Ngày trẻ, cô nữ sinh trường Đồng Khánh Nguyễn Thị Thục Viên luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Nỗi vất vả bắt đầu vào năm bà 17 tuổi, cha mất, 5 em trai còn nhỏ, bà vừa giúp mẹ tần tảo nuôi em, vừa tiếp tục học lên Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Tốt nghiệp trường Cao đẳng, bà được bổ nhiệm về Nam Định dạy học. Nhờ giảng dạy xuất sắc, bà được chuyển lên Hà Nội dạy tại Trường Nữ học Đồng Khánh.

Bà Nguyễn Thị Thục Viên (người thứ 2 từ trái sang)

Trong hồi ký 75 năm Trường Nữ học Đồng Khánh (1917-1992), những học trò của cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên nhớ lại: "Trước Cách mạng tháng Tám 1945, khi giảng dạy ở các trường nữ học Nam Định, Đồng Khánh, bà giáo Nguyễn Thị Thục Viên là một nhà sư phạm mẫu mực, luôn luôn giữ thái độ khảng khái, cương trực, tự trọng, ghét thói xu nịnh, luồn cúi, đem hết nhiệt tình đào tạo nữ sinh. Chẳng những nghiêm túc trong việc truyền thụ kiến thức cho thế hệ tương lai, bà còn đặc biệt quan tâm khuyên bảo học sinh giữ nền nếp trong sáng, cần cù, dịu dàng, tế nhị của người phụ nữ Việt Nam. Bà là niềm tự hào, là tấm gương sáng của nữ sinh Đồng Khánh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên nghiêm nghị, đĩnh đạc, quần áo chỉnh tề. Mùa rét cô thường mặc chiếc áo dài len màu huyết dụ, áo ba-ga đen, mùa hè chiếc áo dài lụa trắng tinh khiết. Từ mái tóc, vành tai, cái gì ở cô cũng toát lên vẻ sạch đẹp, đến bà đốc (Hiệu trưởng) Bra-sê mỗi lần gặp cô đều thốt lên với vẻ hài lòng: "Voilà vous, toujours comme un sou neuf" (Chào bà, lúc nào bà cũng sạch bóng như một đồng xu mới)".

Cách mạng tháng Tám thành công, ngay từ những năm đầu chính quyền cách mạng còn trong trứng nước, bà giáo Nguyễn Thị Thục Viên đã phát huy vai trò một trí thức yêu nước. Bà được giao làm Hiệu trưởng trường Đồng Khánh, lúc đó được đổi tên là trường Hai Bà Trưng.

Năm 1946, bà được bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên, là Ủy viên dự khuyết, rồi Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội và ở trong Tiểu ban dự thảo Hiến pháp lần thứ nhất. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thục Viên là thành viên nữ duy nhất trong Ban soạn thảo Hiến pháp 1946.

Lễ ra mắt đồng bào Thủ đô Hà Nội của 6 vị đại biểu Quốc hội khóa I: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Đức, Trần Duy Hưng, Nguyễn Văn Luyện, Vũ Đình Hòe và Nguyễn Thị Thục Viên.

Toàn quốc kháng chiến nổ ra, bà từ biệt Thủ đô để ra đi chỉ mang theo một gói quần áo nhỏ. Cùng với hai bà Lê Thị Xuyến và bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, người phụ nữ trí thức Nguyễn Thị Thục Viên đã hòa mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Ba bà rong ruổi đi các nơi tổ chức mít tinh, nói chuyện cách mạng và tuyên truyền kháng chiến... Lặn lội vào vùng quê hẻo lánh, những vùng núi xa xôi, khi trèo đèo lội suối, khi ăn cơm muối, nằm ổ rơm, bà vẫn ung dung tự tại, lạc quan, lấy tấm gương của nhân dân kháng chiến để động viên mình kiên trì cách mạng.

Trong kháng chiến chống Pháp, mặc dù phải gánh vác những trọng trách của nhà nước, đoàn thể, bà giáo Nguyễn Thị Thục Viên vẫn tiếp tục giảng dạy và phụ trách các trường trung học kháng chiến và sư phạm, góp sức đào tạo cán bộ cho kháng chiến. Bà được Ty Giáo dục Liên khu 10 (do nhà giáo Nguyễn Lân làm Giám đốc) bố trí làm Hiệu trưởng Trường Thi Sách (sau gọi là Trường Tân Trào).

Ngày 29/5/1947, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ra Nghị định số 145/NĐ thành lập trường Trung học Kháng chiến Chu Văn An ở Đào Giã - Phú Thọ (do Giáo sư Trần Văn Khang làm Hiệu trưởng), trường trung học chuyên khoa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai giảng sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Liên khu điều bà sang trường Trung học Kháng chiến.

Vẫn với phong thái đĩnh đạc, nghiêm khắc, giàu lòng yêu nghề , ở đây ai cũng  thừa nhận cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên dạy văn - sử nghiêm khắc mà giàu lòng nhân hậu. Cô vẫn luôn là giáo viên dạy giỏi dù bộn bề công việc của một thành viên Ban Thường trực Quốc hội và Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Rồi cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên lại được tin tưởng giao nhiệm vụ Hiệu phó Trường Sư phạm trung cấp trung ương. Năm 1950, khi ngôi trường này chiêu sinh thêm để bổ sung cho lớp sinh viên tình nguyện ra chiến trường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trường nhập vào Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên được điều về Ban Thường trực Quốc hội. Bà là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam từ khóa đầu tiên cho đến nhiều khóa liên tiếp sau đó. Năm 1951, bà là thành viên đã có mặt trong những phái đoàn ngoại giao đầu tiên do Phó Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng dẫn đầu tham gia hoạt động hợp tác quốc tế. Quốc hội khóa II (1960-1964), bà lại được tín nhiệm trúng cử đại biểu và tiếp tục giữ trách nhiệm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội. Bà qua đời vào năm 1984.

HN (tổng hợp)