Những ngày qua Cẩm Nhiên miệt mài ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, hoàn thành chương trình học trước khi sang Mỹ vào tháng 8 tới.
Nữ sinh được 9 trường mời gọi với mức học bổng cao gồm Cornell, Denison, DePauw, Drexel, Miami, Mount Holyoke College, Southern Methodist, Umass Amherst, Carleton. Không mất nhiều thời gian quyết định, nữ sinh 18 tuổi chọn Đại học Cornell thuộc nhóm Ivy League - đại học có uy tín nhất trên thế giới với mức tài trợ 254.000 USD (gần 6 tỷ đồng) trong bốn năm.
"Đây là một trong số ít trường quan tâm nhiều về khả năng thực tế của học sinh hơn là điểm số. Ngoài ra, trường có một viện nghiên cứu về nhân lực tại nơi làm việc - vấn đề em rất quan tâm", Nhiên cho biết.
Nhiên kể, biết đại học Mỹ có hai đợt tuyển sinh trong năm, trả kết quả vào tháng 12/2020 và tháng 4/2021. Kỳ vọng nhất vào Đại học Cornell, nữ sinh nộp hồ sơ đợt đầu nhưng nhận kết quả không như mong đợi. Trường chưa nhận ngay mà để hồ sơ xét cùng các ứng viên đợt sau.
"Em rất hụt hẫng, lo ngại. Tỷ lệ trúng tuyển đợt sau thường thấp hơn do số lượng cạnh tranh cao", Nhiên nói về cảm xúc lúc đó. Dù đã nhận được học bổng khá tốt của nhiều trường khác, song niềm ước mơ vào Cornell quá lớn khiến cô quyết tâm đợi kết quả cuối cùng.
Bài luận 650 từ được nữ sinh gửi cho đại học Conell được thực hiện trong 5 tháng, từ quá trình lên ý tưởng, viết nháp và trau chuốt ngôn từ. Ban đầu, cho rằng phải có một chủ đề lớn lao thì bài luận mới nổi bật, cô thường xuyên bị "bí" ý tưởng giữa chừng. Được sự cố vấn và lời khuyên của mọi người, Nhiên nhận ra yếu tố quan trọng là cách bày tỏ đam mê, thế mạnh để trường thấy được con người thật của mình.
"Em dành nhiều thời gian trong hè để định hướng bản thân và thấy may mắn chọn được hướng đi đúng. Đó là khoảng thời gian khá áp lực nhưng rất ý nghĩa, em được hiểu chính mình hơn qua những câu chuyện quá khứ", Nhiên chia sẻ.
Chủ đề bài luận của cô là sự kết hợp giữa hai vấn đề nữ quyền và tranh biện. Lấy cảm hứng từ món đồ chơi yêu thích lúc nhỏ, Nhiên lồng ghép câu chuyện từng bỏ chơi búp bê vì bị chê điệu và việc em tái thành lập câu lạc bộ tranh biện của trường. Từ đó, em khẳng định việc thích sự nữ tính không đồng nghĩa với việc mình không thể theo đuổi những sở thích học thuật khác. "Mỗi người là những cá thể riêng biệt, hoàn thiện và mang sự đối lập", Nhiên nói.
Trong bài luận phụ, ứng viên được yêu cầu trình bày một vấn đề xã hội quan tâm. Nhiên đã kể về hành trình hơn 2 năm tham gia Eunoia Project - dự án được một cựu học sinh trường Lê Hồng Phong thành lập năm 2017, nhằm giúp mọi người có cái nhìn sâu hơn về hội chứng tự kỷ.
Trong bài luận, cô chia sẻ về lần đầu nói chuyện với các bé tự kỷ, cả hai đều gặp khó khăn. Khi đó, Nhiên đã tập cắt ngắn những câu dài, rút thành câu đơn để dễ dàng giao tiếp với các bé. Cô nhận ra rằng, muốn giúp ai đó cần đặt bản thân vào họ để hiểu nhau hơn, rồi kết thúc bài luận bằng việc bày tỏ muốn được hành động để thấu hiểu và giúp đỡ mọi người.
