TTND.GS.TS Nguyễn Thu Nhạn. Ảnh: PV

Từ ám ảnh biến thành động lực trở thành bác sĩ

Trong giới y khoa, nhắc tới TTND.GS.TS Nguyễn Thu Nhạn (sinh năm 1932, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương), ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ. Một phần, bà là người truyền lửa cho hàng ngàn GS.TS y khoa hiện tại, ngoài ra còn bởi những công trình nghiên cứu, ứng dụng của bà đã góp phần nâng cao thể chất, chữa những căn bệnh "khó" của trẻ em Việt Nam. Nổi bật trong đó là các công trình nghiên cứu góp phần xóa bỏ bệnh thấp tim ở trẻ, suy dinh dưỡng thể nặng ở trẻ và bệnh tiêu chảy.

Năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng GS.Nguyễn Thu Nhạn vẫn rất minh mẫn. Những sự kiện xảy ra trong đời, bà nhớ như in như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Bà cho biết, đã nghỉ hưu từ năm 1997, nhưng vẫn còn tiếp tục nghiên cứu, làm việc đến năm 2018. "Các cháu lớn hết rồi nên cả ngày lo chuyện học hành. Tôi cũng không còn giảng dạy nữa nên ở nhà cũng buồn", bà mở đầu câu chuyện.

Sinh ra trong một gia đình ở Quảng Nam. Bố mẹ sinh được 12 người con, bà là thứ 5. Tuy nhiên, khi bà khoảng 4-5 tuổi thì bố được điều đi làm việc tại Lao Bảo (Quảng Trị). Mọi việc chăm sóc các con đều một tay mẹ bà lo liệu. 

Khi bà được 6 tuổi, ở quê xảy có dịch bệnh lỵ. Nhà nào cũng có trẻ tử vong. Hồi đó, chưa ai biết gì về bệnh lỵ và nhà bà cũng vậy. Chỉ trong 15 ngày, 3 người anh chị trên bà đã mất mà không rõ nguyên nhân. Bà cũng mắc bệnh. Nhưng may mắn hơn là lúc đó bố từ Lao Bảo trở về đưa bà đến BV cấp cứu nên qua khỏi. "Lần lượt chứng kiến những người anh, người chị của mình ra đi, tôi đau lòng lắm. Từ đó, tôi quyết tâm sau này sẽ trở thành bác sĩ để cứu nhiều trẻ em", bà chia sẻ.  

Ngay từ nhỏ, bà đã được bố cho học chữ. Bà rất sáng dạ nên học đâu nhớ đấy. Khi học tiểu học, bà thường xuyên đứng đầu lớp. Từ Trung học cơ sở, bà học trường Đồng Khánh ở Huế. Đây là trường nữ, chỉ dành riêng cho con gái học. Tuy nhiên, khi đang học bà được giác ngộ nên nghỉ học đi theo cách mạng, tiến hành các hoạt động tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân.

Năm 1953, Chính phủ lựa chọn một số học sinh cử đi du học ở Trung Quốc, trong đó có bà. Bà được cử học y khoa, chuyên ngành nhi khoa, đúng với ước mơ từ nhỏ. Bà vui lắm. Vì vậy, trong quá trình học tập, dù trải qua bao khó khăn, vất vả bà vẫn nỗ lực và đạt được kết quả tốt. Sau khi học xong tây y, bà học thêm đông y đến năm 1962 mới về nước.

Năm 1962, bà làm chủ nhiệm Khoa Nhi A của BV B Nhi khoa (nay là BV Xanh Pôn). Tại đây, bà là Tổ trưởng tổ Lao động xã hội chủ nghĩa đầu tiên của BV. Tuy nhiên, đến năm 1966, chồng bà là Nguyễn Đình Tứ (cố Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp) sang Nga, bà đi cùng và làm nghiên cứu sinh, chuyên về lĩnh vực nội tiết. Năm 1972, tốt nghiệp về nước về làm việc tại Viện bảo vệ sức khỏe trẻ em (nay là BV Nhi TƯ). Tại đây, bà đã thành lập khoa Hô hấp và Nội tiết của BV. 

