Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học Thú y là tâm huyết của GS.TS Nguyễn Thị Lan (thứ 2 từ phải sang) - Ảnh: NVCC

Nữ giáo sư trẻ nhất trong lịch sử Học viện Nông nghiệp và ngành Thú y Việt Nam

Mở đầu câu chuyện GS.TS Nguyễn Thị Lan đã chia sẻ ngay về niềm đam mê với khoa học của mình. Chị kể, từ nhỏ chị đã thích cây cối, ruộng đồng, lớn lên chị đã lựa chọn thi vào trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Suốt thời sinh viên, chị say mê nghiên cứu khoa học, thường xuyên đề xuất các ý tưởng. Tốt nghiệp đại học, chị được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Thú y. “Tôi cảm thấy hạnh phúc vì ở lại trường công tác, tôi sẽ có cơ hội tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu từ thời đại học”, chị chia sẻ.

Làm giảng viên được 7 năm, chị đi Nhật Bản học sau đại học, nghiên cứu sinh tại Đại học Miyazaki. Suốt 5 năm đắm mình trong không khí học tập, môi trường nghiên cứu thực tế, tiếp cận với công nghệ cao ở nước bạn, niềm đam mê càng lớn dần trong chị. Bản thân chị Lan cũng thừa nhận, đây là giai đoạn chị học hỏi được rất nhiều, còn vì ý nghĩ thôi thúc ngay từ khi bắt đầu đi du học “mong muốn học được những công nghệ mới, tiến bộ để sau này về áp dụng ở Việt Nam và truyền đạt cho các thế hệ sinh viên của mình”.

Về nước chị hình thành các nhóm nghiên cứu, thành lập Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học Thú y thuộc Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ban đầu hoạt động rất khó khăn vì thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, nhưng đến nay sau 10 năm hoạt động phòng thí nghiệm đã đạt tiêu chuẩn ISO, có lẽ đây là một trong những phòng thí nghiệm có nhiều chỉ tiêu xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO nhất, gồm 51 chỉ tiêu phép thử, chẩn đoán được hầu hết các bệnh của động vật, áp dụng vào thực tiễn giúp người chăn nuôi, doanh nghiệp, địa phương.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan hào hứng nói về những công trình nghiên cứu, các sản phẩm đã được công nhận và chuyển giao như: “Kít chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) hay bệnh tai xanh ở lợn”; Công nghệ chế tạo vắc-xin phòng bệnh  tai xanh “Công nghệ chế tạo kháng thể đơn dòng chẩn đoán đặc hiệu bệnh Care (bệnh sài sốt) ở chó”; “Công nghệ chế tạo vắc-xin phòng bệnh Care ở chó”; “Công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật (đệm lót sinh học) sử dụng trong chăn nuôi”…

Đây đều là sản phẩm từ những công trình nghiên cứu khoa học nổi bật mà chị và các đồng nghiệp đã dày công thực hiện tại phòng thí nghiệm trọng điểm. Điểm chung của các nghiên cứu này phục vụ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi khi tạo ra được vắc-xin phòng bệnh, mở ra các hướng nghiên cứu mới các bệnh truyền nhiễm trên động vật, tiến tới thanh toán dịch bệnh, giảm thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân.

Đặc biệt, có sản phẩm như đệm lót sinh học đã giải quyết được vấn đề cấp bách về ô nhiễm môi trường chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, tăng thu nhập cho người dân. Sản phẩm đã được ứng dụng tại nhiều hộ chăn nuôi lợn ở các tỉnh Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Nội mang lại hiệu quả cao.

Phòng thí nghiệm trọng điểm này hiện tại đã trở thành địa chỉ tin cậy với bà con nông dân và các doanh nghiệp. “Ngoài việc đào tạo đội ngũ, đây còn là nơi kết nối với các nhà khoa học để tư vấn được các giải pháp, phòng chữa bệnh một cách tốt nhất. Nhiều test thử khó các nơi chưa làm thì ở đây đã làm tốt như kỹ thuật hóa mô miễn dịch, sinh học hoạt tử, bệnh lở mồm long móng, các nghiên cứu về bệnh tai xanh, cúm gia cầm, PED, TGE, Parvo trên chó, bệnh gia cầm… Đây cũng là phòng thí đầu tiên phát hiện ra và giải trình tự gen của virus dịch tả châu Phi xuất hiện tại Việt Nam thời gian gần đây”- GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ- “Chúng tôi cũng đang hướng tới việc tập hợp lực lượng các nhà khoa học của khoa Thú y hợp tác với các nhà khoa học quốc tế để nghiên cứu sâu về dịch tễ học, kít chẩn đoán nhanh và tìm hiểu về tính miễn dịch của virus gây bệnh dịch tả Châu Phi và nhiều bệnh động vật khác nói chung; Phối hợp với doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm có thể thương mại hóa; Ứng dụng lan tỏa công nghệ cao học từ Nhật Bản đã được chúng tôi triển khai rất tốt”.

Với những nỗ lực không ngừng, năm 2018, chị trở thành nữ giáo sư trẻ nhất trong lịch sử của Học viện Nông nghiệp và của ngành Thú y Việt Nam. Trước đó, vào năm 2015, chị được trường ĐH Thú y, Đại học Tổng hợp Yamaguchi (Nhật Bản) trao tặng danh hiệu Giáo sư danh dự. Cũng trong năm 2018, chị được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”.

