Sáng một ngày cuối tuần tháng 6, cô Đồng Kim Hạnh, 42 tuổi, giảng viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng thuộc bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng, khoa Công trình, vẫn đến trường Đại học Thủy lợi, Hà Nội. Trong chiếc áo sơ mi ngắn tay, quần vải đen và đôi sandal đế thấp, cô Hạnh bước nhanh tới văn phòng của Viện Kỹ thuật công trình, nơi cô vừa nghiên cứu khoa học, vừa làm tư vấn cho các công ty về thiết kế, tổ chức thi công công trình xây dựng.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bố từng là giảng viên của trường Đại học Thủy lợi, cô Hạnh gắn bó với khu tập thể của trường từ khi mới lọt lòng. Học hết THPT, chuẩn bị chọn ngành để thi đại học, cô hỏi bố liệu có thể học ở trường Thủy lợi không. Dù là con gái, cô được bố khuyên nên học khối ngành kỹ thuật vì tạo ra các sản phẩm đơn chiếc, khiến con người sáng tạo và mạnh mẽ hơn.
"Bố là dân thi công công trình thủy, đi nhiều, tính tình khoáng đạt, mạnh mẽ. Tôi ngưỡng mộ bố vì điều đó và quyết định theo nghề như bố", cô Hạnh nói, quyết định đăng ký thi ngành Công trình thủy lợi của Đại học Thủy lợi và trúng tuyển.
Trường Thủy lợi thời bấy giờ rất ít nữ, lớp cô có 8 nữ là thuộc hàng nhiều nhất trường. Đi thực tập, hiểu những vất vả khi làm việc ở công trường, 7 bạn chọn chuyên ngành thiết kế công trình thủy, riêng cô Hạnh theo thi công (nay là ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng). Mặc những lời cảnh báo "ngành này chỉ phù hợp với nam giới" hay "đút chân gầm bàn, ngồi phòng máy lạnh để thiết kế không sướng hơn ra công trường sao", cô vẫn quyết theo.
Ra trường năm 2001 với tấm bằng giỏi, bảo vệ đồ án tốt nghiệp loại xuất sắc, trở thành một trong ba người có điểm tổng kết cao nhất trường, cô Hạnh được tuyển thẳng vào cao học. Cùng lúc đó, trường tổ chức tuyển giáo viên. Đủ điều kiện để thi tuyển, cô đăng ký thi và đỗ. Thế nhưng, cô không được đứng bục giảng ngay.
"Đã vào nghề thì gái cũng như trai, đã dạy học là phải có kinh nghiệm thực tế, dạy thi công mà không đi công trường thì không dạy được", cô Hạnh vẫn nhớ lời GS Vũ Thanh Te, người thầy giúp đỡ cô từ những ngày đầu vào nghề. Vậy là ba năm đầu, ngoài thời gian học cao học, cô dành toàn bộ thời gian còn lại đi công trường, nhận phần việc như một kỹ sư giám sát rồi hướng dẫn sinh viên thực tập.
Kết thúc chương trình thạc sĩ, cô Hạnh thi chương trình liên kết giữa Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) với Đại học Kiến trúc và Xây dựng Saint Petersburg (Nga) để học lên cao. Trúng tuyển, cô giành học bổng làm nghiên cứu sinh ở Nga.
Tháng 5/2005, trước thời điểm sang Nga 4 tháng, cô lấy chồng. Đến lúc phải đi học, cô mới biết mình đã bầu 9 tuần. Vừa mang thai, vừa phải tối ngày trong phòng thí nghiệm và thực hiện mọi công việc cho luận án, cô Hạnh căng thẳng. Ở lại thì vất vả, lại không có tiền để sinh mà về nước thì sợ thời gian học kéo dài quá quy định (3,5 năm), học bổng hết hạn, cô phải vò đầu suy nghĩ.
Khoảng 3 tháng sau, cô tâm sự với thầy hướng dẫn. Được thầy chia sẻ, hỗ trợ bảo lưu việc học, cô Hạnh về nước sinh con với điều kiện vẫn phải tiếp tục làm thí nghiệm để có kết quả phục vụ nghiên cứu. Mừng như bắt được vàng, cô Hạnh về nước sinh con và thực hiện nghiên cứu ở Viện Khoa học công nghệ xây dựng.