Điều chế oresol trị tiêu chảy theo công thức Việt Nam

Trong khi làm việc, bà phát hiện rằng hễ đến mùa hè thì có nhiều trẻ phải nhập viện do tiêu chảy cấp. Mỗi ngày, hàng chục trẻ nằm đầy giường, khóc ngặt nghẽo, còn y tá cũng rất vất vả để tiêm truyền bà rất thương. Bản thân bà cũng chứng kiến một trẻ, là con người bạn tử vong do bị tiêu chảy nên đau lòng lắm. Thời điểm đó, tại Việt Nam điều trị tiêu chảy chỉ là truyền nước, truyền máu nên hiệu quả trị bệnh không cao.

Trong một lần đi hội thảo ở nước ngoài, các chuyên gia quốc tế trình bày phương pháp điều trị cho trẻ bị tiêu chảy bằng cách cho uống oresol để bù lại lượng kali đã mất trong khi bé bị bệnh. Khi nghe phương pháp ấy, bà rất vui và quyết tâm ứng dụng trong nước. Bà đề xuất với Viện cho bệnh nhân tiêu chảy uống oresol. Sau một thời gian thuyết phục, lãnh đạo Viện đồng ý.

TTND.GS.TS Nguyễn Thu Nhạn vẫn nghiên cứu tài liệu dù nghỉ hưu đã lâu (Ảnh: PV)

Tuy nhiên, chưa có oresol giống như bây giờ. Bà làm cái thìa có hai đầu. Đầu to dùng để đựng đường, đầu nhỏ chứa muối với tỷ lệ 8:1 (8 đường: 1 muối) cho vào nước để trẻ uống. "Nguyên tắc khi bị tiêu chảy thì niêm mạc ruột bị hỏng nên không hấp thu được nước. Vì thế, trẻ uống bao nhiêu nước cũng sẽ bị thải ra ngoài, còn cơ thể không hấp thu được dẫn đến mất nước. Nếu không được bù nước kịp thời, bệnh nhi sẽ tử vong. Tuy nhiên, đường và muối hòa lẫn với nước thì niêm mạc ruột vẫn hấp thu được. Sau một năm nghiên cứu, thử nghiệm, hàng trăm trẻ bị tiêu chảy đã được cứu sống. Từ đó, công thức trên được nhân rộng ra các BV trên toàn quốc và một phương pháp mới điều trị tiêu chảy được ra đời.  

Bà bảo, để có được thành công đó là cả một quá trình đấu tranh. "Khi tôi đề xuất phương án bổ sung oresol thay cho truyền máu, Viện trưởng không nghe mà chỉ đồng ý dùng phương pháp truyền thống là tiêm truyền. Tôi phải mời chuyên gia của UNICEF về hỗ trợ, giải thích. Sau đó, tôi thành lập một nhóm nghiên cứu và cho bệnh nhi uống oresol theo phương pháp của mình. Sau một năm thử nghiệm đã mang lại kết quả vượt ngoài mong đợi. Viện trưởng cũng không làm khó nữa. Dù vậy, một đồng nghiệp cùng nhóm nghiên cứu với tôi xin chuyển đi nước khác vì sợ bị trù dập", bà kể lại.

Sáng kiến giúp giảm suy dinh dưỡng thể nặng toàn quốc

Khi BV Nhi TƯ được Thụy Điển hỗ trợ xây dựng và chuyển giao, bà được mời về làm Phó Giám đốc BV. Khi đi khám bệnh, bà phát hiện nhiều bệnh nhi bị lở loét, phù, do suy sinh dưỡng thể nặng (Kwashiorkor) với tỷ lệ tử vong gần 35%. Bà thấy rằng nguyên nhân gây bệnh Kwashiorkor là do trẻ thiếu đạm, không được bú sữa sau sinh. Bởi khi đó, do mẹ không có sữa nên dùng nước cháo pha với muối, đường cho trẻ ăn. Chỉ sau một tháng, trẻ sẽ bị phù.

