Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Quyết định bổ nhiệm Đại sứ cho bà Đoàn Thị Xuân Hiền     Ảnh: Nguyễn Khang

Học không ngừng

“Chị em phụ nữ đừng tự ti rằng mình không làm được những điều như nam giới. Điều quan trọng là chúng ta có quyết tâm thực hiện điều đó hay không? Bản thân mỗi người phụ nữ cần không ngừng phấn đấu”. Đó là đúc kết của chị Xuân Hiền sau hành trình nỗ lực vượt qua gian khó, nhọc nhằn nơi miền quê nghèo thuở ấu thơ. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình quân nhân người dân tộc Tày, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Năm chị mới 2 tuổi rưỡi, cha của chị sang chiến trường Lào, mẹ bồng bế các con về quê ở Lạng Sơn để tiếp tục sinh sống. Tuổi thơ của chị lớn lên trong thời kỳ gian khó nhất của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Theo mẹ đi sơ tán vào rừng, chị lớn lên giữa đại ngàn, gần gũi với thiên nhiên. Chị tâm sự: “Hồi bé, khi tham gia các trò chơi, tôi luôn bị các bạn nam chế nhạo không cho chơi cùng. Chính điều đó đã tác động đến tôi. Tôi tự hỏi tại sao tôi không được tham gia những trò chơi đó. Trong môi trường học tập từ bé đến lớn, tôi quyết tâm vượt qua mọi trở lực, khẳng định vị thế của mình”.

Tốt nghiệp phổ thông, chị vào học trường dự bị đại học dân tộc Trung ương, sau đó học Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Chị thích học tiếng Nga nên phấn đấu sang Liên Xô (nay là Liên bang Nga) học chuyển tiếp. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị về dạy tiếng Nga tại trường cấp 3 của thị xã Lạng Sơn. 5 năm làm cô giáo tiếng Nga cũng là giai đoạn khó khăn khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, tiếng Nga mất chỗ đứng, không còn nhiều người theo học. Nhiều lần chị đã định bỏ việc để buôn bán, kiếm tiền nuôi con nhỏ nhưng nghĩ lại, tiếc công cha mẹ nuôi ăn học, chị lại cố gắng. Khi tỉnh Lạng Sơn có chính sách cho các giáo viên tiếng Nga đi học tiếng Anh, chị thuyết phục chồng con để khăn gói đi học tại Hà Nội.

Tốt nghiệp văn bằng hai tiếng Anh, chị được Sở Giáo dục tỉnh Lạng Sơn chọn về trường Cao đẳng sư phạm của tỉnh để mở Khoa ngoại ngữ đào tạo giáo viên tiếng Anh cho các trường tiểu học, trung học cơ sở của tỉnh. Không dừng lại ở đó, chị tiếp tục theo học Cao học chuyên ngành ngôn ngữ tiếng Anh và được bổ nhiệm Trưởng khoa Ngoại ngữ của trường.

Khẳng định năng lực

Sau 17 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, chị được lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn lựa chọn vào danh sách nhân sự chuẩn bị cho việc thành lập Sở Ngoại vụ của tỉnh, cơ quan chuyên trách về đối ngoại ở địa phương, năm 2005. Sau đó, chị được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng rồi Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ. Đây cũng là thời gian chị tích cực phối hợp với Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đưa các dự án của các tổ chức phi chính phủ về với bà con ở những vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, chị đã hoàn thành lớp lý luận chính trị cao cấp, đạt chứng chỉ an ninh quốc phòng.

Đại sứ Đoàn Thị Xuân Hiền phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Hội LHPNVN với các trưởng đại diện cơ quan Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2015-2018 tại Hà Nội ngày 17/6/2015    Ảnh: Thu Sương

Đánh giá cao năng lực của chị, lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam mời chị về công tác. Đầu năm 2012, chị chuyển về Hà Nội công tác. Chị được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng, sau đó chị được giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Ban Công tác địa phương của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Xét năng lực và quá trình phấn đấu học tập, cống hiến của bản thân chị, Bộ Ngoại giao đã tin tưởng, lựa chọn, đề cử chị vào vị trí Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định và đã được thông qua.

Chia sẻ về nguyên tắc sống của mình, Đại sứ Đoàn Thị Xuân Hiền cho biết: Chân thành trong quan hệ bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp; cầu thị, tận tâm và có trách nhiệm cao với công việc được giao; quan tâm chăm sóc gia đình; không sợ đương đầu với những cái mới.

    Ngự Bình/Chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi-Báo PNVN