Người truyền cảm hứng

Chia sẻ về việc đào tạo sinh viên, GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định, Học viện Nông nghiệp Việt Nam không dạy lý thuyết suông. Bản thân mỗi giảng viên đều vừa phải dành 50% thời gian cho việc giảng dạy, 50% cho việc nghiên cứu và phục vụ thực tiễn. Nếu người đứng đầu, giảng viên… không nghiên cứu thì không thể truyền đạt cho sinh viên kiến thức thực tế được.

“Khi triển khai các đề tài nghiên cứu, ngoài phối hợp với chuyên gia quốc tế, chúng tôi còn tạo điều kiện để sinh viên cùng tham gia, các em sẽ học hỏi được rất nhiều qua những va chạm thực tế ngay từ khi còn đang học. Lớp lớp thế hệ sinh viên được học, từ một công nghệ học ra những công nghệ khác, từ bệnh này có thể nghiên cứu công nghệ để phòng các bệnh khác nữa, rất hữu ích và đóng góp lớn cho quá trình đào tạo”, GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Thị Lan (thứ 2 từ trái sang) sẵn sàng tham gia hướng dẫn sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học - Ảnh: NVCC

Với bài học kinh nghiệm, cách làm việc khoa học trong quá trình nghiên cứu, khả năng quy tụ đội ngũ trí thức trẻ đã giúp cho GS.TS Nguyễn Thị Lan làm tốt vai trò quản lý của mình. Ở cương vị người đứng đầu Học viện, mặc dù rất bận rộn, nhưng GS.TS Nguyễn Thị Lan vẫn tích cực tham gia định hướng chiến lược, định hướng nghiên cứu cho nhóm nghiên cứu mạnh về vắc xin động vật. Ngoại ra chị đã chỉ đạo thành lập nhiều nhóm nghiên cứu mạnh ở nhiều lĩnh vực khác như quản lý đất đai, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, cơ khí, chế biến thực phẩm… với mong muốn tạo ra những sản phẩm hữu ích với xã hội, kết nối được với quốc tế.

Đến thời điểm này, GS.TS Nguyễn Thị Lan đã có 105 bài báo khoa học trong và ngoài nước đã công bố (đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, chuyên ngành có uy tín); tham gia biên soạn 6 giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu hướng dẫn…

Đặc biệt, mỗi khi sinh viên cần, chị luôn sẵn sàng tham gia hướng dẫn các em trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhiều sinh viên đạt giải cao trong các cuộc thi về khoa học công nghệ, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC, Tài năng khoa học trẻ Việt Nam… “Sinh viên được giải thì cô càng say mê và mong có thể góp phần phát huy được sức sáng tạo của các em. Đây cũng là động lực để dù bận mấy, tôi cũng không từ chối khi sinh viên cần đến mình”- GS.TS Nguyễn Thị Lan tâm sự. Ngoài ra, GS.TS Nguyễn Thị Lan còn tham gia hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, thạc sĩ và sinh viên làm luận văn tốt nghiệp.

Theo TS. Lê Huỳnh Thanh Phương, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: GS.TS Nguyễn Thị Lan là người rất năng động và không ngừng sáng tạo không chỉ trong nghiên cứu mà cả trong công tác quản lý. Chị đã truyền cảm hứng làm việc và không khí nghiên cứu khoa học hăng say, tinh thần dấn thân, quyết tâm đổi mới cho đội ngũ giảng viên của Học viện.

Chỉ cần đam mê thì “chướng ngại vật” nào cũng có thể vượt qua

GS.TS Nguyễn Thị Lan đặc biệt quan tâm đến đối tượng nữ. Ở Học viện Nông nghiệp, số giảng viên nữ chiếm hơn 50% trên tổng số 1.400 giảng viên (rất nhiều trưởng ban, trưởng khoa là nữ). Nữ thường được tạo điều kiện, bình đẳng trong nghiên cứu. Vì hiểu đặc thù của cán bộ nữ nên mỗi khi có cơ hội đào tạo ở nước ngoài, chị cũng sẽ ưu tiên đối tượng nữ bởi thực tế đối tượng này sẽ thiệt thòi hơn nhiều so với nam giới khi phải sinh con, chăm con nhỏ. Chị cũng phân tích để anh em hiểu hơn và chia sẻ với công việc của phụ nữ. “Đa số sinh viên tôi nhận hướng dẫn là nữ. Nhận thức được nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng, tôi muốn rèn giũa các em từ trong trường, dạy cho các em hiểu về đạo đức nghề nghiệp, sự trung thực trong nghiên cứu… Những em có tiềm năng sẽ giữ lại trường, tạo điều kiện để phát triển”.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan: Cái khó khăn nhất đối với phụ nữ làm khoa học và quản lý là làm sao để cân bằng trong cuộc sống, phân bổ thời gian hợp lý cho gia đình, công việc và các mối quan hệ khác. Nghiên cứu khoa học là con đường rất chông gai, nếu không có đam mê thực sự sẽ khó lòng vượt qua được. Phải thức đến 1-2 giờ sáng để phân tích kết quả thí nghiệm đảm bảo đúng tiến độ công việc là điều quá quen với những người làm nghiên cứu. Nhưng chỉ cần có đam mê thì “chướng ngại vật” nào cũng có thể vượt qua.


Năm 2016, GS.TS Nguyễn Thị Lan được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XIV, tham gia tích cực vào việc góp ý, thảo luận xây dựng và hoàn thiện các luật Giáo dục, trồng trọt, khoa học công nghệ,... Kỹ năng về nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp mà chị có từ trải nghiệm thực tế đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho xã hội.

Theo phunuvietnam