Không chỉ tại BV, bà khảo sát được biết tỉnh nào cũng có những bệnh nhi bị suy dinh dưỡng thể nặng. Hầu hết, các BV đều điều trị cho trẻ bằng truyền máu. Bà phản đối bởi nếu điều trị bằng phương pháp này tỷ lệ tử vong rất cao. "Khi bị bệnh, tim trẻ rất yếu. Nếu truyền máu, dịch, nước trẻ sẽ chết nên không sử dụng được phương pháp này được. Muốn cứu trẻ, cần phải bổ sung đạm cho bé", bà chia sẻ.

Tuy nhiên, cái khó là những năm 1980, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nên không biết lấy đâu sữa uống. Sau khi tham khảo ý kiến GS. Từ Giấy, một chuyên gia dinh dưỡng, bà đề nghị BV thành lập khoa Dinh dưỡng và được đồng ý. Bà tập trung bệnh nhân bị suy dinh dưỡng thể nặng về khoa rồi cùng với GS.Từ Giấy mời chuyên gia của Chương trình Lương thực thế giới (PAM) về thăm. Thấy nhiều trẻ bị suy sinh dưỡng thể nặng, PAM đồng ý hỗ trợ đường sữa, dầu đậu nành cho Việt Nam để điều trị.

Sau khi có đưỡng sữa và dầu đậu nành trợ giúp, bà pha chế thành thức ăn cho bé. Theo đó, sau khi sinh trẻ được đưa vào viện ủ ấm. Khoảng 2 tiếng sau thì cho bé ăn sữa hoặc dung dịch nước đường, sữa pha dầu đậu nành. Sau một năm, tỷ lệ tử vong giảm từ 35% xuống còn 0,1%.

Lúc bấy giờ tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong cộng đồng rất cao do thiếu đói. Ngay như phường bà cư trú, qua khảo sát đã phát hiện có đến 48% trẻ suy dinh dưỡng. Bà muốn làm gì đó để giảm suy dinh dưỡng cộng đồng, tuy nhiên chương trình của PAM đã kết thúc. Vì vậy, bà quyết định dùng sữa đậu nành thay cho sữa bò.

Theo đó, bà về Thái Bình, gặp Phó Chủ tịch tỉnh trình bày thực trạng trên và xin tỉnh hỗ trợ một số diện tích đất chỉ để trồng đậu nành làm sữa và được đồng ý. Số đậu nành thu được, bà hướng dẫn nhân viên BV bóc vỏ, xay đậu nành, lọc và nấu thành sữa. Sữa đó bà cho trẻ uống 1 cốc/ngày. Bà thực hiện thử nghiệm tại phường bà cư trú và một xã trên Thái Nguyên. Sau một năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ ở phường bà cư trú giảm từ 48% xuống còn 10%.

Từ thành công đó, bà vận động các tỉnh thành thực hiện cho trẻ uống sữa đậu nành. Với nguyên liệu dễ kiếm, cách làm đơn giản, các bà mẹ hưởng ứng rất nhiệt tình. Phương pháp uống sữa đậu nành để điều trị suy dinh dưỡng được nhân rộng trên toàn quốc, góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng toàn quốc từ 32% trước năm 1980 xuống 2% năm 1998.

Bà tâm sự: "Để thuyết phục mọi người thay đổi một phương pháp điều trị đã quá quen thuộc quả là vất vả. Hầu như không ai tin rằng chỉ bằng cách ăn đúng, đủ chất là có thể chữa được suy dinh dưỡng. Trong các hội nghị khoa học phổ biến kinh nghiệm điều trị, nhiều người phản đối gay gắt, kiên quyết duy trì phương pháp truyền máu. Khi nấu bột lên, cho dầu vào, váng sữa nổi lên, nhiều bà mẹ đã hớt vứt đi. Tôi phải thuyết phục, thậm chí phải cam kết với họ là cứ cho con ăn, nếu có vấn đề gì BV sẽ chịu trách nhiệm".

