Sống trong môi trường đa sắc tộc ở Mỹ, Jenni luôn thấy mình khác bạn bè
Tôi sinh ra ở Houston, Texas năm 1980, đúng năm năm sau khi gia đình tôi từ Sài Gòn sang định cư tại Mỹ vào năm 1975" - Jenni bắt đầu câu chuyện của chị bằng mốc thời gian chào đời, như thể muốn gián tiếp nhắn nhủ, chiến tranh là điều gì đó hoàn toàn xa lạ với thế hệ của chị.
"Tôi biết bên trong mình là người Việt"
Jenni Trang Lê là nhà sản xuất, phó đạo diễn, diễn viên gốc Việt đã tham gia vào hàng loạt dự án phim điện ảnh của Việt Nam trong thời điểm điện ảnh Việt đang chập chững với cơ chế thị trường.
"Thế là may mắn, bởi tôi có cảm giác mình cùng đồng hành với điện ảnh Việt từ thời điểm manh nha phát triển trở lại, đến bùng nổ như bây giờ. Tất nhiên, trước năm 1975, điện ảnh Việt cũng đã có một thời hoàng kim khác".
Theo làn sóng Việt kiều về nước làm phim từ năm 1999-2000, Jenni nói góc nhìn của chị về Việt Nam cũng khác, vì đó là góc nhìn của một người phụ nữ.
"Bạn cứ để ý đi, đa phần những Việt kiều về nước là nam giới (cười). Với tôi, ngay từ khi đi học trung học ở Bắc California, hay sau đó là học về điện ảnh ở Los Angeles, giữa một cộng đồng người Mỹ, người Mexico, các nước Á châu khác, tôi bên ngoài là một người Mỹ, nhưng bên trong, tôi luôn thấy có một điều gì đó rất khác họ. Tôi nghĩ đó là bởi dòng máu Việt Nam đang chảy trong mình".
"Với những gia đình người Việt tại Mỹ, tôi thấy có hai kiểu cơ bản: một kiểu dạy cho con cái họ từ nhỏ Việt Nam gì, lịch sử thế nào, chiến tranh ra sao. Còn một kiểu không nói về thời cuộc, không nhắc đến chiến tranh. Không phải vì họ đã quên gốc gác, mà chỉ đơn giản là họ muốn bắt đầu một cuộc sống mới.
Họ vẫn dạy con cái nói tiếng Việt, ăn đồ ăn Việt, nhưng muốn con cái học hỏi tiếp thu thêm nhiều cái mới ở vùng đất họ đang sống. Gia đình bên ngoại của tôi là kiểu số 2 này" - chị tiếp lời.
Thế nên không giống như nhiều Việt kiều khác, luôn tò mò Việt Nam ở đâu, méo tròn ra sao, còn chiến tranh hay đã hết, Jenni thành thật rằng khi còn nhỏ, chị hoàn toàn không tò mò bởi lúc đó không hiểu gì về miền đất chữ S này. "Không phải mình không quan tâm, mà là vì mình không biết gì để quan tâm" - chị nói.
Nhiều người họ hàng gọi đùa chị là white wash - nôm na là một người vỏ ngoài Việt Nam nhưng "ruột" thì Mỹ 100%!
"Đến khi học cấp 3, tôi chuyển sang sống ở Cali, nơi có cộng đồng người Việt đông đảo hơn, tôi mới được tiếp xúc nhiều hơn với văn hoá Việt - lần đầu tiên biết mặc áo dài biểu diễn văn nghệ là như thế nào, biết chút ít về văn hoá Việt. Nhưng những hiểu biết ấy cũng chỉ là bề nổi thôi" - Jenni Trang Lê nói.
Chỉ đến khi chuyển đến Los Angeles, bắt đầu hành trình theo đuổi điện ảnh bằng những công việc nhỏ nhất, Jenni mới tham gia những khóa học tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Lúc đó những khái niệm mơ hồ trước đây về người tị nạn, về chiến tranh bắt đầu được mở rộng hơn….
Công việc đầu tiên chị làm quen với sân khấu là kết hợp với đạo diễn Charlie Nguyễn. Đó cũng là thời điểm Jenni nói tiếng Việt mỗi ngày để làm việc với các nghệ sĩ Việt ở hải ngoại.
Khi vừa tròn 25 tuổi, Jenni được Jimmy Nghiêm Phạm mời về Việt Nam làm phó đạo diễn cho bộ phim Dòng máu anh hùng - một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của chị, cũng là lần đầu tiên chị trở về Việt Nam làm phim sau 25 năm sinh ra và lớn lên tại Mỹ.