Con chưa được 6 tháng, cô lại sang Nga học, mang theo quyết tâm cố gắng học thật nhanh để vẫn xong trong 3,5 năm. Khối lượng công việc, thí nghiệm như nhiều gấp đôi, cả tháng mới được gọi điện và nói chuyện với gia đình vài phút, cô luôn phải dặn lòng tự vượt qua giai đoạn này để về với con. Được thầy hỗ trợ, gia đình động viên, cô Hạnh đắm mình vào công việc "đo, đọc, đếm, viết luận".
Khi con được 18 tháng, đã biết nói và biết đi, cô xin về phép. Tới nhà, con đuổi ra vì không biết là ai. Tối đến, con không nằm cùng, không cho động vào người, không cho bón cơm. "Tôi sốc, cảm thấy khổ sở vô cùng. Tôi bảo với chồng coi như mất con rồi bởi nó đâu nhận ra mẹ", cô Hạnh kể. Được chồng động viên, cô ở nhà hai tháng, cố gắng để con quen mình. Tới lúc con bắt đầu quen thì cô lại phải sang Nga hoàn thành chương trình tiến sĩ.
Năm 2009, cô Hạnh quay trở lại bộ môn làm công tác giảng dạy. Với vốn kiến thức tích luỹ được khi làm nghiên cứu sinh tại Nga và thời gian dài làm việc ở công trường, cô được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều đóng góp xây dựng chương trình đào tạo ngành Quản lý xây dựng bậc sau đại học.
Nữ giảng viên gốc Hà Nội cũng có nhiều sáng kiến khoa học. Thấy các hồ xử lý nước rác của khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) bị quá tải vào mùa mưa bão do nước mưa hòa vào nước rác, cô cùng một số chuyên gia môi trường đưa ra giải pháp sử dụng màng chống thấm HDPE tách nước mưa, giảm thiểu phát sinh nước rác, tránh được nguy cơ vỡ bờ bao hồ chứa nước rác.
Hay khi nhận ra sự suy thoái của bờ biển Nha Trang gây ảnh hưởng tới kinh tế, cô cùng đồng nghiệp đã làm nghiên cứu chuyên sâu đánh giá tác động hình thái, xói lở bờ biển. Ngoài ra, cô Hạnh viết, dịch sách, hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học.
Năm 2015, cô Hạnh được công nhận là phó giáo sư, trở thành giảng viên cao cấp của Đại học Thủy lợi. Bấy giờ, cô là nữ phó giáo sư trẻ nhất của ngành Thủy lợi và đến giờ vẫn là nữ phó giáo sư duy nhất của khoa Công trình trường Thủy lợi.
Được học cô Hạnh và được cô hướng dẫn nghiên cứu khoa học, Nguyễn Trí, sinh viên năm thứ tư ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng (Đại học Thủy lợi) cảm thấy may mắn. Theo Trí, cô Hạnh rất tích cực giúp đỡ sinh viên, chỉ cần nhận được tin nhắn thắc mắc là cô sẽ sắp xếp thời gian trả lời ngay trong ngày.
"Hay khi làm nghiên cứu khoa học, dù cô rất bận rộn, sinh viên phải chủ động nhưng cô luôn dành một buổi trong tuần để gặp gỡ, trao đổi khiến chúng em yên tâm hơn", Trí nói. Nam sinh còn rất quý cô Hạnh ở điểm luôn ủng hộ sinh viên tham gia các hoạt động phong trào như chơi thể thao thay vì chỉ chăm chăm học.
Nhìn lại hành trình gắn bó với ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, cô Hạnh cảm thấy hạnh phúc. "Chính ngành này đã giúp tôi trở nên mạnh mẽ, có thái độ sống tích cực hơn", cô Hạnh nói, hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục có những đóng góp, giúp khẳng định rõ hơn vai trò của các ngành khoa học kỹ thuật đối với xã hội.
Theo vnexpress