc đời em
(Bàn tay em)
Những dòng thơ giản dị như một lời thủ thỉ nhẹ nhàng nhưng lại thể hiện một nội tâm cuộn sóng cuồng nhiệt của một người đàn bà trong tình yêu. Thế giới tình yêu của Xuân Quỳnh là thế giới si mê, trọn vẹn, đậm sâu, nhưng thế giới ấy cũng ắp đầy những bao dung, dịu dàng, đơn sơ:
“Khuya rồi anh hãy ngủ đi
Để em trở dậy em che bớt đèn”
(Hát ru chồng những đêm khó ngủ)
Mái tóc, bàn tay, trái tim của người đàn bà cuồng nhiệt yêu ấy, lại được thể hiện tình yêu bằng những bình dị đời sống. Quỳnh không gào thét, không mong cầu một tình yêu “long trời lở đất”, “khắc cốt ghi tâm”. Quỳnh yêu bình dị, yêu như đời sống chảy trôi hàng ngày, trong những cơn chăm chút, lo lắng từng giấc ngủ, giấc ăn, giấc mặc. Cùng chia sẻ những đêm bão bùng. Cùng chung nhau những ngày hè nóng…
Tình yêu đúng như những dòng thơ Quỳnh viết trong khao khát:
“Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”
(Tự hát)
Đọc thơ Quỳnh, cảm thấy Quỳnh viết thơ thật dễ dàng. Từng dòng thơ cứ chảy ra tự nhiên trên trang giấy, như giãi bày một nỗi tâm hồn. Đọc thơ Quỳnh không thấy Quỳnh cầu kỳ cấu tứ, kỹ thuật. Thơ Quỳnh chỉ là thơ thôi. Thơ của một tâm hồn giàu có, rộng mở với cõi đời, cõi người, cõi tình.
Thơ Quỳnh thực dễ đọc, dễ cảm, dễ say nhưng để hiểu tầng sâu ý nghĩa, có lẽ cần rất nhiều thời gian, từng trải, và suy nghiệm. Thơ Quỳnh là tiếng tâm hồn riêng tư nhưng cũng là tiếng đời chung của biết bao người đàn bà, càng trưởng thành, tình cảm càng vùi thật sâu, càng sâu, càng nặng. Quỳnh thấu hiểu điều đó lắm, nên dẫn dụ được tất thảy những trái tim đàn bà như tôi.
Quỳnh đi rồi. Tháng 8 nụ hoa cúc vừa hé nở, mùa thu vừa chớm thôi mà Quỳnh đã đi rồi. Có lẽ đi về phía hoa cúc, đi về phía những cánh rừng vàng lá xôn xao. Ở đó, Quỳnh vĩnh viễn được “tay trong tay” với Vũ - người chồng yêu thương suốt đời của cô.
Dáng hình đàn bà dịu dàng, khoan dung của Quỳnh vẫn lấp lánh đầy trên từng trang thơ, bồi hồi trong từng trang thơ, và từng trang thơ ấy vẫn là cõi tình mãi mãi còn của Xuân Quỳnh.