Năm 1962, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, Ksor H’Lâm đã nộp đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong. Vượt qua "mưa bom, bão đạn", nữ chiến sĩ người Jrai này đã liên tục lập nhiều chiến công xuất sắc. Đến năm 1967, Ksor H’Lâm được gửi ra miền Bắc học văn hóa, chính trị, quân sự rồi trở về quê hương. Bà Ksor H’Lâm đã có 25 năm phục vụ trong quân đội. Khi nghỉ hưu, già về làng Krông sinh sống và được bầu làm già làng từ năm 1995 đến nay.
Việc già Ksor H’Lâm được bầu làm già làng có lẽ là điều hiếm thấy vào thời điểm đó vì theo tập tục của nhiều làng, bản ở Tây Nguyên, già làng thường là nam giới. Được sự tín nhiệm của dân làng, già làng Ksor H’Lâm đã áp dụng những kiến thức của mình vào thực tiễn. Bà đã tìm tòi, học hỏi những mô hình mới để đưa về áp dụng và giúp đồng bào mình phát triển kinh tế. Cùng với đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Mơ, già đã đưa đàn bò nhà mình qua các làng Krông, làng Klă, làng Hnáp của xã Ia Mơ để cho bà con mượn con giống, khi nào bò đẻ thì người dân được giữ lại con bê.
Ngoài việc hỗ trợ con giống, già còn hướng dẫn cho đồng bào mình cách trồng lúa nước, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, bắp, mì để đạt năng suất cao. Với vai trò là già làng, hàng ngày, già H’Lâm cùng bộ đội biên phòng đi hàng chục cây số đường rừng để tuần tra, bảo vệ cột mốc biên giới. Già thường tuyên truyền, vận động người dân không nghe lời kẻ xấu mà vượt biên trái phép hay buôn bán trái phép qua biên giới.
Ngoài ra, già H’Lâm còn tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục. Trước đây, lệ làng quan niệm rằng sinh đôi là điềm xui, cần giết chết một đứa trẻ. Như trường hợp vợ chồng anh Siu Tróc và chị Rơ Châm Thon sinh đôi. Theo "luật" làng, người cha phải bóp chết một đứa, nếu không hai đứa con của anh sẽ cùng chết.
Khi nghe tin dữ, già H’Lâm đã vội vàng chạy đến, ôm hai cháu bé sơ sinh vào lòng và la lớn: "Không ai được giết các cháu. Sinh được con ra mạnh khỏe là cái phúc mà Giàng đã ban cho gia đình rồi. Hồi xưa, vì không có cái ăn nên con chết đói. Giờ dân có cái ăn rồi, phải để các cháu sống, sau này còn góp sức bảo vệ làng".
Sau nhiều ngày vận động từng người trong làng, bản thân già H’Lâm đứng ra nhận 2 đứa trẻ làm con nuôi, hứa sẽ chịu trách nhiệm, lúc đó dân làng mới tin tưởng. Với những đóng góp của mình, già làng Ksor H’Lâm được các cấp chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ghi nhận, trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Phạm Thương - Gia Hân
Theo lãnh đạo xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, già làng Ksor H’Lâm luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Già trực tiếp dạy cho dân trồng lúa, dẫn nước về để cấy 2 vụ. Với những người vượt biên trái phép, già đã vận động trở về quê hương, tu chí làm ăn.