Những "bóng hồng" của đại đội pháo phòng không 37 ly nữ dân quân thường trực luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, canh giữ vùng trời TP Đồng Hới 14 năm qua
Những "bóng hồng canh trời" là cách mà người dân Đồng Hới gọi những nữ pháo thủ của đại đội này.
Đại đội trưởng Lê Thị Hà Giang là người có thâm niên cao nhất của đại đội nữ pháo phòng không 37 ly. Giang mới 22 tuổi, nhưng đã có bốn năm gắn bó với đại đội.
Giang đã từng nghĩ đến rất nhiều con đường sau khi tốt nghiệp cấp ba, nhưng cơ duyên đã đưa Giang đến với đại đội pháo phòng không theo cách mà ngay cả chính cô cũng không hình dung ra được trước đó.
Nghe báo động là vào trận ngay
Đại đội trưởng Hà Giang làm nhiệm vụ xác định mục tiêu trên ụ pháo
Giang là chị cả trong một gia đình ba chị em. Bố mẹ Giang làm công nhân, không ai liên quan đến quân đội. Nhưng Giang đã chọn làm bạn với những khẩu pháo.
Đại đội pháo phòng không này là một đơn vị rất đặc biệt. Ngoài việc quân số toàn nữ thì quy cách hoạt động cũng khác lạ.
Tấm biển đặt ngoài đơn vị ghi rõ "Đại đội pháo phòng không 37 ly nữ dân quân" nhưng hoạt động của đơn vị không khác gì một đơn vị quân đội chính quy. Hai khẩu pháo và các nữ pháo thủ luôn phải túc trực sẵn sàng chiến đấu 24/24h, bất kể ngày thường hay ngày lễ, ngày nắng hay ngày mưa.
Các nữ pháo thủ ở đại đội đã có nhiều thay đổi nhân sự, nhưng điều chưa bao giờ thay đổi suốt 14 năm qua là tâm thế sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào.
Điều khiến Giang thấy "khó ngủ" nhất chính là những tiếng kẻng báo động ở góc sân trước đơn vị. Mới tháng trước, khi các thành viên đang ăn cơm tối thì tiếng kẻng báo động dồn dập vang lên. Cả đại đội ngay lập tức thả bát cơm chạy ra ụ pháo.
Chỉ hơn hai phút các nữ pháo thủ đã nạp xong đạn căng mắt hướng nòng pháo lên bầu trời. Rà mấy vòng xong mới biết đây là kẻng báo động được ban chỉ huy quân sự TP Đồng Hới chủ ý tạo ra để "đo" độ cảnh giác và khả năng tác chiến của các nữ pháo thủ.
"Đây là đơn vị trực chiến thường trực nên mọi thứ luôn đặt ở trạng thái 'động'. Chỉ cần nghe báo động là pháo thủ phải vào trận ngay, dù thời bình hay khi có chiến sự", đại úy Lê Văn Hùng - người được. Bban chỉ huy Quân sự TP Đồng Hới giao phụ trách quản lý đại đội nói.
Dù không phải thường xuyên, nhưng những tình huống báo động "bất thường" như thế là chuyện không còn lạ với các nữ pháo thủ. Đó cũng là cách các nữ pháo thủ rèn luyện khả năng chịu đựng gian khổ.
Giang kể ngày bình thường huấn luyện với khẩu pháo cũng ướt đẫm mồ hôi. Nhưng vào những tháng hè, việc thực hiện nhiệm vụ mỗi ngày mới thực sự là thách thức lớn.
Đơn vị đóng trên cồn cát trắng. Cái nắng gần 40 độ khiến mọi vị trí trên khẩu pháo đều nóng như lửa đốt. Nhưng khi đã ngồi lên mâm pháo, tất cả các nữ pháo thủ đều phải nắm chặt tay. Có khi rời ụ áo hai bàn tay nữ pháo thủ đỏ ửng vì nóng.
"Mấy chị em trong đại đội cũng hay chia sẻ với nhau rằng đã đi theo con đường binh nghiệp thì những tình huống có phần thử thách như thế phải quen dần. Trong thời chiến các pháo thủ phòng không còn gian nan nguy hiểm gấp trăm lần mà vẫn chịu được thì mình không có lý do gì không vượt qua được những khó khăn đó", Giang nói.
