Liễu kể: "Cách đây gần 30 năm, khi em đang học lớp 2, bố đặt báo Nhi Đồng cho em đọc, em được tiếp xúc với báo từ hồi đó. Khi học cấp 2, em tập viết bài gửi cho báo Thiếu niên Tiền phong, tuy nhiên ròng rã nhiều năm trời vẫn không có bài nào được đăng. Gần 20 năm trước, ngày 23/11/2003, bài viết đầu tiên của em được đăng trên báo Hoa Học Trò, cảm giác chờ đợi, kiên nhẫn suốt bao nhiêu năm cuối cùng cũng có thành quả, em hạnh phúc lắm. Kể từ đó em viết nhiều hơn, dù không phải bài nào cũng được đăng nhưng nó nuôi dưỡng ý chí để em quyết tâm theo nghề báo".
Bật khóc khi đọc tin nhắn của độc giả
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện ở nước ta, cũng từng đó lần nữ phóng viên này xông xáo tác nghiệp. Đợt dịch trước Tết Nguyên đán, Liễu có mặt tại ổ dịch xã Lâm Thao, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) để viết về không khí Tết của những người dân nơi đang bị phong tỏa.
Rồi khi dịch quay trở lại Bắc Ninh vào tháng 5/2021, Liễu một lần nữa xin phép lãnh đạo được phối hợp với phóng viên thường trú để đi vào tâm dịch. "Trong đầu chỉ suy nghĩ làm sao có được nguồn tin nhanh, chính xác, góc nhìn khác hay câu chuyện nhân văn để truyền tải đến độc giả", Liễu nói.
Khi cô vào khu cách ly, lãnh đạo khu cách ly nói sắp có đoàn F1 từ ổ dịch Mão Điền chuyển đến, Liễu và nam phóng viên thường trú quyết định sẽ tiếp xúc với các F1 để viết bài. Khi đó ổ dịch Mão Điền đang rất phức tạp, 1 trong số các F1 được chuyển đến có trường hợp bị sốt cao. Mặc dù được trang bị quần áo bảo hộ, được nhân viên y tế hướng dẫn cách phòng tránh lây nhiễm nhưng khi vừa bước chân ra tới cổng là nỗi lo sợ ập đến với cô. "Em sợ mình đang là F2, có thể thành F0 bất cứ lúc nào, không phải nỗi lo mắc Covid-19 mà em lo sẽ khiến những người xung quanh bị ảnh hưởng vì mình. Có lẽ đây là nỗi lo, băn khoăn duy nhất của em mỗi khi vào vùng dịch tác nghiệp", Liễu nhớ lại.
Khi vào tâm dịch, chứng kiến cán bộ tuyến đầu chống dịch, nhìn thấy họ mặc bộ quần áo bảo hộ cả ngày dưới trời nắng nóng, những hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế kiệt sức ngất xỉu thì không ngòi bút nào có thể tả được hết sự vất vả của họ.
Ở trong khu cách ly, lần đầu tiên, Liễu thấy giọt nước mắt của một quân nhân khi nhắc đến người cha già ở nhà vừa bị tai biến nhưng anh không thể về thăm; là người dân đến cách ly, hành lý của họ có khi là lọ ruốc đang ăn dở hoặc vài quả trứng; những câu chuyện rơi nước mắt ở khu cách ly khiến Liễu rất trăn trở, xót xa.
Một trong những câu chuyện lay động lòng người qua ngòi bút của nữ nhà báo này đó chính là hoàn cảnh 2 cháu bé có bố là bệnh nhân Covid-19 qua đời, mẹ và anh là F0, 2 chị em phải tự chăm nhau trong khu cách ly ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).
Từ bài viết của cô, vài ngày sau đã có hàng nghìn người ủng hộ với số tiền lên tới hơn 700 triệu đồng cho 2 chị em có hoàn cảnh đặc biệt trong khu cách ly. "Khi biết hơn 700 triệu đồng đã được chuyển tới để ủng hộ các cháu, em xúc động suýt bật khóc. Nhưng đến khi đọc những tin nhắn chuyển tiền của các mạnh thường quân, có độc giả tâm sự rằng đang thất nghiệp nhưng vẫn chuyển những đồng tiền cuối cùng để ủng hộ, hoặc có nam độc giả nói "chú chỉ còn 50.000 đồng, chú xin gửi tới chị em cháu Tuyết", em đã khóc nức nở. Em không ngờ bài viết của mình đã lay động cảm xúc của độc giả, cũng bất ngờ về tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc của những người không hề quen biết vẫn chung tay giúp đỡ nhau qua đại dịch", nữ nhà báo xúc động kể lại.
Dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tác nghiệp trong mùa dịch nhưng với Liễu, nghề báo vẫn luôn là một nghề thú vị, khiến cô chưa khi nào vơi bớt đam mê với nghề.
Hà Khê