Quyết chí theo ngành y sau cái chết của người thân
Henriette Bùi Quang Chiêu sinh ngày 8/9/1906 tại Hà Nội và lớn lên ở Sài Gòn. Bà là con gái thứ của ông Bùi Quang Chiêu và bà Vương Thị Y, xuất thân trong một gia đình giàu có. Ông Bùi Quang Chiêu là kỹ sư canh nông đầu tiên của nước ta và cũng là một chính khách có tiếng ở Nam kỳ thời Pháp thuộc.
Từ nhỏ, Henriette Bùi Quang Chiêu đã là một cô bé thông minh, sáng dạ nổi tiếng. Năm 9 tuổi, bà thi vượt cấp và đỗ bằng Certificat d'Études sớm 2 năm, rồi vào học trường Collège des Jeunes Filles, tức Trường Trung học Gia Long, trường Áo Tím sau này (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thuộc quận 3, TP.HCM). Đến năm 15 tuổi, theo nguyện vọng của mình, cô được cha đưa sang Pháp du học. Vốn là một học sinh xuất sắc, không bao lâu ngoài tiếng Việt, tiếng Pháp và Trung Hoa, bà còn thông thạo nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý và cả những cổ ngữ như La Tinh và Hy Lạp.
Một năm sau, mẹ của Henriette mất vì bệnh lao phổi, bản thân Henriette thì bị bệnh đau mắt nên phải gián đoạn một năm học. Đến năm 1926, Henriette tốt nghiệp bậc trung học tại Lycée Fenelon ở Paris. Từ sự quý mến, nể phục Louis Bùi Quang Chiêu - là anh ruột, một bác sĩ chuyên về bệnh lao nổi tiếng tại Sài Gòn, cùng với cái chết của mẹ đã làm cho Henriette Bùi Quang Chiêu quyết chí theo học Đại học Y khoa Paris vào năm 1927.
Việc bà Henriette trở thành sinh viên y khoa là một hiện tượng lạ vào thời bấy giờ. Sự có mặt một phụ nữ Việt tại một trường đại học danh tiếng của Pháp là bước đột phá trong hệ thống giáo dục của nước này. Trong thời gian này, bà được giới thiệu rồi trở thành thân thiết với nhà bác học Marie Curie và nhà sử học Charles Seignobos... Ngoài ra, bà còn quen biết với nhiều người Việt Nam du học tại Pháp mà sau này thành những nhân vật đóng những vai trò quan trọng trên chính trường Việt Nam.
Nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam
Năm 1932, Henriette tốt nghiệp đại học. Sau 2 năm thực tập, bà là người phụ nữ Việt Nam lấy bằng bác sĩ y khoa đầu tiên ở Pháp. Khi tốt nghiệp, bà dự định viết một luận án về đề tài “Thụ tinh nhân tạo cho những người bị hiếm muộn”. Tuy nhiên vào thời đó, đề tài này quá mới mẻ và gây nhiều tranh cãi, do đó bà đành phải đổi đề tài. Bài luận án của bà đạt loại xuất sắc, được Hội đồng giám khảo khen ngợi và thưởng huy chương vào năm 1934. Henriette Bùi Quang Chiêu đã trở thành nữ bác sĩ đầu tiên của nước ta.
Năm 1935, Henriette Bùi Quang Chiêu trở về Việt Nam và nhận ngay chức vụ Trưởng khoa Hộ sinh ở Bệnh viện Chợ Lớn và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có trách nhiệm chăm lo hệ thống bệnh viện thuộc địa thời ấy. Ở đây, bà đã từng đấu tranh quyết liệt với thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử của người Pháp với y bác sĩ và bệnh nhân người bản xứ.
Cũng trong năm này, bà Henriette về nước lấy chồng theo lệnh của cha mẹ. Chồng bà là ông Vương Quang Nhường, Tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của hai vợ chồng chỉ kéo dài được 2 năm do không tìm được tiếng nói chung.
Trong suốt 44 năm theo nghề y, bà Henriette từng làm việc cả ở Việt Nam và Pháp. Năm 1957, bà sang Nhật học thêm châm cứu để áp dụng trong ngành sản khoa. Năm 1961, bà sang Pháp sinh sống và mở phòng mạch riêng. Trong thời gian này, bà tái giá với kỹ sư, đồng thời là bác sĩ Nguyễn Ngọc Bích. Ông Bích từng tốt nghiệp kỹ sư cầu cống từ trường nổi tiếng bậc nhất xứ Pháp “École Polytechnique” vốn chỉ dành riêng cho sinh viên ưu tú nhất của nước Pháp và thế giới thời ấy.
Năm 1965, ông Nguyễn Ngọc Bích bị ung thư vòm họng. Bà Henriette đã đưa chồng trở về Việt Nam để có thể sống những ngày cuối cùng trên quê hương. Cũng ngay trong năm đó, Nguyễn Ngọc Bích mất. Còn lại một mình ở Việt Nam, bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã không ngừng tích cực tham gia các hoạt động khám, cứu chữa bệnh cho nhân dân bị tai nạn trong chiến tranh, kể cả trong vùng giải phóng.
Năm 1970, bà Henriette về nước, tình nguyện phục vụ không lương trong ngành hộ sản và nhi khoa tại Bệnh viện Phú Thọ. Năm 1971, bà lại sang lại Pháp tiếp tục làm nghề y đến năm 1976 và mất vào ngày 27/4/2012 tại Paris, thọ 106 tuổi. Theo di nguyện của bà, tro cốt đưa về Việt Nam chia ra làm 2 phần, một phần lưu lại ở khu mộ dòng tộc Bùi Quang tại thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre), một phần hợp táng với mộ chồng là ông Nguyễn Ngọc Bích, tại Thánh thất đạo Cao Đài, Phường 6, TP. Bến Tre.
Được biết, bà Henriette đã hiến tặng biệt thự tư gia của bà ở số 28 đường Testard làm cơ sở cho Trường ĐH Y khoa Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Hiện nay, nơi này là địa điểm thuộc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở đường Võ Văn Tần, TP.HCM.
Vơi những đóng góp của mình, Henriette Bùi đã để lại cho hậu thế hình ảnh một bác sĩ mạnh mẽ, suốt đời làm việc không mệt mỏi cho người dân Việt còn nghèo khổ, cho nền y học Việt còn non trẻ.
Theo suckhoedoisong.vn