“Khi dân làng bầu tôi làm già làng, quá bất ngờ, tôi lắc đầu từ chối: Làm sao phụ nữ làm già làng được? Xưa giờ có ai thế đâu?”. Vậy mà đã hai mươi mấy năm thượng úy bộ đội về hưu Ksor H’Blăm (người dân tộc Gia Rai, sinh năm 1945) làm già làng làng Krông, xã biên giới Ia Mơ, H.Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
Già làng Ksor H’Blăm một thời tuổi trẻ
Già làng H’Blăm đốt lửa đón đàn bò hai mươi mấy con về chuồng sưởi ấm, dưới trời Tây Nguyên giá lạnh, heo hút. Trong ánh lửa bập bùng, nụ cười nữ già làng U80 hiện rõ hàm răng trắng đều rất duyên. Men theo lối cầu thang vào căn nhà ghép gỗ, tôi giật mình khi đọc những bằng khen ghi tên “ông” Ksor H’Blăm.
Già bật cười, nói: “Dù mẫu hệ nhưng làm già làng thì chỉ đàn ông thôi nên người ta mới viết nhầm thế. Mà nhiều khi thấy mình cũng quyết định nhanh gọn, mạnh mẽ như đàn ông ấy chứ!”.
Những vụ cãi cọ, xung đột trong gia đình, tranh chấp trong làng được bà cùng tổ hòa giải xử lý nhẹ bâng. Hỏi về những khó khăn, thử thách với một nữ già làng trước nay chưa từng có tiền lệ tại đây, bà ngẫm vài giây rồi đáp gọn: “Không có gì phức tạp lắm, cứ giải thích theo pháp luật”.
Rồi bà minh chứng sự đơn giản khi hòa giải, can thiệp các vụ việc.
Ví dụ, chồng uống rượu, đập phá, đánh vợ con là sai, mình nhẹ nhàng, kiên nhẫn giải thích cho họ hiểu, khuyên giảm uống rượu, chia sẻ công việc với nhau, cùng lo cho gia đình. Nhất là cất bớt gánh nặng nơi người phụ nữ. Nếu có quan hệ bất chính, làng sẽ phạt cho chừa.
Già làng phân tích điều hay lẽ phải để họ quay về với gia đình, cam kết sửa đổi. Trường hợp hiếm có là vợ chồng quyết tâm bỏ nhau thì ruộng rẫy, con cái giao lại hết cho người phụ nữ, đàn ông ra đi tay trắng. Tổ hòa giải của làng sẽ báo cáo chính quyền xã cập nhật tình trạng hôn nhân của cặp vợ chồng ấy.
Thời trẻ, bà từng đau đớn, bất lực trước cảnh những bé sơ sinh vô tội phải chôn sống theo mẹ vì mẹ bị băng huyết chết ngay khi sinh, hoặc những cặp song sinh chỉ một bé được giữ lại nuôi (thường ưu tiên cho bé gái), bé còn lại sẽ bị chôn sống, vứt xuống hố hoặc bỏ đói đến yếu, tắt thở.
Bà từng can ngăn, nhưng rồi chẳng biết nói thêm câu gì khi họ bảo: “Có tiền không thì đưa đây! Chứ giữ lại hết mà không có tiền nuôi thì trước sau gì nó cũng chết”. Chỉ vì quan niệm cổ xưa “giữ lại đứa bé ấy là điềm xui rủi” và hơn hết là vì thiếu hụt, không đủ sữa, không nuôi nổi nên gia đình đâu còn lựa chọn khác.
Sau giờ chăm lo việc chung, già làng Ksor H’Blăm quay về với niềm vui nhà mình - chăn nuôi bò, gà cải thiện kinh tế. Ảnh: Thư Loan
Ám ảnh những thảm cảnh tối tăm đó, dù là phụ nữ chân yếu tay mềm, bà không im lặng ngồi nhìn mà phải góp tiếng nói và việc làm tích cực để đẩy lùi đói nghèo, dốt nát, lạc hậu, cổ hủ.
Từ trách nhiệm và tình thương, già làng H’Blăm đưa ra nhiều sáng kiến quý báu. Dấu ấn đặc biệt của nữ già làng là mô hình cho mượn bò để dân làng thoát nghèo.
Nhà này có bò cái sẽ cho nhà kia mượn nuôi, khi bò đẻ được bê sẽ tặng bê lại cho nhà nuôi, bò mẹ lại được chuyển “công tác” đến một nhà khác và tiếp tục đẻ bê con khoảng hơn một năm sau đó.
Bà không nhớ bao nhiêu chú bê đã được chào đời từ vòng xoay tương trợ mang tên mình. Bà không nhớ nổi mình đã giúp cho bao nhiêu nhà phát triển đàn bò. Cũng không nhớ nổi đã trút túi bao nhiêu lần giúp dân nghèo khám chữa bệnh, mua sữa nuôi con, mua tập sách đến trường… Lời nói của nữ già làng có uy lực nhờ bản lĩnh, sự hiểu biết lẫn tấm lòng của bà đối với dân làng mình và làng khác.
Sau những ngày dài băng rừng lội suối giúp dân làng, người phụ nữ tuổi xế chiều quay về với quạnh hiu trong căn nhà ghép gỗ dưới tán xoài xanh mướt, với cuộc sống đạm bạc của một người lấy hy sinh làm lẽ sống.
Nữ già làng mạnh dạn khuyên dân làng bỏ đi những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu, trái pháp luật. Đặc biệt là bi kịch thanh niên không được kết hôn, chọn lựa chung sống với người mình yêu thương do “bố mẹ đặt đâu - con ngồi đấy”, có khi các bà mẹ rủ nhau làm sui từ lúc… mang thai. Hay trẻ em bỏ học, tảo hôn rồi đi vào vòng luẩn quẩn sinh sớm, con đông, nghiện rượu, bạo hành, nghèo đói, chặt phá rừng…
Già làng Ksor H’Blăm dệt thổ cẩm - Ảnh: Thư Loan
“Mình không có hôn nhân hạnh phúc, vì hồi mới 12 tuổi, đang còn ham mê rong chơi, nhảy dây, bố mẹ đã bắt lấy chồng và cuộc sống chung sớm tan vỡ. Năm 14 tuổi, thoát ly đi theo cách mạng, cận kề với đạn bom, với sống chết, không kịp có hạnh phúc riêng tư, già không yêu ai và cũng đâu ai yêu già.
Vì thế, già mong mỏi dân làng ai cũng có tình yêu và hạnh phúc. Đó là mục tiêu chính để già vận động, tuyên truyền, xây dựng mấy mươi năm qua và vẫn còn tiếp tục ở tuổi ngoài 75” - nữ già làng mỉm cười.
Theo phunuonline.com.vn