Khi không phải trực chiến, những nữ pháo thủ trẻ như một gia đình
Hi sinh và thiệt thòi
Giang là người chủ động viết đơn xin gia nhập đại đội pháo phòng không. Nhưng những ngày đầu cô gái này cũng phải vật lộn với cảm giác nhớ nhà da diết. Dù tất cả nữ pháo thủ đều có gia đình tại TP Đồng Hới, nhưng mỗi tháng họ thay nhau về, mỗi người cùng lắm hai, ba ngày. Đơn vị trở thành nhà của các nữ pháo thủ.
Bốn năm rèn luyện giúp Giang cứng cỏi và trở thành chỗ dựa tinh thần cho các đồng đội mới gia nhập. Mới vài tháng trước, hai cô gái Phạm Thị Bé và Phạm Thị Linh gia nhập đại đội nữ pháo phòng không và trở thành em út của cả đội khi vừa bước qua tuổi 18.
Trước đó, hàng chục nữ pháo thủ đã rời khỏi đại đội để trở về cuộc sống đời thường sau vài năm phục vụ. Người làm công nhân. Người học nghề. Người theo chồng. Cả Linh và Bé nói đều biết viễn cảnh đó, nhưng hai cô gái vẫn quyết định gia nhập đại đội.
Trung tá Phạm Xuân Hà - chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự TP Đồng Hới - nói dù là đơn vị thường trực 24/24h và hoạt động không khác gì quân đội chính quy, nhưng các thành viên trong đại đội vẫn đang được áp dụng chế độ của dân quân.
Đến năm ngoái, tức sau hơn 13 năm đại đội ra đời, Ban chỉ huy Quân sự TP Đồng Hới mới xin được chế độ bảo hiểm cho các thành viên đại đội. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều trung tá Hà lo nhất.
Những cô gái vào đại đội đều ở độ tuổi 18-25, là giai đoạn chuẩn bị nền tảng tương lai của mỗi người. Nhưng với những nữ pháo binh của đại đội, tương lai khá bất định.
Sau khi cống hiến đúng tiêu chuẩn tối đa 4 năm, một số thành viên trở lại cuộc sống đời thường và gần như phải bắt đầu lại mọi thứ. Một số vẫn có thể xin gia hạn vài năm nhưng rồi cũng đến lúc phải trở về xây dựng cuộc sống lâu dài.
"Biết rõ sự hi sinh và thiệt thòi đó nhưng hiện chưa có cách nào để hỗ trợ. Điều các nữ pháo thủ này cần chính là một lối đi cho tương lai mang tính bền vững sau khi rời đại đội", trung tá Hà chia sẻ.
Đại đội trưởng Hà Giang cũng cho biết mình đang phục vụ những ngày cuối cùng cho đơn vị sau 4 năm. Hỏi Giang đã tính được con đường tương lai chưa, Giang lắc đầu. "Có lẽ em sẽ kiếm một nghề chi đó để học, sau đó rồi tính tiếp", Giang chia sẻ.
Tiếp nối truyền thống
Ban chỉ huy Quân sự TP Đồng Hới cho biết Quảng Bình là một trong hai địa phương trong cả nước được thành lập đội nữ dân quân thường trực pháo phòng không, bên cạnh tỉnh Thái Bình. Và không phải ngẫu nhiên mà Quảng Bình có được điều hiếm hoi ấy.
Trung tá Phạm Hà nói đó là sự tiếp nối mang tính truyền thống và cũng chính là niềm tự hào của vùng đất này. Trong chiến tranh chống Mỹ, đội nữ pháo binh Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) đã ghi dấu ấn đậm nét với nhiều chiến công vang dội trong nhiệm vụ canh giữ vùng trời.
Đến khi hòa bình lập lại, hình ảnh của đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã được tái hiện lại ở đại đội dân quân thường trực pháo phòng không 37 ly ở TP Đồng Hới. "Đó là một trong những lý do để đại đội pháo phòng không toàn nữ này ra đời", trung tá Hà nói.
Theo Tuổi trẻ