Một buổi chiều mưa gió của 5 năm trước, đứng trên bến đò Thạnh An phía đất liền, cô giáo Nguyễn Thị Hà My (29 tuổi, quê Quảng Trị) đăm đăm nhìn về phía xã đảo Thạnh An mà nước mắt tuôn thành dòng. Cầm trên tay giấy chấp thuận về dạy lịch sử tại Trường THCS - THPT Thạnh An của Sở GD-ĐT TPHCM, cô chần chừ. Trên trời mưa trắng, dưới biển sóng gầm như báo trước một tương lai khó khăn. Khi ấy, cô Hà My chỉ mới 24 tuổi, đang làm công tác văn phòng tại 1 trường THPT ở quận Bình Thạnh. 

Ở đâu cũng là cô giáo

Trở về căn phòng nhỏ giữa nội thành sầm uất, bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu cô: “Trường bên kia thế nào, qua đó rồi làm sao về, mình có chịu nổi không?”... Nhưng rồi, cô đã quyết định trở lại xã đảo ngay ngày hôm sau. Trời hôm ấy dịu gió, con đò nhẹ nhàng cập bến. Đón cô là thầy hiệu trưởng với ánh mắt hiền từ.

Cô Trần Thị Hà My luôn mang đến nguồn năng lượng tích cực trong mỗi giờ lên lớp - Ảnh: T.T.
Cô Trần Thị Hà My luôn mang đến nguồn năng lượng tích cực trong mỗi giờ lên lớp - Ảnh: T.T.

Dạo một vòng quanh trường, trò chuyện với các giáo viên công tác từ nhiều năm trước, cô đã tìm thấy câu trả lời cho mình. “Nếu đã được đi dạy thì dạy ở đâu cũng là dạy học trò, ở đâu mình cũng là cô giáo. Mình còn trẻ nên không muốn từ bỏ cơ hội, các giáo viên khác làm được thì mình sẽ làm được” - cô nhớ lại. 

Thế nhưng, những ngày đầu sống ở xã đảo, cô Hà My gặp phải không ít vấn đề. Chất giọng Quảng Trị đặc trưng của cô làm học sinh khó nghe, phải mất cả năm mới làm quen được. Mỗi khi muốn in tài liệu cho học trò, cô phải gửi thông tin và nhờ bạn bè ở thành phố làm giúp, sau đó lên tận nơi lấy về. Cô còn phải thay đổi quan điểm giảng dạy. “Mình trẻ và mới về trường nên ấp ôm thực hiện nhiều thứ, như cho các em đi đến những địa danh lịch sử để học được nhiều hơn. Nhưng khi biết rằng việc các em đến được trường đã là điều ngoài mong đợi, mình không còn đặt nặng những chuyện này” - cô giải thích. 

Thay vào đó, cô triển khai những hình thức giảng dạy đơn giản nhưng vẫn thú vị. Như khi dạy về lịch sử văn minh thế giới, cô cho học sinh xem mô hình kim tự tháp, Vạn Lý Trường Thành… Khi học về chiến tranh thì cho các em vẽ tranh, xem phim, làm việc nhóm… để mở rộng góc nhìn. Em Nguyễn Lê Như Ý - nay là sinh viên năm nhất Trường cao đẳng Công Thương Việt Nam - bộc bạch: “Giờ học với cô My lớp em luôn sôi động, vui vẻ. Cô còn sẵn sàng cho em mượn laptop để học online, em thật sự rất quý mến cô”. 

Xã đảo Thạnh An giờ đây đã trở thành một phần cuộc sống của cô. Cô cảm động khi thấy nhiều học sinh nhà xa phải dậy từ 4 giờ sáng để đi học. Cô hạnh phúc khi ra đường, học sinh và phụ huynh đều tình cảm chào hỏi. Cô trân quý những món quà mộc mạc là cá, tôm, mực… từ các em. Dù đã là thạc sĩ, gặt hái được nhiều thành tích như nhiều năm liền là Nhà giáo trẻ tiêu biểu huyện Cần Giờ, bằng khen “Thanh niên tiên tiến Thành phố Hồ Chí Minh làm theo lời Bác năm 2022” của Thành đoàn TPHCM…, cô Hà My vẫn không ngừng phấn đấu, chọn cống hiến hết mình cho mảnh đất này. 