Ngoài ra, trong thời gian chờ đợi, từ cuối năm ngoái đến nay, Nhiên tham gia vào chương trình Nhà lãnh đạo trẻ châu Á (Asia Youth Leaders), thành đại diện Việt Nam giao lưu với những học sinh nước khác. Nữ sinh còn liên lạc và trao đổi với hai giáo sư của trường Cornell về cách xây dựng hệ thống nhân sự cho một doanh nghiệp để đảm bảo bình đẳng trong môi trường làm việc. Em gửi thêm một lá thư cho ban tuyển sinh cập nhật những hoạt động em làm được và bày tỏ khao khát được học tại trường (letter of continued interest).
Không uổng công, hồi đầu tháng 4, cô nhận tin nhắn thông báo kết quả đậu từ Đại học Cornell. Mở điện thoại, nữ sinh hồi hộp đến mức gõ sai liên tiếp email của mình. Vừa thấy dòng chữ chúc mừng, em gọi điện báo tin cho mẹ - người luôn ủng hộ và sát cánh trong "cuộc chiến săn học bổng".
Nhận thấy đa số du học sinh chọn khối STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật, Mathematic - Toán học), Nhiên băn khoăn vì đó không phải là sở trường của mình. "Đại học là khoảng thời gian sinh viên được trải nghiệm và hiểu sâu những ngành mình đam mê. Em không muốn lãng phí 4 năm để cố theo đuổi một lĩnh vực không phù hợp", Nhiên bày tỏ quan điểm
Đa số các trường đại học Mỹ không ràng buộc sinh viên phải chọn chuyên ngành cố định trong 1-2 năm đầu. Nhiên muốn thử sức nhiều ngành nghề nhất có thể để xem bản thân có thể phát triển tới đâu, chẳng hạn như Kinh doanh quốc tế, Luật kinh tế, Luật dân sự.
Một đam mê lớn của nữ sinh là học tiếng Anh. Từ cấp hai, Nhiên "cuồng" Harry Potter, từng dành một tháng hè để đọc sách, xem hết 7 phần bộ phim. Nhiều lúc, bản dịch không truyền tải chuẩn xác ý tưởng của tác giả nên em muốn được trải nghiệm bằng bản gốc. Nhiên ham đọc sách, trau dồi vốn ngoại ngữ. Hè năm lớp 9, Nhiên tự tìm tài liệu trên mạng ôn trong ba tháng và thi đạt IELTS 8.0.
Từ nền tảng này, Nhiên đỗ vào chuyên Anh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Thấy nhiều học sinh có cùng sở thích tranh biện nhưng không có đất thể hiện, Nhiên cùng một bạn trong lớp tái lập câu lạc bộ tranh biện (LHP Debater Club) của trường sau hai năm dừng hoạt động. Nhờ đó, Nhiên học được thêm cả kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm.
Nữ sinh tích cực tham gia các cuộc thi, tổ chức cộng đồng để mở rộng kiến thức về các vấn đề xã hội và "làm đẹp" hồ sơ xin học bổng. Năm 2019, cô là một trong 3 thí sinh đoạt giải Người nói tốt nhất chương trình The Debaters. Học kỳ một lớp 12, em giành giải đồng của cuộc thi toán học International Youth Math Challenge (IYMC).
Suối thời trung học vừa học vừa tham gia hoạt động ngoại khóa, Nhiên thừa nhận từng gặp khó khăn trong việc cân bằng, phân bổ thời gian. Nữ sinh không coi nhẹ việc nào, tự khích lệ bản thân nghĩ tới kết quả mình sẽ đạt được. "Chỉ tham gia một vài câu lạc bộ, tổ chức nhưng em luôn áp lực bản thân phải cống hiến dài lâu và thực sự để tâm. Khi đó, mình sẽ thấy trưởng thành và phát triển hơn rất nhiều", Nhiên chia sẻ.
Chị Nguyễn Thủy Tiên, cố vấn của Cẩm Nhiên trong quá trình làm hồ sơ du học, nhận xét nữ sinh biết xây dựng kế hoạch chỉn chu và tập trung vào điểm mạnh của bản thân. Nhiên quan tâm tới lĩnh vực luật pháp nên hồ sơ được làm nổi bật sự đam mê của em với chủ đề này.
"Dù không có kết quả học thuật quá cao, Nhiên đã đầu tư vào những thứ em giỏi nhất, đây là điều mà nhiều bạn học sinh cấp ba chưa làm được", chị Tiên nói.
Theo vnexpress