Ngoài ra, khi đi công tác nước ngoài, bà thấy tỷ lệ trẻ thấp tim rất ít, nhưng tại Việt Nam lên đến 12%. Vì vậy, bà đã đề xuất nghiên cứu về thấp tim trẻ em và được phê duyệt. Sau một thời gian nghiên cứu, điều trị, đến năm 2000, căn bệnh thấp tim ở trẻ em Việt Nam đã được thanh toán hoàn toàn.

Ngoài các công trình trên, đến nay GS Nguyễn Thu Nhạn đã tham gia gần 100 công trình nghiên cứu khoa học. Ví như phát hiện và điều trị sớm các rối loạn axit amin, axit béo bằng phương pháp kí khí và quang phổ khối kế tiếp nhằm giảm tử vong và tàn tật cho trẻ em…

Thực hiện y đức không phải là hô hào khẩu hiệu mà phải được thể hiện bằng việc làm cụ thể của từng nhân viên trong ngành. Điều này phải được thể hiện ngay từ khi tiếp đón bệnh nhân bằng cử chỉ ân cần, thăm khám tận tình, hướng dẫn chu đáo, điều trị đúng phác đồ chuyên môn", TTND.GS.TS Nguyễn Thu Nhạn


Nghĩ về y đức thời nay

Mặc dù nghỉ hưu đã lâu nhưng bà vẫn "đau đáu" với ngành y. Cũng vì thế, bà vẫn thường xuyên nghiên cứu, giảng dạy và chỉ chịu "ngồi yên" ở nhà khoảng 2 năm nay. Dù vậy, bà vẫn hàng ngày theo dõi các tin tức liên quan đến y khoa, đặc biệt là bệnh tật liên quan đến trẻ em.

Bà bảo, những năm vừa qua, khối điểm thi lấy vào ngành y rất cao, điều đó thể hiện sự quan tâm của xã hội, của các bạn trẻ đến nghề y. Tuy nhiên, ngành Y là một ngành đặc biệt, lấy đối tượng con người làm trung tâm. Vì thế, ngoài chữ Y còn phải có chứ Đức. Chữ Đức có tính chất bẩm sinh nhưng vẫn phải đào tạo. Những người theo ngành Y phải thấm nhuần lời thề Hippocrates, những lời dạy về y đức của Hải Thượng Lãn Ông. Y - Đức phải song hành mới có thể hoàn thành tốt công việc của mình. Nghề Y cũng như một thứ đạo. Những ai theo ngành Y đều phải "ngoan đạo" mới có thể theo đuổi và làm tốt công việc của mình.

Cũng theo GS. Nhạn, thực hiện y đức không phải là hô hào khẩu hiệu mà phải được thể hiện bằng việc làm cụ thể của từng nhân viên trong ngành. Điều này phải được thể hiện ngay từ khi tiếp đón bệnh nhân bằng cử chỉ ân cần, thăm khám tận tình, hướng dẫn chu đáo, điều trị đúng phác đồ chuyên môn. Việc kê đơn thuốc sao cho vừa trị được bệnh, vừa phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của bệnh nhân. Bởi người bệnh khi phải xa nhà đến bệnh viện hay trạm y tế là đã khốn khó trăm bề, vừa đau đớn do bệnh tật, vừa lo lắng về kinh tế để có tiền mua thuốc, tiền nuôi dưỡng người bệnh và người thân theo chăm sóc. Vì vậy, người thầy thuốc cần phải rèn luyện thêm khả năng giao tiếp, ứng xử để bệnh nhân khi đến BV không phải hoang mang, lo lắng, GS. Nhạn chia sẻ.

Với những đóng góp lớn trong việc chăm sóc, điều trị cho trẻ em Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thu Nhạn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Danh hiệu cao quý, như: Chiến sĩ thi đua ngành y tế nhiều năm liền; Giải thưởng của Hội Nhi khoa Châu Á và Tây Thái Bình Dương (2 lần); danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (1994); Thầy thuốc ưu tú (1998); Huân chương Lao động hạng Ba; Huy Chương vì sự nghiệp giải phóng Phụ nữ; Giải thưởng Kovalepkaia (năm 2001).

Linh Trần