Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trình bày tham luận tại Đại hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 11/3, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 nghe các đại biểu trình bày tham luận tại Hội trường.
Những mô hình hay, cách làm sáng tạo với khát khao mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội và cộng đồng đã được các đại biểu chia sẻ tại Đại hội.
Phát huy vai trò của phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
Trình bày tham luận tại Đại hội, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nhấn mạnh tinh thần yêu chuộng và phấn đấu cho hòa bình dân tộc, thế giới luôn là trách nhiệm, khát vọng của mỗi người dân Việt Nam và thế giới.
Chia sẻ niềm vinh dự khi trở thành nữ sỹ quan đầu tiên tại Nam Sudan sau khi Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (năm 2014), Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga cho biết đến nay có 41 nữ quân nhân đã và đang tham gia lực lượng ở hai hình thức (cá nhân và đơn vị) tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, chiếm hơn 16%, cao hơn mức kỳ vọng của Liên hợp quốc đề ra là 15%.
Các nữ quân nhân của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở nhiều vị trí với, nhiệm vụ và vai trò khác nhau như Sỹ quan tham mưu; sỹ quan huấn luyện; quan sát viên quân sự; nhân viên y tế; bác sĩ quân y... Ở tất cả các vị trí, tiêu chuẩn đòi hỏi phải toàn diện, khắt khe: bản lĩnh chính trị vững vàng; kiến thức hoạt động quân sự và chuyên môn tốt; giỏi ngoại ngữ; sức khỏe bền bỉ, dẻo dai; có kỹ năng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt; có hiểu biết nhất định về chính trị, văn hóa, dân tộc, tôn giáo của các quốc gia sở tại và quốc gia cử quân tại phái bộ...
Với vai trò là sỹ quan tham mưu, thực hiện giám sát các hoạt động quân sự ở sở chỉ huy phái bộ, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin báo về trên toàn lãnh thổ Nam Sudan; đồng thời nhận định, đánh giá tình hình, báo cáo Sở chỉ huy; phối hợp với các đơn vị liên quan và giao nhiệm vụ cho đơn vị cấp dưới trong thời gian nhanh nhất, bất kể ngày đêm, nhất là khi có các tình huống bất ổn xảy ra. Thời gian làm việc thường xuyên kéo dài từ 14 đến 16 giờ liên tục, rất căng thẳng, phải ăn ngủ ngay tại phòng làm việc.
Tuy nhiên, những khó khăn, vất vả không làm nản lòng mong muốn phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu và lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ,” hình ảnh phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.
Các nữ quân nhân Mũ nồi xanh đã vượt qua mọi khó khăn, gian khó trong công việc, trong cuộc sống, noi gương các thế hệ đi trước với tấm lòng nhân hậu đã lan tỏa, trở thành cầu nối để người dân các nước sở tại hiểu thêm về đất nước, con người và phụ nữ Việt Nam Anh hùng. Những kết quả đó tiếp tục xây dựng hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
“Hình ảnh và hoạt động của các nữ chiến sỹ Mũ nồi xanh với sự gần gũi, thân thiện, trách nhiệm, sẻ chia với bạn bè, với người dân bản xứ như một thông điệp, cách tiếp cận mới trong tham gia hoạt động lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, góp phần lan tỏa phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng bạn bè quốc tế. Chúng tôi tự hào đã góp phần sức nhỏ bé của mình mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân bản địa. Thông qua công việc, chúng tôi muốn khẳng định rằng, phụ nữ Việt Nam luôn kế thừa, phát huy truyền thống từ các thế hệ đi trước để nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ,” Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga chia sẻ.
Để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong thời gian tới, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga đề nghị Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn cán bộ nữ trong và ngoài Quân đội, có đầy đủ phẩm chất, năng lực, sức khỏe tốt và nhập ngũ để sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đồng thời mạnh dạn giao cho phụ nữ những vị trí, công việc bình đẳng như nam giới để khẳng định trưởng thành, đóng góp nhiều hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ.
Theo Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, cần có cơ chế, chính sách quan tâm hơn nữa đến các nữ quân nhân làm nhiệm vụ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nhất là những nữ quân nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau khi về nước, để họ tiếp tục phát huy và cống hiến.