Tạo động lực cho đồng nghiệp khác

Chạy dọc theo đường bờ biển bằng xe máy, Trường tiểu học Thạnh An cách Trường THCS - THPT Thạnh An chừng 5 phút. Tại nơi này, 10 năm trước, cô giáo Đinh Thị Huyền Mơ (33 tuổi, quê Quảng Bình) đã có tiết dạy đầu tiên trong đời. “Tôi ra đảo ngay mùa mưa gió, con đò dập dìu giữa cơn sóng dữ, người phải căng lên để bám vào mạn đò. Tôi sợ chứ, tôi không hiểu vì sao mình lại đến dạy tại một nơi xa xôi như thế này. Trong tưởng tượng của tôi, Sài Gòn phải là một nơi sầm uất, nhiều nhà cửa” - cô kể lại.

Cô Đinh Thị Huyền Mơ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho học sinh của mình - Ảnh: T.T.
Cô Đinh Thị Huyền Mơ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho học sinh của mình - Ảnh: T.T.

Nhưng rồi khi đặt chân lên đảo, vào thăm lớp 2/1 đã khuyết giáo viên chủ nhiệm hơn 3 tháng trước, cô bỗng thấy chạnh lòng. Những đứa trẻ với đôi mắt long lanh, gương mặt đen nhẻm, quần áo bạc màu… mừng rỡ chào hỏi, quấn quýt lấy cô. “Tự nhiên mình cảm thấy yêu nghề, yêu những đứa trẻ ở đó vô cùng. Cứ thế, mình trở thành giáo viên chủ nhiệm của lớp, cố gắng dạy dỗ và chăm sóc các em” - cô nhớ lại.  

Sống ở khu tập thể của trường, cô Huyền Mơ phải đi bộ hơn 3km mới đến trường. Do ảnh hưởng của hơi muối, máy tính của cô thường xuyên hư hỏng. Mỗi lần như thế, cô phải thức tới 2, 3 giờ sáng để viết tay bài giảng cho ngày hôm sau. Nỗi vất vả càng chồng chất khi cô lập gia đình vào năm 2014 và có 2 con. Từ bỏ công việc lái xe ở thành phố để về Cần Giờ sống cùng vợ, chồng cô phải đi bán cá, bán bánh bao, bốc vác, phụ hồ… để cùng vợ trang trải tiền nhà trọ và nuôi con. Thấy hoàn cảnh này, nhà trường đã tạo điều kiện để chồng cô được vào bán trong căn tin từ đầu năm nay.

Mỗi ngày, cô Huyền Mơ luôn thức dậy vào lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị cho 2 con (8 tuổi và 5 tuổi) đến trường, phụ chồng bày biện hàng hóa sau đó dạy học liên tục đến buổi chiều. Sau khi phụ chồng dọn hàng, đón 2 con về đến nhà cũng đã hơn 19 giờ. Lại lao vào dọn dẹp, lo ăn uống và chuẩn bị bài vở đến khuya. Dù bận rộn, vất vả nhưng cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời bỏ những đứa học trò nhỏ của mình. Mỗi chiều tan tầm, cô luôn dành khoảng 1 giờ để dạy kèm cho những em chưa theo kịp chương trình. Vì cô biết rằng đa số học sinh ở đây đều có ba mẹ đi làm ăn xa hoặc ly hôn, phải sống với người thân khác nên cần được quan tâm, giúp đỡ thật nhiều. 

Ông Lê Hữu Bình - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An - chia sẻ: “Cô Huyền Mơ là người luôn hết lòng, tận tụy với học sinh của mình. Suốt 10 năm gắn bó, trải qua biết bao khó khăn nhưng cô chưa bao giờ than vãn hay lơ là công việc. Nguồn năng lượng tích cực của cô cũng đã tạo động lực cho những đồng nghiệp khác vượt khó, bám đảo bền bỉ hơn”.

Theo phụ nữ TPHCM