Từ tò mò tới mê

Dưới cái nắng có chút oi bức, Thủy Tiên (sinh năm 1990) cặm cụi uốn nắn từng nét chữ. Chị bắt đầu công việc này từ ngày 5/1, khi không gian Tết Việt mở cửa chính thức trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM. Gian hàng của chị lúc nào cũng đông người ghé, vì được bài trí bắt mắt.

Bà đồ Thủy Tiên - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Bà đồ Thủy Tiên - Ảnh: Nguyễn Quang

Thủy Tiên hiện là nhân viên của một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm giải trí. Cuối năm, chị tranh thủ sắp xếp công việc, để kịp hòa vào không khí nhộn nhịp nơi này. “Tôi xem đây là thú vui ngày tết, để xóa bỏ những muộn phiền trong một năm làm việc” - Thủy Tiên nói.

Chị biết đến thư pháp cách đây vài năm, trong một dịp nhìn thấy các ông đồ ngồi cho chữ. Hình ảnh ấy khiến chị ấn tượng, tò mò, hứng thú, muốn theo học. Tuy nhiên, đến khi tốt nghiệp đại học, có điều kiện về thời gian, chị mới có thể theo đuổi. Khó nhất là cân chỉnh bố cục chữ.

Viết thư pháp có kỹ thuật, từ tư thế ngồi phải đúng, cho đến độ nghiêng của bút, lực tay để ra được nét chữ ưng ý. Có người mất vài tháng, nhưng có thể mất vài năm. Theo chị quan sát, số lượng nữ học thư pháp gần ngang bằng nam giới, nhưng nam thường có thể trở thành ông đồ nhiều hơn, nhờ lực tay khỏe hơn, giúp chữ trông cứng cáp, chắc chắn.

“Công việc này trông nhẹ nhàng, nhưng cần sức khỏe tốt, vì ngồi cả ngày, suy nghĩ, dùng lực tay liên tục. Chưa kể, chẳng hạn như tôi, bị dị ứng với mực, màu vẽ nên đầu ngón tay lúc nào cũng nứt nẻ, chảy máu. Bác sĩ khuyên tôi nên giảm bớt công việc này, nhưng mê quá tôi không bỏ được” - chị chia sẻ.

Cũng vì mê, Võ Thị Thành (20 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) chủ động tìm tài liệu, gia nhập các diễn đàn, hội nhóm chuyên về thư pháp để học khi còn là học sinh trung học tại Huế. Mỗi khi viết xong, Thành lại nhờ các tiền bối xem giúp. Học online khá khó khăn trong việc nắm bắt các kỹ thuật, đặc biệt các mẹo. Thành không nhớ từng viết và bỏ bao nhiêu lần vì chữ không đạt.

Vào TPHCM học đại học, Thành như cá gặp nước vì nơi đây các hội nhóm, lớp học về thư pháp rất phát triển. Mất thêm 2 năm học trực tiếp, Thành ra nghề, bắt đầu cho chữ. 

Công việc này có tạo ra thu nhập nhưng không quá nhiều. Chị Thủy Tiên cho biết cảm giác thích thú nhất là nhìn mọi người vui vẻ nhận được chữ họ mong muốn, bên trong gói ghém những mong ước tốt đẹp. Cũng vì niềm vui này, Võ Thị Thành chọn ở lại TPHCM để cho chữ, không về quê đón tết. 

Học, viết thư pháp rèn cho họ sự điềm tĩnh, bởi chỉ cần viết sai một nét cũng phải viết lại. Ngoài ra, môn này còn giúp tăng cường khả năng tập trung cao độ. Chỉ khi tâm thật tĩnh, người viết mới có thể cho ra chữ đẹp, có hồn. Thời gian đầu, chị Thủy Tiên hầu như không thể tập trung khi bày gian hàng ở nơi đông người. Tay chị thường run, nét chữ không vững. Mãi sau này, chị mới cân bằng được cảm xúc. “Viết chữ An mà tâm không tĩnh, người hiểu về chữ sẽ nhận ra ngay” - chị Thủy Tiên nói.

Mang thư pháp lên mạng 

Cẩm Nhung (27 tuổi), hiện là một “bà đồ” nổi tiếng ở phía Bắc. Nhung sở hữu kênh TikTok với hơn 260.000 người theo dõi. Từng theo học ngành thiết kế đồ họa, kinh doanh, nhưng sau này cô lại chọn viết thư pháp, vẽ tranh thủy mặc làm công việc chính.

Bà đồ Cẩm Nhung - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Bà đồ Cẩm Nhung - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều hoạt động bị ảnh hưởng. Cô không thể vừa đi du lịch, vừa vẽ tranh như trước. Thời điểm này, TikTok manh nha phát triển tại Việt Nam. Cô lập kênh, sau đó chia sẻ những video viết thư pháp, vẽ tranh thủy mặc. Cô tự quay, dựng, lồng tiếng cho các video. Thời gian đầu, kênh chưa được chú ý. Cuối năm 2020, một đoạn video vẽ tranh của Nhung bất ngờ được chú ý, lượng người theo dõi tăng liên tục đến nay.

Trong khi đó, Thủy Tiên lại lập kênh TikTok từ đợt dịch năm 2021, chuyên sản xuất các video về thư pháp, vẽ tranh kết hợp kể các câu chuyện lịch sử. Ban đầu, chị chỉ nghĩ việc này để khuây khỏa tinh thần. Nhưng những video của chị nhanh chóng được đón nhận, nhờ hướng sản xuất nội dung khác biệt. Hiện tại, kênh TikTok của Thủy Tiên có gần 1 triệu người theo dõi, còn kênh YouTube đạt gần 150.000.

Phần lớn người xem các kênh là công chúng trẻ. Chị Thủy Tiên nói từ tò mò, họ dần tìm hiểu, mong được học hỏi thêm về thư pháp. Kênh của Cẩm Nhung thì luôn hướng đến những nội dung nhẹ nhàng, văn minh, tránh gây sốc. Tinh thần này cũng phù hợp với nghệ thuật thư pháp. Nét chữ được Thủy Tiên giữ đúng tinh thần cổ điển nhưng với hình ảnh đi kèm nét vẽ hiện đại hơn, phù hợp với thị hiếu giới trẻ để dễ tiếp cận hơn.

“Nếu để giới trẻ kể tên một ca sĩ trẻ thì rất dễ, nhưng với nghệ thuật, văn hóa truyền thống chắc chắn khó hơn. Ngày trước, rất khó để thông tin lan tỏa nhanh, trên diện rộng. Nay nhờ mạng xã hội, việc này dễ dàng hơn. Nhờ đó, những nét văn hóa truyền thống cũng có cơ hội tiếp cận giới trẻ thuận tiện hơn, trong thời gian ngắn” - Cẩm Nhung chia sẻ.

Ngoài lan tỏa nét đẹp của thư pháp, mạng xã hội tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Hiện, ngoài khách hàng trong nước, thư pháp của bà đồ Cẩm Nhung đã mở rộng đến Mỹ, Úc… mang lại nguồn thu nhập tốt. Việc nhiều người vẫn thích, trân trọng giá trị của con chữ giúp Cẩm Nhung cố gắng, tin tưởng hơn về con đường của mình.

Theo phụ nữ TPHCM