Nhà sản xuất Jenni Trang Lê
Còn yêu thì còn ở Việt Nam
Thời gian tương đối dài (6 tháng) ở Việt Nam để làm Dòng máu anh hùng, Jenni thú thật: "Lúc đó bắt đầu bị ghiền Việt Nam rồi". Cùng ăn uống, trò chuyện, tìm hiểu đời sống của người Việt Nam, Jenni nhận ra sợi dây liên kết lạ kì. Chị mù mờ nhận ra: phải chăng đây chính là điều làm cho chị luôn cảm thấy mình khác người Mỹ, dù chị sống ở Mỹ, hấp thụ nền văn hoá Mỹ từ trong trứng.
"Không gì cho bạn hiểu về một đất nước nhanh hơn là khi làm một bộ phim về đất nước đó. Dòng máu anh hùng đóng máy cũng là lúc tôi cảm nhận được năng lượng của đất nước này rất mạnh. Tôi thấy Việt Nam hay hay".
Đến bây giờ, nhìn lại chặng đường đã qua tại Việt Nam, từ chỗ thấy "hay hay" cho đến việc chọn sống ở đây mười năm qua, chính Jenni cũng… hốt hoảng: Tại sao mình ở đây lâu thế?
Trước đó, Jenni chưa bao giờ sống ổn định ở một nơi nào lâu. Chị là kiểu phụ nữ của thành thị, yêu cuộc sống bay nhảy, yêu cảm giác được tự do, có nhiều lựa chọn. Ngẫm nghĩ một lúc, Jenni phá lên cười và tự trả lời: "Chắc tại còn yêu thì còn ở Việt Nam".
Ngày Jenni nói với mẹ: "Con sẽ ở lại Việt Nam làm việc trong thời gian tới", mẹ chị bất ngờ, hỏi đã suy nghĩ kĩ chưa. Nhưng bà không cản, bởi bà biết rõ không gì có thể cản được cô con gái bướng bỉnh và độc lập của mình, một khi cô đã quyết định.
"Lâu lâu mẹ vẫn gọi điện và hỏi chừng nào về Mỹ. Có thời gian ba năm liền tôi không về Mỹ vì quá bận rộn công việc, mẹ gọi sang liên tục hỏi: Này Trang, con còn visa về Mỹ không? Con còn… được về Mỹ không? Tôi chỉ biết phá lên cười, nói mọi thứ đều ổn. Tôi sẽ về thăm mẹ khi có thời gian", chị nói.
Việt kiều ở một vị trí rất thú vị. Mỗi người nói về một sự việc theo góc nhìn của họ, không có đúng hay sai. Quan trọng là chính bạn sẽ trải nghiệm điều đó như thế nào.
Jenni Trang Lê
Giờ đây, ở tuổi 38 - Jenni nói đã bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về gia đình, về một cuộc sống có sự san sẻ của người bạn đời, và những đứa con "Tất nhiên rồi!", chị ồ lên thích thú. "Đẻ nhanh khi mình còn… trứng!", chị hài hước.
Jenni cũng không thể giải thích được vì sao mình luôn có cảm tình với đàn ông Việt Nam hay những anh chàng cũng là Việt kiều giống chị. "Tôi từng say nắng một anh chàng Việt Nam khi về đây làm phim Dòng máu anh hùng. Lúc đó, tôi cảm giác như anh là một "Việt Nam thu nhỏ" với mình. Về lại Mỹ, tôi còn viết hẳn một bài thơ tình về anh (cười). Lúc đó tôi thấy Việt Nam thật sự quá dễ thương".
Việt Nam không đến với Jenni đao to búa lớn, Việt Nam thấm vào chị từ những quan sát mỗi ngày, từ những cuộc trò chuyện với mọi người xung quanh, từ công việc làm phim luôn mới mẻ, thử thách, từ những tình yêu mà chị đã gặp được trong suốt mười năm chọn sống và làm việc tại đây.
Tôi đang có ý tưởng về một bộ phim do mình viết kịch bản. Sau khi cân nhắc chọn lựa xem mình sẽ viết gì, tôi quyết định chọn một câu chuyện gần với mình nhất: đó là tình yêu của một cô Việt Kiều với một chàng trai Việt Nam. Tình yêu là gì? Tôi sẽ cố gắng làm một bộ phim để khán giả hiểu điều đó (cười)
Jenni Trang Lê
Theo Tuổi trẻ