“Giáo dục là không giới hạn”
Trở về quê hương với ước mơ được đứng trên bục giảng, cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên trường Trung học phổ thông Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết nơi cô công tác có hơn 85% học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Những em học sinh ở Hương Cần còn nhiều thiệt thòi, nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chưa có nhiều cơ hội học tập và phát triển như các bạn cùng trang lứa ở thành phố.
Đại biểu Hội LHPN tỉnh Phú Thọ Hà Ánh Phượng trình bày tham luận. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Chia sẻ tại Đại hội, cô giáo Hà Ánh Phượng cho biết điều khiến cô trăn trở nhất là làm thế nào để “bất cứ học sinh nơi nào cũng có thể được hưởng những nền giáo dục tốt nhất,” “học sinh ở miền núi cũng có cơ hội học tập như học sinh ở thành phố” và “trên hành trình vươn tới tri thức không có một đứa trẻ nào bị bỏ lại sau.”
Với tâm niệm “Giáo dục là không giới hạn” và “Anh ngữ là sinh ngữ” vì thế cô giáo Hà Ánh Phượng đã tìm hiểu những phương pháp dạy học, giải pháp để thu hẹp những khoảng cách cho học sinh của mình so với đà phát triển chung của thế giới.
Cô Phượng đã tổ chức mô hình “Lớp học xuyên biên giới” nhằm kết nối lớp học của mình và lớp học của các nước trên thế giới qua các giờ học tiếng Anh. Ở đó, các em không chỉ có cơ hội được luyện tập nghe, nói, phát âm với các thầy, cô giáo và các bạn nước ngoài, mở mang kiến thức về văn hóa mà còn khơi dậy niềm say mê học ngoại ngữ, niềm khao khát được trở thành những công dân toàn cầu. Cô trò đã có dịp “du lịch không visa” trên 46 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới.
Bên cạnh đó, cô giáo Hà Ánh Phượng đã chia sẻ về những dự án quốc tế thông qua mô hình lớp học xuyên biên giới như “Nói không với ống hút nhựa,” dự án về môi trường, được nhiều trường học trên cả nước và thế giới hưởng ứng. Trong dự án này, học sinh có cơ hội kết hợp kiến thức liên môn để làm ra những chiếc ống hút bằng tre, nứa, sau đó chuyển miễn phí tới thầy cô, học sinh cũng như những quán nước gần trường. Cùng với đó là những cỗ máy cắt STEM tự chế tạo, những chuyến du lịch ảo tuyên truyền tới nhiều học sinh trên thế giới để tuyên truyền chống rác thải nhựa…
Không dừng lại ở đó, cô Hà Ánh Phượng còn tổ chức dự án “Phòng chống bạo lực trên không gian mạng” với mong muốn nâng cao nhận thức của học sinh Việt Nam trong việc an toàn khi sử dụng mạng. Dự án đã lan tỏa đến được 43 trường học trên cả nước và 21 quốc gia trên thế giới. Dự án “Thư viện hạnh phúc” để các em học sinh có thêm nguồn sách ngoại văn miễn phí trong việc học tập và tìm kiếm tri thức. “Việc chia sẻ những kiến thức chuyên môn, bài giảng về ứng dụng công nghệ thông tin tới đồng nghiệp chính là việc làm thiết thực để xây dựng xã hội học tập tốt hơn và có thể giúp đỡ được nhiều em học sinh tốt hơn,” cô Hà Ánh Phượng chia sẻ.
Chia sẻ niềm vinh dự khi nhận được các giải thưởng khác nhau, cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ trong thời gian tới, trên cương vị là một giáo viên, một người phụ nữ, một người trẻ tuổi dân tộc ít người và một đại biểu Quốc hội, cô sẽ cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa với mong muốn mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội và cộng đồng.
Đồng thời, cô giáo trẻ cũng mong muốn tiếp tục đẩy mạnh các dự án gắn liền với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và các dự án hướng tới việc bảo tồn văn hóa dân tộc, an toàn trên không gian mạng cho thanh thiếu niên và hoàn thiện các phẩm chất, kỹ năng cần có của một người phụ nữ hiện đại thế kỷ XXI.
Theo Vietnamplus